Ảnh
© Citizens Trade Campaign/Twitter
Hiệp định TPP vừa công bố là một tài liệu 5.554 trang. Hiệp định có 30 chương riêng biệt, chưa tính tới các "phụ lục" đặc biệt và các danh mục. Hiệp định còn có một tài liệu "hướng dẫn bí mật", nhưng vẫn chưa được công bố, mà thậm chí các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cũng chưa được xem, theo lời thượng nghị sĩ Jeff Sessions của Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên, chính quyền cũng công bố một bản tóm tắt của tài liệu 5.554 trang, do Cục Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ soạn thảo, cũng như các tuyên bố của tổng thống Obama. Nhưng độc giả sẽ không thể tìm thấy bản chất của TPP trong những tài liệu đó, vốn được thiết kế để "bán rao" TPP cho công chúng. Trên thực tế, những lời tâng bốc "dành cho công chúng" đó chứa đầy sự xuyên tạc, thêu dệt và dối trá trắng trợn.

Mặc dù vậy, một tuyên bố của Obama là chính xác. Ông ta gọi TPP là "một loại hiệp định thương mại mới". Nó chính xác là một loại mới.

TPP không chỉ đơn giản là một văn kiện về kinh tế, về trao đổi hàng hóa, dịch vụ, tiền của nhà đầu tư hay dòng chảy của vốn. TPP trước hết và trên hết là một văn kiện chính trị. TPP là loạt đạn mới nhất do các tập đoàn toàn cầu khai hỏa vào chủ quyền quốc gia và nhân dân, cũng như vào nền dân chủ. Mấu chốt để hiểu rằng TPP là kế hoạch thiết lập chính quyền toàn cầu của các tập đoàn toàn cầu nằm ở chương 27 và 28.

Trong chương 27, TPP tạo ra một cơ quan lập pháp mới, với quyền hạn thay thế chức năng của chính quyền địa phương và quốc gia, cũng như nền dân chủ đại diện - vốn đã bị tiền và sáng kiến của các tập đoàn tấn công khốc liệt ở khắp mọi nơi. Trong chương 28, TPP tạo ra một loại hệ thống tòa án doanh nghiệp toàn cầu mới, do các luật sư thân thiện với doanh nghiệp và những kẻ tay sai doanh nghiệp khác điều hành. Phán quyết của họ không thể được thẩm định, kháng cáo hay bác bỏ bởi hệ thống tòa án hiện tại của bất cứ quốc gia thành viên TPP nào. "Tòa án" của TPP sẽ đứng trên hệ thống tòa án quốc gia của Hoa Kỳ và các nước khác.

"Ủy ban" TPP đóng vai trò thể chế lập pháp - hành pháp toàn cầu của doanh nghiệp

Chương 27 thiết lập một Ủy ban TPP, bao gồm các bộ trưởng hoặc quan chức giám sát việc triển khai TPP cũng như sự tiến hóa trong tương lai của nó. Bởi vì TPP được gọi là một "hiệp định sống", có nghĩa là nó sẽ thay đổi khi có thành viên mới. Mặc dù vậy, điều chưa được giải thích là nếu như nó được Quốc Hội phê chuẩn, liệu các nghị sĩ có "phê chuẩn" lại mỗi khi nó thay đổi? Hay chỉ một lần ban đầu, sau đó cho phép luật sư của doanh nghiệp, giám đốc và giới quan chức bị các tập đoàn mua đứt thay đổi theo cách mà họ muốn?

Theo TPP, các thành viên Ủy ban hoạt động như một dạng "Bộ Chính Trị" của doanh nghiệp toàn cầu, một ủy ban lập pháp của các tập đoàn đa quốc gia từ những nước thành viên TPP, với quyền lực hành pháp kèm theo chưa được xác định. Không có sự phân chia quyền lực ở đây.

Quan trọng hơn, TPP hoàn toàn không nói gì về cách thức lựa chọn Ủy ban. Nhiệm kỳ của các thành viên là bao nhiêu? Ai chọn họ và chọn bằng cách nào? Họ có thể bị cách chức không, khi đó ai sẽ cách chức họ và theo quy trình nào? Họ chịu trách nhiệm với ai? Họ có thể họp bí mật không? Đâu là quy định về việc ra quyết định mà họ phải tuân thủ? TPP im lặng hoàn toàn trước những câu hỏi này. Thật dễ chịu làm sao. Có lẽ những câu hỏi này được trả lời trong cái "tài liệu hướng dẫn" huyền bí mà vẫn chưa ai được xem. Nhưng đừng kỳ vọng vào điều đó.

Quan trọng nhất, có vẻ quyết định của Ủy ban không thể bị Quốc Hội hay bất cứ cơ quan lập pháp nào của chính quyền thẩm định, chứ đừng nói đến chuyện đảo ngược. Theo hồ sơ ngày 10 tháng 11 năm 2015 của Quốc Hội Hoa Kỳ, ít nhất một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo rằng "chúng ta đang trao quyền thành lập một loại Quốc Hội mới cho các quốc gia TPP" và ủy ban siêu quốc gia "sẽ không phải giải trình với cử tri ở bất cứ đâu."

Các tòa án Kangaroo của TPP*

Nhưng TPP không chỉ vô hiệu hóa nhánh lập pháp và chức năng hành pháp của chính quyền hiện tại. Nó thậm chí còn tấn công trực tiếp vào các thể chế và chức năng tư pháp hiện hành. Chương 28 thiết lập một hệ thống tòa án độc lập, hay tòa án hòa giải, sẽ đưa ra các phán quyết mà hệ thống tư pháp quốc gia hiện tại không có quyền thẩm định hoặc bác bỏ. Các tòa án này được gọi chính thức là các nhóm ISDS, "Hệ thống tranh chấp nhà đầu tư-nhà nước", mỗi tòa án được tạo thành từ ba đại diện và chuyên gia "thương mại". Nhưng một lần nữa, giống như trường hợp của ủy ban nêu trên, đại diện nhà đầu tư-doanh nghiệp được ai lựa chọn? Như thế nào? Nhiệm kỳ bao lâu? Đại diện cho lợi ích của ai? Vân vân.

Hãy gọi chúng theo đúng bản chất: "Tòa án Kangaroo của doanh nghiệp" (KKK), và chúng sẽ thực hiện phần lớn công việc trong bí mật. Quy định của TPP cho phép chúng thực hiện các cuộc thẩm vấn công khai trước công chúng, nhưng cũng cho phép chúng lựa chọn việc thẩm vấn bí mật hoàn toàn. Hãy đoán xem chúng sẽ thích cái nào? TPP quy định KKK có thể "xem xét" yêu cầu của công chúng để cung cấp các biên bản thẩm vấn - nhưng xem xét không có nghĩa là "bắt buộc". Nó cũng quy định rằng báo cáo cuối cùng sẽ được công khai cho công chúng - nhưng chỉ là sau khi phán quyết chung cuộc đã được đưa ra. Hơn nữa, "báo cáo ban đầu sẽ là bí mật", trong khi trong báo cáo cuối cùng cho công chúng thì "mọi thông tin bí mật trong báo cáo sẽ được bảo vệ". Thứ cuối cùng được cung cấp cho công chúng chắc chắn sẽ là một mớ "bôi đen" tương tự như văn bản trả lời các yêu cầu Luật Tự Do Thông Tin Hoa Kỳ.

Đây còn một vấn đề khác: Tòa án ISDS-KKK cho phép các tập đoàn và nhà đầu tư kiện chính quyền quốc gia - cụ thể là các cơ quan lập pháp hay hành pháp - những bên có thể thông qua các đạo luật hay thiết lập các quy định bảo vệ công nhân, môi trường, hay bất cứ thứ gì mà nhà đầu tư và tập đoàn coi là cản trở khả năng tạo lợi nhuận của họ theo TPP. Vụ kiện TPP sẽ cáo buộc chính quyền Hoa Kỳ vi phạm hiệp định TPP, ngay cả khi tranh chấp trên thực tế chỉ liên quan giữa doanh nghiệp-nhà đầu tư và chính quyền bang hay địa phương.

Điều này về mặt kỹ thuật có nghĩa là một doanh nghiệp sở hữu trang trại ở California có thể kiện chính quyền vì áp đặt việc hạn chế khẩu phần nước trong thời kỳ hạn hán. Khẩu phần đó tất nhiên sẽ cản trở việc tạo lợi nhuận theo TPP. Hoặc một người nước ngoài sở hữu chuỗi nhà hàng ở Los Angeles có thể bỏ qua quy định tiền lương tối thiểu 15 dollar/giờ của thành phố? Hơn nữa, theo TPP thì cả bang California lẫn Los Angeles đều sẽ không phải là bên bị đơn trực tiếp trong vụ kiện TPP, do tranh chấp trong TPP chỉ giới hạn giữa doanh nghiệp-nhà đầu tư và chính quyền trung ương. Dân chủ địa phương theo TPP là thế đấy.

"Quyền lực kép" của doanh nghiệp đối đầu với Dân Chủ

Mọi chính quyền đều thực thi các chức năng lập pháp, tư pháp và hành pháp. TPP thay mặt cho các tập đoàn toàn cầu thiết lập ra tất cả các chức năng trên. Nhưng những chức năng mà TPP tạo ra trực tiếp phá hủy các thiết chế chính quyền hiện tại, chủ quyền nhân dân, cũng như bản thân ý tưởng về dân chủ đại diện. Ủy ban TPP thiết lập một cơ quan lập pháp toàn cầu cho doanh nghiệp với quyền lực hành pháp không xác định. KKK của TPP rõ ràng vi phạm điều 3 của Hiến Pháp Hoa Kỳ về việc thiết lập tư pháp độc lập

Việc ký kết hiệp định TPP ở Atlanta, Georgia, vào ngày 4 tháng 10 năm 2015, về bản chất là thiết lập "Hiệp Ước Hiến Pháp" của chính quyền doanh nghiệp toàn cầu. Loại Hình Kinh Tế rõ ràng đã "đè bẹp" Các Loại Hình Chính Quyền chính trị, vốn đã cùng tồn tại trong hai thế kỷ qua.

Người ta nói rằng mọi loại hình cách mạng đều diễn ra dựa trên sự trỗi dậy của "quyền lực kép" và các thể chế mới cố gắng thay thế những thể chế cũ. Chương 27 và 28 của TPP đại diện cho cái quyền lực kép đang trỗi dậy của các tập đoàn toàn cầu. Có lẽ đã đến lúc một loại hình "quyền lực kép" mới của nhân dân nổi lên để ngăn chặn chúng.

Chú thích của người dịch:

*Chỗ này có lẽ tác giả chơi chữ, dùng 3 chữ K trong cụm từ đó để khi viết tắt sẽ thành KKK, tương tự như tổ chức phân biệt chủng tộc KKK chuyên hoạt động bí mật trước đây của Hoa Kỳ.

Dịch bởi Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa