Child abuse
© Futureceylon.com/
Trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở nhiều địa phương chưa được xử lý gây nên bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Về vấn đề này PV báo Danviet đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục chăm sóc bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTBXH) xung quanh những bất cập trong khâu xử lý các vụ việc này.

Có ý kiến cho rằng, chỉ khi dư luận lên tiếng về các vụ án xâm hại tình dục với trẻ em thì những vụ án này mới được đào xới, xử lý?

-Tôi cho rằng, dư luận xã hội hiện nay đã lên án mạnh mẽ về các vụ việc này. Thế nhưng theo tôi không chỉ lên án mà chúng ta cần phải phỉ báng những kẻ thực hiện hành vi hiếp dâm, dâm ô với trẻ em. Qua nhiều vụ việc tôi thấy xã hội bây giờ chỉ bức xúc một thời gian thôi, sau đó mọi việc lại chìm xuồng ngay. Một số các quốc gia khác, những kẻ tội phạm xâm hại trẻ em kể cả sau khi ra tù, trở về cộng đồng vẫn bị lên án, thâm chí còn không thể sống được ở địa phương. Còn Việt Nam mình thì ngược lại, nạn nhân lại chính là người không thể sống được ở địa phương đó, nhưng kẻ gây tội vẫn nhởn nhơ.

Vì sao một vụ án dâm ô trẻ em gây phẫn nộ cả hai năm nay ở Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa thể xử lý dứt điểm để Chủ tịch nước phải chỉ đạo, thưa ông?

-Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đang theo dõi sát diễn biến vụ án dâm ô trẻ em ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện cơ quan điều tra nói chưa đủ chứng cứ để khởi tố bị can mà chỉ có thể khởi tố vụ án. Cái này, theo tôi cần phải trao đổi kinh nghiệm giữa cơ quan điều tra nhiều tỉnh thành với nhau. Đây không phải là vụ án hiếp dâm, không phải giao cấu thì đòi hỏi những chứng cứ về mặt pháp y, y tế là rất khó. Những vụ thế này chỉ có thể căn cứ vào nhân chứng và cơ quan điều tra cần phải có biện pháp để thu nhập chứng cứ. Việc này Lào Cai cũng đã từng làm rất tốt, họ thu nhập chứng cứ, đấu tranh với tội phạm.

Trường hợp mới nhất gần đây là vụ việc phụ huynh có con học lớp 1 ở TP.HCM tố cáo con mình bị xâm hại nhưng trường lại nói không? Theo ông phải làm sao để có thể tìm ra sự thật?

-Tôi phải nói ngay rằng, vụ việc vừa xảy ra, bên nào mà tuyên bố luôn là có hay không có việc em bé bị xâm hại là rất vô trách nhiệm. Thay vì đưa ra tuyên bố, thì các đơn vị có liên quan cần phải phối hợp ngay với cơ quan điều tra để xác minh sự thật. Khi có đơn tố cáo, tôi cho rằng nhà trường cần ngay lập tức phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ sự thật, chứ không phải tuyên bố là không có trường hợp em N bị xâm hại.

Tôi nghĩ thời gian tới cần phải lên án và xử lý nghiêm những địa phương, cơ sở giáo dục vì bệnh thành tích mà che giấu sự thật.

Là đơn vị quản lý nhà nước về vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Cục đã có những biện pháp nào bảo vệ những nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục?

Trách nhiệm chính của Cục là bảo vệ nạn nhân, khi mọi chuyện xảy ra rồi thì tiến hành bảo vệ các em. Tiếp theo là phối hợp với các bên cơ quan công an điều tra, hỗ trợ tìm kiếm chứng cứ.

Hiện nay, khi vụ việc xảy ra, Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em cũng hướng dẫn các địa phương phải hỗ trợ cho các nạn nhân. Không những bảo vệ về mặt thể chất, tâm lý mà còn phải bảo vệ cả nhân phẩm, danh dự cho các em nữa. Bên cạnh đó, Cục cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyến cơ sở huy động tất cả dịch vụ có trên địa bàn kể cả phải phối hợp với trung ương, hoặc các địa phương khác hỗ trợ giúp các em hồi phục tốt nhất.

Sau tất cả những vụ xâm hại, tình trạng này vẫn không giảm thậm chí còn có chiều hướng gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng buồn này thưa ông?

-Xâm hại tình dục và xâm hại trẻ em ở quốc gia nào, thời nào cũng đều có. Nhưng vấn đề hiện nay chính là sự vào cuộc của các cơ quan thực thi pháp luật, thậm chí chính là những đơn vị bảo vệ trẻ em như nhà trường, giáo viên, bố mẹ các em... còn hạn chế.

Theo tôi, khi xảy ra các sự việc, một mặt bảo vệ nhân phẩm, danh dự cũng như sức khỏe cho các em, nhưng mặt khác chúng ta cũng phải cương quyết đấu tranh với những tội phạm này. Đồng thời phải tăng cường giáo dục pháp luật cho người dân. Tuy nhiên, muốn giáo dục pháp luật thì phải xử lý nghiêm, dứt khoát những vụ án xâm hại chứ không thể để tình trạng dây dưa, chìm xuồng như các vụ việc đang diễn ra hiện nay. Ví dụ như vụ việc ở Bà Rịa - VũngTàu, Thành phố Hồ Chí Minh... tôi thấy có dấu hiệu của sự dây dưa, không ưu tiên xử lý vụ việc của các cơ quan pháp luật. Tôi cho rằng các vụ án về xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em cần phải được xem là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vụ án nóng cần được ưu tiên để xử lý ngay. Nếu cứ đi theo quy trình tố tụng bình thường thì rất khó để xử lý, bởi nếu không xử lý nhanh thì có thể gây tổn thương hơn cho các em.
Ngày 14.2, một cháu bé học sinh lớp 1 tại một trường tiểu học ở Thủ Đức (Tp Hồ Chí Minh) đã được gia đình phát hiện bị xâm hại tình dục. Theo lời cháu bé, cháu bị xâm hại tại trường. Khi gia đình đưa con đi khám thì Bệnh viện đã khẳng định cháu bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, nhà trường lại cho rằng "cháu té ngã". Dư luận phẫn nộ vì các dấu hiệu xâm hại tình dục và té ngã rất khác nhau.

Trước đó, tháng 1.2017, chị Nguyễn T. L (Hoàng Mai) đã làm đơn tố giác Cao Mạnh H (SN 1983, quê Thái Bình, tạm trú tại quận Hoàng Mai) vì có hành vi xâm hại tình dục với con gái 8 tuổi của chị nhiều lần. Hai tháng trôi qua, gia đình đã tố cáo với cơ quan pháp luật nhưng kẻ thủ ác vẫn không bị xử lý còn ngang nhiên thách thức dư luận.