Ảnh
Các chiến đấu cơ Pháp đã tiến hành cuộc không kích quy mô lớn nhất ở Syria để tấn công căn cứ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Raqqa, Syria đêm 15/11 (giờ địa phương).

Động thái diễn ra hai ngày sau khi vụ khủng bố đẫm máu xảy ra ở Paris. Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, trong lần không kích mới nhất, Pháp điều động 12 máy bay, gồm 10 chiến đấu cơ, xuất phát từ Các Tiểu ​Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Jordan. "Chúng tôi đã dội 20 quả bom", thông báo viết.

Các mục tiêu bị tiêu diệt bao gồm một trung tâm chỉ huy, trung tâm chiêu mộ phiến quân, các cơ sở lưu trữ đạn dược, và một trại huấn luyện khủng bố. Vụ không kích diễn ra dưới sự điều phối giữa các lực lượng Mỹ và Pháp. Các mục tiêu được xác định dựa trên những thông tin tình báo trước đó.

AP dẫn lời một số nhà hoạt động của phe đối lập Syria cho biết, khi họ đến Raqqa, họ thấy rất nhiều cơ sở khác bị trúng bom như sân vận động, bảo tàng, bệnh viện, các tòa nhà hành chính. Theo những người này, ít nhất 30 quả bom được thả xuống Raqqa.

"Các bệnh viện nói họ chưa tiếp nhận thường dân nào bị thương. Tuy nhiên, người dân vô cùng hoảng sợ. Hệ thống điện ở Raqqa hoàn toàn bị cắt sau vụ không kích".

Trước đó, phát biểu ở hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Pháp Lauren Fabius nói: "Nước Pháp luôn tuyên bố rằng, vì chúng tôi bị đe dọa và tấn công bởi IS, nên việc chúng tôi hành động để tự bảo vệ là chuyện bình thường. Chúng tôi không thể làm ngơ trước hành động của IS mà không phản ứng".

Mỹ cung cấp tình báo cho Pháp

Báo Wall Street Journal dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết, từ ngày 15/11, Mỹ bắt đầu chia sẻ các thông tin tình báo cho quân đội Pháp, bao gồm những mục tiêu IS, để các máy bay Pháp không kích.

Mỹ cũng dự định dỡ bỏ một số hạn chế trong việc chia sẻ tình báo nhằm giúp Pháp có thể tăng cường chiến dịch không kích của nước này.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã trao đổi qua điện thoại với người đồng cấp Jean-Yves Le Drian cũng trong ngày 15/11. Đây là lần điện đàm thứ 2 giữa hai ông từ sau vụ tấn công ở Paris. Người phát ngôn Lầu Năm Góc nói, hai bộ trưởng nhất trí về những biện pháp vững chắc về sự hợp tác Mỹ - Pháp để tăng cường chiến dịch chống IS. Bộ trưởng Carter là một trong những người ủng hộ dỡ bỏ hạn chế chia sẻ tình báo với Pháp.

Hiện Pháp chưa phải là thành viên trong liên minh Ngũ Nhãn gồm các nước Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ. Trong liên minh, các nước này cam kết chia sẻ thông tin tình báo mà họ thu thập được, bao gồm các thông tin về IS.

Cảnh sát truy tìm nghi phạm liên quan đến vụ khủng bố

Chính phủ Bỉ đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với nghi phạm Salah Abdeslam, 26 tuổi, là công dân Pháp sinh ra ở Bỉ và "có liên quan trực tiếp" đến vụ khủng bố ở Paris.

Cảnh sát Pháp cũng công bố hình của đối tượng. Họ mô tả Abdeslam là người "nguy hiểm" và cảnh báo người dân không nên tiếp xúc với y. Tuy nhiên, nhà điều tra chưa nói rõ vai trò của Abdeslam trong vụ khủng bố ở Paris.

Theo BBC, một số bản tin cho biết Abdeslam chính là người đã thuê chiếc VW Polo dùng để đến hiện trường vụ tấn công. Xe đã đậu bên ngoài nhà hát Bataclan vào đêm 13/11 trước khi các tay súng xông vào xả súng ở nhà hát.

Jean Thoreau, người phát ngôn Cơ quan Công tố Bỉ, nói Abdeslam là một trong nhóm gồm 3 anh em liên quan đến vụ tấn công Paris. Một tên đã tự sát tại hiện trường tấn công. Tên còn lại nằm trong số 7 đối tượng vừa bị cảnh sát Bỉ bắt giữ. Hiện chưa rõ y bị bắt vì tình nghi là kẻ trực tiếp nổ súng hay là đồng lõa.

Trước đó, một nguồn tin từ cuộc điều tra cho biết, cảnh sát Pháp đã dừng xe của Abdeslam khi y đang lái về hướng biên giới Bỉ. Họ chỉ hỏi y vài câu rồi cho đi tiếp mà không bắt lại.​

Pháp có thể kéo dài tình trạng khẩn cấp 3 tháng

Các nguồn tin từ Quốc hội Pháp cho hay ​Tổng thống Hollande dự kiến kéo dài tình trạng khẩn cấp hiện nay trong khoảng ​3 tháng. Lệnh này đã được áp đặt sau các vụ tấn công khủng bố nhằm vào ​​nhiều địa điểm ở thủ đô Paris, ​khiến ​129 người thiệt mạng.

​Việc duy trì tình trạng khẩn cấp quá 12 ngày phải được Quốc hội Pháp phê chuẩn. ​​Dự kiến ngày 18/11, nội các Pháp ​sẽ thảo luận ​bản dự thảo liên quan đến việc này.

Tình trạng khẩn cấp cho phép chính quyền áp đặt sự hạn chế tự do đi lại cũng như thiết lập các khu vực an ninh đặc biệt.