Ảnh
© Nam PhươngPhó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Trẻ bị chảy mũi, ho, tiêu chảy, viêm kết mạc... nguyên nhân là do virus, không cần uống kháng sinh mà chỉ chữa triệu chứng ho thì dùng thuốc long đờm, giảm ho; hạ sốt khi cần.

Là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam viết sách về kháng sinh, quan điểm của phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, là "chỉ dùng kháng sinh khi thực sự cần thiết". Ông được nhiều người biết đến với thế mạnh trong việc điều trị các bệnh lý đường hô hấp, hen và kháng sinh. Một điều dễ nhận thấy trong những đơn thuốc của vị bác sĩ này là rất ít có sự xuất hiện của thuốc kháng sinh.

"Kê thuốc kháng sinh cho trẻ thì dễ và 'nhàn' hơn cho bác sĩ rất nhiều nhưng với trẻ lại không tốt", bác sĩ Dũng chia sẻ. Với thâm niên hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực nhi khoa, ông nhận thấy với bệnh viêm phổi, vũ khí cứu trẻ chính là kháng sinh. Tuy nhiên nó cũng dẫn tới hệ quả rất nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm khác là lạm dụng kháng sinh.

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc kê đơn kháng sinh. Đầu tiên theo phó giáo sư Dũng là do bản thân người nhà bệnh nhân yêu cầu được dùng kháng sinh. Nhiều người coi kháng sinh là thuốc trị "bách bệnh": đau họng, sốt, sổ mũi... đều nghĩ ngay đến việc dùng nó. Bên cạnh đó, người thầy thuốc do thời gian thăm khám quá ít dẫn đến chẩn đoán không chắc chắn hoặc không có đủ thời gian để giải thích cho gia đình vì sao không cần dùng kháng sinh.

Thực tế, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra kết luận nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus thì việc dùng kháng sinh không có tác dụng giúp bệnh nhanh thoái lui hơn mà còn khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, thậm chí có thể dẫn đến tiêu chảy kéo dài, dị ứng...

Bệnh đường hô hấp rất hay gặp ở trẻ nhỏ, trong đó tác nhân gây bệnh chính là do virus, chiếm khoảng 2/3. Vì thế, việc của người thầy thuốc là phải chẩn đoán chính xác đó là bệnh gì, thuộc loại nhiễm trùng hay không nhiễm trùng. Nếu do nhiễm trùng thì do vi khuẩn hay siêu vi khuẩn. Ví dụ cùng sốt nhưng có thể do nhiễm virus, không cần dùng kháng sinh. Trường hợp viêm phổi, viêm đường tiết niệu... thì bắt buộc phải dùng kháng sinh.

"Trẻ bị ho cũng không nhất thiết phải uống kháng sinh, nhiều trường hợp chỉ cần dùng các thuốc điều trị triệu chứng bệnh lại nhanh khỏi. Ho thì dùng thuốc long đờm, giảm ho hoặc khi chảy mũi, tắc mũi thì dùng nước muối sinh lý, thuốc co mạch, kháng histamin. Nếu sốt và đau họng thì uống pracetamol và nghỉ ngơi, uống nhiều nước...", phó giáo sư Dũng nhấn mạnh.

Theo ông, tác nhân gây viêm mũi họng ở trẻ có thể là virus, vi khuẩn. Các bác sĩ hoàn toàn có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm để phân biệt bệnh do virus hay do vi khuẩn (70-80% là do virus). Nếu là do virus, người bệnh có thể có các biểu hiện như viêm kết mạc, chảy mũi, ho, tiêu chảy, ban dạng virus... Còn nếu do vi khuẩn, các triệu chứng thường gặp là sốt trên 38,5 độ C, sưng đau hạch cổ, đau đầu, nốt xuất huyết ở vòm, đau bụng, khởi bệnh đột ngột (dưới 12 giờ), chất xuất tiết ở họng, amidan...

Với trẻ mắc viêm tai giữa, trong một số trường hợp có thể phải dùng kháng sinh như trẻ dưới 6 tháng; trẻ 6 tháng đến 2 tuổi nếu chẩn đoán chắc chắn hoặc không chắc chắn nhưng bệnh nặng; trẻ trên 2 tuổi có chẩn đoán chắc chắn và bệnh nặng. Các trường hợp khác chỉ điều trị triệu chứng và theo dõi sau 2 ngày nếu bệnh không đỡ mới dùng kháng sinh. Quan trọng là giữ vệ sinh mũi họng, có trường hợp hút mũi không cũng khỏi, nguyên tắc mũi sạch thì tai khô.

"Các bằng chứng so sánh lâm sàng cho thấy, 60% số bệnh nhân viêm xoang kéo dài trên 10 ngày mới là do nhiễm vi khuẩn. Viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ phần nhiều không do nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn hô hấp trên không xác định vị trí, viêm phế quản cấp ở những cơ thể trước đây khỏe mạnh thì chủ yếu là do virus. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết điều này hoặc biết nhưng vẫn dùng kháng sinh, ngay cả với bác sĩ', phó giáo sư Dũng nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, nhiều bà mẹ quá tin tưởng vào việc dùng thuốc kháng sinh mà không biết được những hiểm họa đằng sau đó, nó có rất nhiều tác dụng phụ khác nhau. Tác dụng phụ đầu tiên mà tất cả thầy thuốc cũng phải sợ là dị ứng. Dị ứng có thể gây sốc phản vệ, diễn ra vô cùng nhanh và có thể gây chết người ngay mà không thể tiên đoán trước được. Ngay cả với dị ứng chậm cũng vô cùng nguy hiểm, nó dẫn tới tình trạng nhiễm độc kháng sinh nặng và dẫn đến tử vong sau 1-2 tuần. Tác dụng phụ thứ hai là tiêu chảy - đây là tác dụng hay gặp nhất.

Tác dụng phụ thứ ba ít người biết đến là dẫn tới tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc. Tình trạng kháng kháng sinh dẫn tới việc kháng sinh không còn có tác dụng trong quá trình điều trị. Bản thân phó giáo sư Dũng đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ bệnh trở nặng, thậm chí tử vong mà nguyên nhân là do lạm dụng kháng sinh.

"Có nhiều trẻ bị viêm phổi nặng, bác sĩ đã thay hết các loại kháng sinh tốt từ cũ đến mới nhưng vẫn không có tác dụng, bệnh nhân tử vong vì tất cả kháng sinh đều bị vi khuẩn nhờn thuốc kháng lại. Ngoài ra cũng có nhiều trẻ bị tác dụng phụ do lạm dụng kháng sinh là tiêu chảy, chữa đến 2-3 tháng mới cầm được không hề hiếm. Kháng sinh được ví như 'của để dành' để dùng trong những trường hợp thực sự nguy cấp vì thế không nên lạm dụng nó", phó giáo sư Dũng chia sẻ.