Tartar people in Crimea
Những người Tartar ở Crimea
Một cuộc thăm dò do Cơ quan Liên bang về dân tộc (FADH) tổ chức đối với những người dân Tatar ở bán đảo Crimea cho thấy những người này không muốn về Ukraine sống.

Cuộc thăm dò có câu hỏi: "Nếu có cơ hội, bạn sẽ muốn chuyển đến nơi ở khác trên bán đảo Crimea, vùng khác của Nga, ở Ukraine hay một nước khác?"

"Không có ai được hỏi cho biết họ muốn đến Ukraine" - ông Igor Barinov, lãnh đạo FADH cho hay.

Cuộc thăm dò ở Cộng hòa Crimea hướng vào việc tìm hiểu ý kiến của các đại diện người Tatar ở Crimea về nguyện vọng của họ. 82% các đại diện người Tatar Crimea nói họ muốn ở lại bán đảo, 10% hy vọng sẽ thay đổi nơi sống trong địa phận Crimea. 2% ý kiến sẵn sàng đến một vùng khác của Nga.

Ông Barinov nhận xét rằng, những con số này cho thấy cuộc sống của người Tatar Crimea đang thay đổi theo chiều hướng tích cực.

"Đặc biệt, để giảm lỗi thống kê kết quả và nâng cao độ tin cậy từ phía những người trả lời, cuộc phỏng vấn do chính các đại diện cùng dân tộc thực hiện, người được thăm dò có thể nói bằng ngôn ngữ Tatar Crimea" - ông Igor cho biết.

Lực lượng người Tatar Crimea là lực lượng thường xuyên gây kích động ở bán đảo Crimea. Tổ chức cực đoan ở bán đảo Crimea có tên là "Medjlis của người Tatar Crimea" luôn bày tỏ các nỗ lực chiếm lấy bán đảo giúp Ukraine từ tay Nga.

Thủ lĩnh nhóm cực đoan "Medjlis của người Tatar Crimea" là Nghị sĩ Quốc hội Ukraine, ông Mustafa Dzhemilev. Những tiểu đoàn tình nguyện mang tên Noman Celebicihan gồm nhiều thành viên là người Tatar Crimea được thành lập ở Ukraine đã tổ chức chiến dịch phong tỏa bán đảo này hòng giành lại từ tay nga.

Mục đích chính của kế hoạch này là "bảo vệ bán đảo Crimea ngay trong lòng bán đảo" và "sẵn sàng tấn công các mục tiêu" nếu cần thiết.

Ông Lenur Islyamov, một trong những người tổ chức chiến dịch phong tỏa bán đảo Crimea cũng nhấn mạnh rằng họ cần tiếp tục mở rộng các sáng kiến, bổ sung lực lượng đường thủy để thực hiện kế hoạch phong tỏa trên nhiều mặt.Islyamov cũng không giấu giếm nói rằng nếu họ có các tàu nhỏ, họ sẵn sàng tấn công các tàu lớn chở hàng hóa, nhu yếu phẩm đến Crimea.

Hồi cuối tháng 7/2015, Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng đã đưa ra ý kiến gây tranh cãi là đề xuất quốc hội nước này cấp quy chế tự trị cho người Tatar, giúp họ xây dựng bán đảo Crimea (hiện đã thuộc Nga), thành "Khu tự trị của người Tatar, trong một đất nước Ukraine thống nhất".

Đến nay, khi những người Tatar Crimea khẳng định đã muốn ở lại bán đảo của Nga và hưởng các dịch vụ cung cấp tại Nga, nỗi lo của Moscow tại bán đảo này sẽ không còn. Người dân Crimea và người Tatar Crimea sẽ chung sức xây dựng bán đảo này, bất kể những nỗ lực xâm lược nào từ phía thù địch.

Người dân Crimea không cần sự hỗ trợ của Tổng thống Poroshenko

Phó Thủ tướng Cộng hòa Crimea Ruslan Balbek đã khẳng định dứt khoát điều này.

Ông Poroshenko từng hứa hẹn sẽ không bỏ mặc người dân Crimea và cáo buộc Nga vi phạm nhân quyền ở bán đảo này. Tuy nhiên, theo ông Balbek, người dân Crimea không muốn liên quan đến Kiev.

"Người dân Crimea sẽ biết ơn nếu ông Poroshenko để mặc chúng tôi, không cần sự chăm lo và quan tâm phiền toái của ông ấy. Người dân ở bán đảo này đã được hưởng cái gọi là sự hỗ trợ của ông Poroshenko hồi năm 2014, khi nguồn cung cấp nước cho kênh đào Bắc Crimea và nguồn cung cấp thực phẩm bị đình chỉ chống lại người dân Crimea", ông Balbek nói trong khi nhắc lại các sự kiện trong quá khứ.

Theo chính trị gia này, đỉnh cao của hành vi không thể chấp nhận của Kiev diễn ra vào năm 2015 khi Crimea không có điện trong mùa đông lạnh giá.

"Đây là lý do tại sao cư dân của Crimea muốn ông Poroshenko để mặc bán đảo này mà không cần sự lo lắng và chăm sóc của ông ấy", chính trị gia đến từ Crimea kết luận.

Trong một diễn biến liên quan, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Rostec Nga, Sergei Chemezov tuyên bố, Nga sẽ ký hợp đồng với Iran về việc cung cấp tuabin cho các nhà máy nhiệt điện ở Crimea, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo ông Chemezov, các cuộc đàm phán với Iran đang tiến triển tốt, tập đoàn mong đợi sẽ nhận được các tuabin vào cuối năm 2017.

"Trước đó, Nga đã gặp rắc rối về vấn đề thiếu tuabin mà không tìm được nhà cung cấp bởi công ty ở Đức và các nước châu Âu khác bị cấm theo lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU về vấn đề Crimea. Bây giờ, chúng tôi đang ở trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán. Hy vọng các tuabin sẽ được lắp đặt trong năm nay" - ông nói.

Mặc dù Iran không công nhận việc Nga thống nhất bán đảo Crimea nhưng nước này sẵn sàng hỗ trợ Moscow đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho bán đảo này. Theo nhà phân tích chính trị Shoeib Bahman của Iran, động thái hợp tác kinh tế với Crimea có thể đẩy nhanh quá trình công nhận quốc tế của khu vực này như là một phần của Liên bang Nga.

Ông Bahman cho rằng, khi Iran trở thành nạn nhân để trừng phạt của phương Tây, Nga đã đưa tay giúp đỡ. Vì vậy, Tehran đang quay lại để ủng hộ và hy vọng hợp đồng cung cấp các tuabin có thể giúp Moscow giải quyết vấn đề ở Crimea. Iran ưu tiên quan hệ thương mại với Nga và thỏa thuận về việc cung cấp các tua-bin sẽ bước đầu quyết định sự hợp tác kinh tế lâu dài có lợi giữa 2 nước.

"Chúng tôi không đưa vấn đề công nhận Crimea bây giờ, nhưng chúng tôi tin rằng, hợp đồng này có thể là cơ sở cho các cuộc đối thoại sau này về vấn đề Crimea" - ông Bahman nói.