syria tanks turkey
© REUTERS/ Revolutionary Forces of Syria Media OfficeXe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria
Ngày 29/3, Thủ tướng Binali Yildirim cho biết ''Chiến dịch Lá chắn Euphrates'' đã kết thúc thành công sau 7 tháng ở phía Bắc Syria. Tuy nhiên, ông Binali Yildirim không đề cập đến việc binh sĩ nước này đã rời Syria hay chưa.

''Bất cứ hoạt động nào theo sau đó sẽ có một tên gọi khác'', Thủ tướng Yildirim nói và nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không loại trừ khả năng tiến hành các hoạt động quân sự xuyên biên giới mới.

Trước đó, hồi tháng 8/2016, binh sĩ, xe tăng và máy bay Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Syria trong chiến dịch được thông báo là nhằm đẩy lùi các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi biên giới 2 nước, cũng như ngăn bước tiến của lực lượng người Kurd địa phương.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân Syria do Ankara hậu thuẫn đã chiếm một số thị trấn, trong đó có Jarablus, sau đó di chuyển đến thị trấn chiến lược Al-Bab ở phía Nam, nơi được xem là thành trì của IS. Ông Yildirim khẳng định mọi thứ đã nằm trong tầm kiểm soát.

Hiện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đóng tại một số khu vực có diện tích gần 2.000 km vuông ở Syria. Số lượng binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch ''Lá chắn Euphrates'' không được tiết lộ.

Hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhằm ngăn chặn các tay súng Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) băng qua phía Tây sông Euphrates và liên kết với các khu vực có đa số người Kurd sinh sống. Ankara lo ngại người Kurd ở Syria sẽ cố thiết lập các vùng lãnh thổ tự trị tương tự khu tự trị của người Kurd tại Iraq.

Từ trước đến nay, Ankara luôn coi các đơn vị YPG là một phần của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức tiến hành cuộc nổi dậy ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ qua.

Thổ đã đạt được mục đích của mình tại biên giới Syria, tuy nhiên giới chuyên gia nhận định, cái mà Ankara muốn hướng tới không dừng lại ở đó. Trên thực tế, mục tiêu của chiến dịch Lá chắn Euphrates là tạo ra một vùng đệm kéo dài với biên giới Syria.

Thế nhưng, sau khi có được một thỏa thuận với IS và giành được Al-Bab mà không tốn một viên đạn, Ankara đã tiến thẳng theo hướng đông nhằm vào Manbij - nơi mà SDF được Mỹ hậu thuẫn đang chiếm đóng.

Kế hoạch tại Manbij của Thổ bị phá sản ngay sau đó khi mà lực lượng người Kurd nhường phần đất phía tây Manbij cho quân đội Syria, đồng thời Mỹ cũng điều 500 quân cùng nhiều khí tài quân sự đến Manbij chống lưng cho SDF trước mối đe doạn từ Ankara.

Chính vì vậy, Liên minh lá chắn Euphrates không thể tiếp tục tiến công vào Manbij theo hướng này. Cố chấp để thực hiện kế hoạch bành trướng trên lãnh thổ Syria, vực dậy đế chế Ba Tư tại Trung Đông, Thổ sẽ phải đối mặt với cả Nga và Mỹ. Thất bại là không thể tránh khỏi.

Nói cách khác, Ankara tuyên bố với giới truyền thông rằng ''Chiến dịch Lá chắn Euphrates'' đã kết thúc thành công sau 7 tháng ở phía Bắc Syria chỉ là che lấp đi kế hoạch bị phá sản của mình. Từ bỏ Manbij, vì ''chùm nho vẫn còn xanh'', Thổ chẳng thể làm khác nếu không muốn bị sa lầy tại chiến trường này.