united airlines passenger dragged flight
© Acoste Reeding / YouTube
Hãng hàng không Mỹ United Airlines, một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới, đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội khi một trong các hành khách bị các nhân viên an ninh kéo khỏi máy bay một cách thô bạo, theo BBC hôm 11.4. Vụ việc đang khiến dư luận Việt Nam quan tâm khi danh tính hành khách được công bố là một bác sĩ gốc Việt tên David Dao. Ông là bác sĩ nội khoa tại Kentucky (Mỹ) và có một phòng khám tư nhân.

Giám đốc điều hành hãng United là Oscar Munoz đã bị chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội về cách thức phản ứng đối với vụ việc. Ông Munoz đã ra một tuyên bố về "sự việc buồn" và xin lỗi về việc sắp xếp lại chỗ cho hành khách. Tuyên bố đăng tải trên trang Facebook của United đã thu hút hơn một trăm ngàn bình luận, trong đó phần lớn chỉ trích hãng hàng không về cách thức xử lý và dọa "cạch mặt" hãng này trong tương lai.


Nhận xét: Một báo khác nói về lời "xin lỗi" của Munoz như sau:
Trong tuyên bố đầu tiên, Tổng giám đốc Điều hành UA Oscar Munoz đã xin lỗi vì "phải tái bố trí hành khách". Trong tuyên bố thứ nhì, ông mô tả người hành khách trong video là "mất trật tự và hiếu chiến". Đến cuối ngày thứ Ba, Oscar Munoz đưa ra lời xin lỗi rõ ràng hơn, gọi vụ này là "thật sự khủng khiếp" và thề sẽ chấn chỉnh hãng hàng không để những việc như vậy sẽ "không bao giờ xảy ra nữa".
Đây là kiểu "tôi xin lỗi vì buộc phải xin lỗi, nhưng tôi vẫn không thấy có gì sai ở đây cả."


Phản ứng của cộng đồng quốc tế và lời đe dọa tẩy chay đã khiến giá cổ phiếu của United bất ngờ giảm. Theo CNN, tại thời điểm đóng cửa phiên 11.4, cổ phiếu của United Airlines (UAL) giảm 81 cent, tương đương 1,1%, xuống còn 70,71 USD/cổ phiếu. Như vậy, hãng đã bị ''bốc hơi'' 250 triệu USD cùng những thiệt hại uy tín khá nặng nề từ scandal này.


Đáng chú ý, trước khi đại diện hãng United đưa ra lời xin lỗi, trong phiên giao dịch này, cổ phiếu của họ thậm chí đã giảm 3,16 USD, tương đương 4,4%, mất đi gần 1 tỉ USD.

Gary Kaltbaum, Giám đốc Kaltbaum Capital Management, đánh giá về vụ việc: "Nếu không có các phương tiện truyền thông xã hội như Twitter và Facebook, có thể họ có thể tránh được điều này. Nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác. Bạn dành cả cuộc đời và một khoản tiền quảng cáo khổng lồ để giành được danh tiếng và slogan kiểu như "Bầu trời thân thiện", nhưng chỉ một sự cố là xóa tất cả. Với những người đã xem clip, họ sẽ phải cân nhắc kỹ hai lần khi chọn bay với hãng. Cổ phiếu sụt giảm của United phản ánh điều tiêu cực này".

Theo thông tin từ trang Daily Mail, vì thiếu chỗ cho nhân viên nên United sẵn sàng trả 800 USD cho mỗi hành khách tự nguyện rời phi cơ bay đến Louisville. "Bình thường nếu khách chưa vào bên trong thì phần lớn hành khách sẽ tự nguyện đi chuyến sau với số tiền đền bù lên đến 300-400 USD. Tuy nhiên khi máy bay sắp cất cánh thì chẳng ai muốn rời", một nguồn tin cho hay.

Ngoài số tiền ''bốc hơi'' trong nháy mắt, chắc chắn United Airlines còn phải đối mặt với vụ kiện ồn ào từ phía bác sĩ gốc Việt này.

Để làm "hạ hỏa" dư luận, Giám đốc điều hành hãng United đã gửi đi "những lời xin lỗi sâu sắc nhất" trên fanpage của hãng vào tối 11.4 (giờ địa phương): "Tôi muốn bạn biết rằng chúng tôi có trách nhiệm và chúng tôi sẽ làm sao cho đúng. Không bao giờ là quá muộn để sửa sai. Tôi đã cam kết với khách hàng và nhân viên của chúng tôi rằng chúng tôi sẽ sửa chữa để điều này không bao giờ xảy ra nữa".

Hãng cũng hứa sẽ xem xét kỹ lưỡng các hoạt động của đội bay, các chính sách khuyến khích tình nguyện viên nhường chỗ và cách giải quyết tình huống như trên. "Chúng tôi sẽ thông báo kết quả kiểm tra trước ngày 30.4. Tôi hứa rằng chúng tôi sẽ làm tốt hơn", ông Oscar Munoz chốt lại.