Scotland's First Minister Nicola Sturgeon (left) and Prime Minister Theresa May
© AFPThủ hiến Scotland Nicola Sturgeon (trái) và Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May
Hôm 9/3, BBC dẫn nguồn tin từ Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon thông báo rằng, vùng lãnh thổ này có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tách riêng, độc lập khỏi Anh vào mùa thu năm 2018, chỉ vài tháng trước khi Anh chính thức ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Thủ hiến Sturgeon nói mùa thu 2018 sẽ là một "thời điểm hợp lý" để Scotland tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập khỏi Anh, bởi đến khi đó đã có chi tiết về một thỏa thuận cho Anh ra khỏi EU.

"Thời điểm khi một thỏa thuận cho Anh trở nên rõ ràng và Anh chuẩn bị ra khỏi EU, tôi nghĩ sẽ là lúc phù hợp để Scotland đưa ra lựa chọn của mình, nếu như đó là hướng mà chúng tôi định đi theo", bà Sturgeon nói.

Tuy nhiên, hiện nay, Scotland chưa quyết định cụ thể về ngày tổ chức trưng cầu dân ý. Theo quy định hiến pháp, cuộc bỏ phiếu này phải nhận được sự phê chuẩn của Chính phủ Anh ở London mới có thể diễn ra.

Nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trong nội tại nước Anh, nó sẽ là cú sốc cực lớn với chính quyền mới của bà Theresa May ở thời điểm khi nước Anh đã gần như hoàn tất quá trình Brexit- ra khỏi châu Âu.

Dẫu cuộc bỏ phiếu phải thông qua Chính phủ Anh ở London nhưng những cuộc vận động hành lang dày đặc nhằm thúc đẩy phương án B (trưng cầu dân ý vào thời điểm Anh cơ bản đạt được thỏa thuận rời EU), đang hiện rõ hơn bao giờ hết tại Anh.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit hôm 23/6/2016 đã đặt ra những câu hỏi xung quanh tương lai của Vương quốc Anh, vì Anh và xứ Wales bỏ phiếu chọn ra khỏi EU, trong khi Scotland và Bắc Ireland chọn ở lại.

Thủ hiến Scotland Sturgeon đã nhiều lần cảnh báo rằng kế hoạch Brexit của Chính phủ ở London có thể buộc Scotland phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý nữa bởi tình hình đã thay đổi kể từ năm 2014 - khi người Scotland bỏ phiếu với tỷ lệ 55%-45% để chọn ở lại trong Vương quốc Anh.

Theo kết quả cuộc khảo sát của tờ Herald mới đây cho thấy khoảng cách đồng ý-phản đối của người Scotland ở Anh đã thu hẹp xuống 2 điểm sau khi Brexit diễn ra.

Nước Anh sẽ chần chừ việc rời khỏi EU?

"Brexit cứng" là điều mà nước Anh và cả người dân Anh đều không muốn dù thẳng thắn muốn rời khỏi liên minh châu Âu.

Brexit cứng là quá trình Anh rời khỏi EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận thương mại thay thế nào khác thay cho việc cắt bỏ toàn bộ quan hệ thương mại hiện nay với EU. Trong kịch bản này, sau khi rời EU, nước Anh mất quyền tiếp cận với thị trường chung "màu mỡ" của khối, và thay vào đó giao dịch thương mại với châu Âu dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hôm 7/3, đa số các Thượng Nghị sỹ Anh đã bỏ phiếu nhất trí sửa đổi dự luật về trao quyền cho Thủ tướng Anh kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, mở đường cho các đàm phán Brexit.

Việc hạn chế quyền lực của Thủ tướng Anh sẽ đi kèm với các điều kiện như Quốc hội có quyền quyết định kết quả cuối cùng của thỏa thuận giữa Anh và EU sau 2 năm đàm phán về Brexit.

Ngoài ra, Thượng viện Anh còn yêu cầu bổ sung điều khoản nhằm đảm bảo quyền lợi cư trú không thay đổi hậu Brexit cho hơn 3 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh.

Điều này khiến dự luật kích hoạt Brexit của Chính phủ Anh sẽ phải quay trở lại Hạ viện để xem xét, tranh luận vào đầu tuần tới và khiến tiến trình thông qua dự luật Brexit bị chậm lại so với kế hoạch (13/3).

Bước tiếp theo của tiến trình thông qua Dự luật Brexit sẽ có thể là một màn "lập pháp bóng bàn" giữa Thượng viện và Hạ viện Anh. Cho dù Thượng viện có quyền để xuất sửa đổi bổ sung vào luật thì họ cũng không có quyền phủ quyết (từ chối thông qua luật). Mọi sửa đổi bổ sung do Thượng viện đưa ra đều phải được Hạ viện Anh chấp thuận.

Theo đó, có khả năng xảy ra một tình huống là Thượng viện cứ đòi sửa, Hạ viện cứ đòi bác, qua lại như một ván bóng bàn, cho đến khi một trong hai bên chịu xuống nước.

Sự chia rẽ trên thượng tầng chính trường là một phần rào cản. Sự thúc giục của chính quyền Scotland cũng sẽ là một chông gai nhưng có lẽ điều khiến chính quyền của Thủ tướng Theresa May đang phải đương đầu hiện nay là sự biến động trong dư luận về cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 năm ngoái.

Cho đến nay, những người ủng hộ Brexit vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục phân nửa còn lại cử tri Anh rằng đây là một quyết định đúng đắn và cần phải thực hiện bằng mọi giá.

EU đã bắt đầu sửa soạn cho tương lai không có nước Anh bằng cách phân chia trách nhiệm đóng góp tài chính của nước Anh- hiện đang là 9 tỷ Euro/năm cho các quốc gia khác. Khi EU chỉ đứng ngoài cuộc đấu tranh quyền lực ở Anh, sự dứt khoát của Liên minh này đối với quốc đảo là chắc chắn và nếu như không tiến đến một thỏa thuận "nhẹ nhàng" hơn với liên minh châu Âu, bà Theresa May sẽ càng khó khăn để quyết định cuộc ly hôn lớn này.