Vietnamese MP Nguyễn Đức Hải
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ tám, sáng 20-3, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Xác định rõ hơn phạm vi nợ công

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng, với những đổi mới trong Hiến pháp năm 2013, thay đổi trong hệ thống pháp luật và quá trình vận hành, phát triển của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, nhiều quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tiễn, chưa bảo đảm thống nhất với một số quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được điều chỉnh.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công để khắc phục các hạn chế trên, cần nghiên cứu rà soát, hoàn chỉnh phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc quản lý nợ công; xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nợ công; chỉ tiêu an toàn nợ công, chiến lược, chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công...

Ý kiến của nhiều ý đại biểu vẫn còn băn khoăn về tính thống nhất của dự án luật này với các luật liên quan, phạm vi nợ công. Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, quy định nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của nền kinh tế nước ta.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển và một số đại biểu khác băn khoăn về khoản nợ của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, nợ của Ngân hàng Nhà nước không nằm trong nợ công nhưng Ngân hàng Nhà nước lại nằm trong hệ thống tài chính công. Với các nước, Ngân hàng T.Ư là độc lập, không nằm trong cơ cấu tổ chức Chính phủ, nhưng ở nước ta, Ngân hàng Nhà nước nằm trong cơ cấu tổ chức Chính phủ.

Một số ý kiến đề nghị cần giải trình và xác định rõ phạm vi nợ công; trong đó bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức kinh tế khác của nhà nước; nợ bảo hiểm xã hội, nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hay không...

Một số đại biểu khác nêu cách tính nợ công như thế nào là phù hợp. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH thống nhất với nội dung về phạm vi nợ công thể hiện trong dự thảo luật. Theo đó, không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước. Trong trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.

Có ý kiến thống nhất không đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào phạm vi nợ công, nhưng cho rằng, việc không trả được nợ nước ngoài của DNNN có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro đối với khoản nợ này.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, DNNN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn được cấp. Vay không trả được sẽ phá sản theo luật định. Dẫn trường hợp cụ thể về xử lý nợ của một số tập đoàn, tổng công ty, Bộ trưởng cho rằng, nếu cho phá sản, Chính phủ chỉ chịu phần Chính phủ bảo lãnh, nhưng trong đề án tái cơ cấu, một số khoản không phải Chính phủ bảo lãnh vẫn đưa vào nợ Chính phủ. Trong khi đó, theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của QH, không chuyển nợ doanh nghiệp thành nợ của Nhà nước...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình đề nghị, cần làm rõ định nghĩa khu vực công, nếu Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước là khu vực công, thì đương nhiên nợ của họ Nhà nước phải trả.

Cần có sự thống nhất trong quản lý

Để không bị xáo trộn chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, Chính phủ đề nghị tiếp tục giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ ba cơ quan, gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính trong vận động, điều phối, đàm phán, ký kết hiệp định khung, thỏa thuận vay cụ thể, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nhà nước đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi. Về nội dung này, Phó Chủ tịch QH cho rằng, cần phải thay đổi lại, phải có một quan điểm thống nhất trong quản lý. Thời gian qua, câu chuyện bảo lãnh, "vay về cho vay lại" bộc lộ những khiếm khuyết, không đúng tinh thần quản lý theo cơ chế thị trường. Nhiều tập đoàn, tổng công ty được Chính phủ bảo lãnh nhưng không trả được nợ.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, ngành, Điều 19 dự thảo luật quy định theo hướng Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và Điều 20 giao Bộ KHĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đề nghị sửa đổi luật theo hướng giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ công, đại diện đàm phán, ký kết các hiệp ước vay nợ và quản lý tập trung các nguồn lực nợ công. Như vậy, việc quản lý tập trung thống nhất này giúp sớm khắc phục tình trạng "quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn".

Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện theo quy định luật hiện hành đã dẫn đến công tác quản lý nợ công, trong đó có huy động, quản lý vốn vay còn phân tán, thiếu tập trung, việc phối hợp chưa chặt chẽ nên công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, xác định trách nhiệm,... còn khó khăn, bất cập. Hơn nữa, thông lệ tốt được nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện là quy định rõ một đầu mối quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nợ công.

Về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc cấp bảo lãnh Chính phủ đối với các chương trình, dự án phải được xem xét thận trọng dựa trên những điều kiện chặt chẽ, được quy định chi tiết trong luật. Tuy nhiên, đối tượng, chương trình, dự án được cấp bảo lãnh quy định trong dự thảo luật còn quá rộng. Đề nghị Chính phủ rà soát, quy định các điều kiện cụ thể theo hướng thu hẹp đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ nhằm tránh rủi ro cho NSNN...

Chiều nay, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý ngoại thương. Có ý kiến đề nghị, thay vì ban hành luật mới nên tập trung nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi toàn diện Luật Thương mại. Ủy ban TVQH cho rằng, việc xây dựng Luật Quản lý ngoại thương không ảnh hưởng đến nội dung, kết cấu của Luật Thương mại. Dự án luật chỉ có tác động là bãi bỏ ba khoản và tám điều trong tổng số 324 điều và 1.024 khoản của Luật Thương mại...
Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, những năm gần đây, nợ công tăng nhanh trước hết do điều hành. Giai đoạn 2011- 2015, kế hoạch tăng trưởng kinh tế là 6,5 - 7% nhưng thực tế chỉ đạt 5,9%, trong khi vẫn phải bảo đảm các mục tiêu khác như an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng giao thông... nên trong thời gian dài, mức bội chi rất cao, chưa kể phải phát hành thêm trái phiếu khoảng 330 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá trị GDP thực tế đều thấp so với dự báo, trong khi điều hành theo kế hoạch, như vậy đã làm nợ công tăng nhanh...