Obama Arab Saudi
Syria chuẩn bị khởi kiện tội ác chiến tranh Syria


Theo giới truyền thông cho biết, chính phủ Syria đã hoàn thành việc thu thập tài liệu xác nhận những tội ác khủng bố chống lại người dân và nhà nước Syria của các tổ chức khủng bố và các nước hỗ trợ chúng, và đang chuẩn bị để sớm khởi kiện tại tòa án khu vực hoặc quốc tế.

Ngày 21/3, Bộ trưởng Tư pháp Syria Najm al-Ahmad tuyên bố với chi nhánh Sputnik Ả Rập rằng, chính quyền Damascus có những tài liệu xác nhận việc một số quốc gia Ả Rập và nước ngoài khác đã có những hành động hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố quốc tế đang tàn phá đất nước này.

Tính xác thực của các tài liệu đã được xác nhận bởi những Ủy ban điều tra tư pháp độc lập và biên bản của các bác sĩ pháp y có uy tín. Đây là những bằng chứng không thể chối cãi đối với tội ác tàn phá đất nước, đem lại đau thương, chết chóc cho nhân dân Syria.

Theo số liệu thống kê gần đây, hiện có tới hàng trăm ngàn người nước ngoài đang tham chiến ở Syria.

Trong đó, chỉ một phần nhỏ là đang giúp đỡ chính quyền hợp hiến của Tổng thống Bashar al-Assad (dân quân người Shiite Iran, Iraq, Hezbollah Lebanon, người Palestine...), đa phần trong đó là lính đánh thuê nước ngoài của các tổ chức khủng bố và phiến quân đối lập.

Theo thống kê chưa đầy đủ, phần lớn các chiến binh nước ngoài tham chiến ở Syria đến từ Saudi Arabia (24.500 người), Thổ Nhĩ Kỳ (25.800), Palestine (14.000), Iraq (13.000) và Lebanon (11.000). Thậm chí còn có hàng trăm công dân phương Tây tham gia các ổ nhóm khủng bố.

Nhiều người đang chiến đấu cho các nhóm khủng bố và phiến quân đối lập đã bị giết hoặc bị thương trong các trận giao tranh, sau đó đã xác định được danh tính của họ. Với số lượng lớn lính đánh thuê nước ngoài, đây là cuộc "nội chiến Syria?" hay cuộc "chiến tranh xâm lược trá hình" của nước ngoài?

Ông Bộ trưởng Najm al-Ahmad cho biết, với các phiên tòa chống lại những kẻ khủng bố trong nước, những tội ác đó thuộc thẩm quyền của tòa án hình sự, còn tội phạm nước ngoài thì sẽ do tòa án quốc tế phán xử.

Theo lời ông, kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu đã có một số quyết định ân xá và ngoài một số ít quay về với các tổ chức khủng bố, phiến quân; nhiều người được ân xá đã có thể trở lại cuộc sống bình thường, thậm chí một số đã gia nhập hàng ngũ của quân đội Syria.

Ông Najm al-Ahmad cũng cho biết, trước cuộc khủng hoảng, đất nước Syria đứng thứ ba trong bảng xếp hạng thế giới về an ninh và ổn định trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, nhưng một số quốc gia đỡ đầu cho khủng bố đã phá nát đất nước Syria tươi đẹp.

Nhận định của vị bộ trưởng Syria là hoàn toàn chính xác. Điều này cũng đã được Nhà báo Peter Oborne của tờ Spectator (Anh) xác thực sau khi thăm Aleppo, một tỉnh phía bắc của Syria đã trải qua 5 năm nội chiến ác liệt vào tháng 2/2016.

Nhà báo Anh buộc tội phương Tây

Ông Oborne đã có nhiều cuộc chuyện trò với cư dân địa phương và được nghe rất nhiều về nạn bạo lực do các tay súng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), Dzhebhat-an-Nusra (al-Nusra - chi nhánh al-Qaeda ở Syria) và phiến quân thuộc Quân đội Syria Tự do (Free Syrian Army - FSA) gây ra.

Người dân Aleppo kể, khi nội chiến chưa nổ ra, phụ nữ có thể đi lại ngoài đường một mình. Các chương trình giảng dạy phổ thông khi ấy rất tự do, có nghĩa không bị ảnh hưởng của Hồi giáo cực đoan, các Kitô hữu bình yên cầu nguyện trong nhà thờ, cũng như những người Hồi giáo.

Nhưng bây giờ, phụ nữ Syria không bao giờ dám ra khỏi nhà, bệnh viện, trường học bị phá hủy, trẻ em không còn cơ hội để sống chứ đừng nói đến học hành.

Theo cư dân của tỉnh này, trước khi nội chiến nổ ra, cuộc sống ở nơi đây êm đềm và bình yên, dân cư đông đúc, không có tiếng súng, không có cảnh đầu rơi máu chảy, nhưng hiện nay tất cả đã tan hoang, cư dân thưa thớt, người chết khắp nơi, trong đó có nhiều trẻ em.

"Tôi liên tục bắt gặp câu hỏi: Tại sao nước Anh đứng về phía những kẻ khủng bố trong cuộc chiến Syria?" - nhà báo Oborne biết rằng, câu hỏi này không thể nhận được câu trả lời thỏa đáng của các chính trị gia phương Tây mà cần phải có sự giải đáp của các sử gia và học giả trung lập.

Phải thừa nhận rằng, mặc dù chính quyền Assad có thể có những sai lầm trong chính sách dân tộc-tôn giáo, nhưng thử hỏi có chính quyền nào dám khẳng định mình không có lúc sai? Và dưới thời ông ta, dân cũng đâu đến nỗi loạn lạc, người đâu bị giết nhiều như thế?

Phương Tây luôn muốn lật đổ chính quyền cứng đầu, không theo hiệu lệnh phương Tây của Assad, nên khi cơ hội đến thì họ không bao giờ cho ông ta có cơ hội sửa sai. Do đó, phương Tây luôn tìm mọi lí do hoặc chủ động ngụy tạo lí do để lật đổ chính quyền Assad.

Nếu thực sự tốt với nhân dân Syria, họ đã thông qua Liên Hợp Quốc để tìm ra các giải pháp hòa bình để giải quyết những xung đột giữa chính quyền với nhân dân và những mẫu thuẫn sắc tộc-tôn giáo ở đất nước Syria. Lật đổ Assad rồi liệu Syria có bình yên hơn và dân chủ hơn hay không?

Nếu thực sự tốt với nhân dân Syria, trong những năm qua họ đã không liên tục đe dọa dùng vũ lực can thiệp vào Syria để lật đổ một chính quyền hợp Hiến được Liên Hợp Quốc công nhận (Assad lên làm Tổng thống và tái nhiệm đều thông qua bầu cử của nhân dân).

Nếu thực sự tốt với nhân dân Syria, họ đã không xúi giục, hậu thuẫn cho các nhóm phiến quân (trong đó thực sự có bao nhiêu người Syria?) xé nát đất nước này, gây ra cảnh đầu rơi, máu chảy, đất nước lầm than, không biết đến bao giờ mới khôi phục lại được.

Đối với nhân dân Syria và những người có lương tri trên thế giới, hành động dùng vũ lực lật đổ chính quyền Assad của phương Tây chính là việc "mang cái sai toàn diện, gây ra hậu quả lớn hơn để sửa cái sai nhỏ hơn, hậu quả dễ khắc phục hơn".

Những thỏa thuận đình chiến vừa đạt được ở Astana và Geneva chính là những cơ hội để phương Tây sửa chữa cái sai của mình. Thế nhưng họ vẫn không nhận ra hoặc cố tình không nhận ra nó và tiếp tục làm những điều gây họa cho nhân dân Syria!