SBS Vietnamese investigation
© SBS VietnameseMột chủ nhà hàng Việt ở Melbourne trả lời về chuyện trả lương: "Nếu cứ hỏi về lương thì anh không thuê em đâu!"
Một cuộc điều tra đặc biệt của SBS Vietnamese tiết lộ chuyện nhiều du học sinh và những di dân Việt Nam mới đến Úc bị bóc lột trong ngành phục vụ ăn uống. Một số nhân viên bị trả mức lương ít ỏi chỉ $6 một giờ.

Việc này tiết lộ vấn nạn lạm dụng sức lao động trong cộng đồng di dân người Việt khi nhiều nạn nhân bị những người chủ đồng hương trả mức lương thấp hơn quy định bên cạnh điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Kết luận quan trọng từ cuộc điều tra của SBS Vietnamese

Cuộc điều tra của SBS Vietnamese, bắt đầu bằng một camera ghi hình bí mật, đã hé lộ phần nào câu chuyện đằng sau những tô phở, chiếc gỏi cuốn hay bánh mì Việt Nam mà người Úc đang thưởng thức hàng ngày. Nhiều sinh viên Việt Nam và di dân mới đến đi làm công, đang bị bóc lột - thường bởi những người chủ đồng hương của mình.

  • Đoạn phim ghi hình bí mật của SBS cho thấy nhiều sinh viên Việt Nam bị yêu cầu làm việc trong suốt 12 tiếng đồng hồ tại nhà hàng Việt, với mức lương mỗi ngày từ $100 đến $130.
  • Việc hỏi lương khi đi xin việc là một vấn đề cấm kỵ trong nền văn hóa châu Á, do đó nhiều sinh viên cho biết phải làm việc mà không biết lương của mình là bao nhiêu cho đến khi nhận được số tiền đầu tiên.
  • Một số sinh viên bị tổn thương tâm lý, tinh thần và sức khỏe vì bị bóc lột khi đi làm thêm. Du học sinh thường làm việc trong điều kiện vất vả, với mức lương thấp nhất mà họ chia sẻ với SBS là $6 một giờ.
  • Một số sinh viên chia sẻ thủ đoạn mà các chủ nhà hàng Việt áp dụng để tránh đóng thuế và qua mặt các cơ quan chức năng của chính phủ.
  • Lần đầu tiên, các tiểu thương người Việt lên tiếng bào chữa cho việc làm này, và chia sẻ các nhà hàng phải tìm cách thuê nhân công giá rẻ để sống còn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
  • Fair Work Ombudsman nói rằng việc những chủ nhân di dân bóc lột chính đồng hương của mình "vô cùng nghiêm trọng". Việc này có thể xảy ra vì thái độ "im lặng" bao trùm trong nền văn hoá Á châu, đặc biệt là khi rào cản về ngôn ngữ và văn hóa là lý do khiến các công nhân gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tố cáo hay khiếu nại.
  • Hiện không có một con số chính xác về số lượng sinh viên quốc tế và người di dân là nạn nhân của các vụ bóc lột khi đi làm tại Úc. Hiện có nhiều lời kêu gọi chính phủ nên đưa ra các hành động thích hợp hơn.
  • Nhiều chủ tiểu thương là người di dân không hiểu và tuân thủ luật lao động tại Úc, bởi những thử thách về văn hóa và sự khác biệt trong hệ thống luật pháp tại Úc và Việt Nam.
Làn sóng quan ngại và khiếu nại trong cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Úc

8 tháng trước, SBS Vietnamese được thông tin về một làn sóng lo âu và tức giận ngày càng gia tăng mức độ của nhiều du học sinh Việt Nam đang ở Úc khi đi làm thêm tại các nhà hàng Việt. Tranh cãi bắt đầu từ câu chuyện của một nạn nhân chia sẻ cô bị bóc lột bởi một nhà hàng Việt.

Câu chuyện này thu hút nhiều trăm lượt bình luận trong một diễn dàn trên Facebook của sinh viên Việt Nam ở Úc với gần 32,000 thành viên. Nhiều du học sinh chia sẻ các kinh nghiệm buồn khổ và tiêu cực tương tự. Điều đáng chú ý là nhiều sinh viên cho biết họ chấp nhận thực tế bị bóc lột này, thay vì đi tìm giải pháp để bảo vệ bản thân.

Sinh viên quốc tế thường làm nhiều hơn số giờ quy định trong visa của họ (40 tiếng trong mỗi 2 tuần) để trang trải các chi phí cần thiết. Do đó, người chủ có thể lợi dụng điểm yếu này bằng cách đe dọa báo cáo với Bộ Di trú, ngăn cản sinh viên tố cáo việc bị chủ bắt nạt hay đòi hỏi quyền lợi chính đáng.

Nhiều du học sinh chia sẻ với SBS Vietnamese họ không nhận thức được mức lương tối thiểu ở Úc và vai trò của Uỷ ban Công bằng tại Nơi làm việc Fair Work Ombudsman. Một số sinh viên đề nghị lập ra danh sách những nhà hàng bóc lột sinh viên để báo cho Fair Work Ombudsman.

Vấn đề này vẫn tiếp diễn hàng ngày và chưa có dấu hiệu cải thiện và có vẻ tệ hại hơn. Cách đây 2 tuần, một nhóm 5-7 du học sinh chia sẻ câu chuyện cũng tại diễn đàn này, một nhà hàng Việt Nam tại South Yarra, Victora từ chối trả lương cho một nữ nhân viên vì một số lý do "buồn cười" như "lông mi của sinh viên rớt vào ổ bánh mì", thậm chí người chủ còn đe dọa nếu du học sinh dám báo cáo với Fair Work Ombudsman.

Nhóm sinh viên này đã quyết định khiếu nại nhà hàng nơi họ làm việc với Fair Work Ombudsman và Consumer Affair Victoria.

Bên dưới là ảnh chụp màn hình câu chuyện các sinh viên Việt Nam chia sẻ trên diễn đàn mà SBS Vietnamese vừa nhắc tới
Facebook Vietnamese students Australia
© SBS Vietnamese
Đoạn phim ghi hình bí mật cho thấy công nhân bị bóc lột

Trong vai một sinh viên Việt Nam đi xin việc có mang theo một camera bí mật, SBS Vietnamese gõ cửa nhiều nhà hàng tại miền Tây và Đông Nam Melbourne, hỏi chuyện và bí mật ghi hình các quản lý và chủ người Việt để tìm hiểu "mức giá thị trường" cho tiền lương mà du học sinh Việt Nam được trả khi làm việc ở khu vực này.

Trong số gần 20 chủ nhà hàng và nhân viên mà chúng tôi đã hỏi chuyện, không ai trả mức lương trên $10 một giờ, trong khi mức lương tối thiểu theo quy định của Úc là $17,70 một giờ. Đoạn phim ghi hình bí mật của SBS tiết lộ nhiều nhân viên được yêu cầu phải làm việc 12 tiếng đồng hồ với mức lương từ $100 đến $130 cho một ngày làm việc.

Dễ bắt gặp nhất trong suốt quá trình đi xin việc là "trả tiền mặt" và "10 đồng một giờ".

Một quản lý nhà hàng ở St Albans tỏ ra ngạc nhiên khi anh nghe "người xin việc" cho biết cô có mức lương $17 mỗi giờ (mức lương tối thiểu theo luật định của Úc) ở những chỗ làm khác. "17 đồng hả? 17 đồng mà lương phục vụ anh đâu trả nổi 17 đồng."

Một chủ nhà hàng Việt ở Sunshine đòi giữ một tuần lương của nhân viên như số tiền thế chân.

"Chú sẽ giữ lương con một tuần, tuần sau sẽ trả lương cho tuần đó, để tránh tình trạng làm vài bữa nghỉ."

Rồi ông thẳng thừng từ chối nói ra mức lương, đến khi người đi xin việc tiếp tục hỏi về tiền lương, ông nổi giận từ chối không thuê cô nữa: "Nếu mà con hỏi thì chú không nhận đâu. Tại vì chú chưa biết con làm ra sao mà con hỏi lương thì chú không nhận!"

Hỏi lương khi đi xin việc bỗng trở thành một điều gì đó... có phần kỳ lạ ở đây!

"Người xin việc" SBS tiếp tục hỏi lương một chủ nhà hàng Việt khác trong khu vực thì thì nhận được phản ứng: "Trời đất ơi, vô làm thử trước đi, con thử việc cái đi đã."

Một quản lý đại diện nhà hàng "trấn an" người xin việc khi hỏi lương "em đừng có lo, cứ làm". Còn "chân thành" hơn, một nhân viên ở một cửa hàng khác còn nhắc khéo "người xin việc" SBS rằng: "Ở đây, đi xin việc cấm kỵ nhất là hỏi lương!".

Khi SBS TV quay trở lại với máy quay phim và phóng viên, câu trả lời của những chủ nhà hàng này hoàn toàn thay đổi. Họ cho biết "chưa bao giờ nghe đến mức lương $10 một giờ" hay là "không chắc nữa". Thậm chí có chủ nhà hàng giờ đây khẳng định chỉ nhờ người trong gia đình làm việc, chứ không thuê mướn nhân viên từ bên ngoài.

Đặc biệt, một chủ nhà hàng thừa nhận đang trả cho nhân viên $9 một giờ trước ống kính của SBS TV và cố giải thích cho chúng tôi hiểu vì sao chỉ trả nhân viên được mức đó.

Tình trạng chủ di dân bóc lột đồng hương "cực kỳ nghiêm trọng"

Nhiều sinh viên Việt Nam mới bỡ ngỡ qua Úc kỳ vọng những người chủ gốc Việt sẽ "chiếu cố" cho họ. Theo lẽ thường, được làm việc với những người đồng hương của mình sẽ thoải mái hơn khi nói cùng một ngôn ngữ.

Thế nhưng, điều tra của SBS cho thấy những sinh viên này thường bị trả lương thấp và trở thành nạn nhân của nạn bóc lột.

Mức lương "thị trường" của du học sinh Việt Nam phố biến từ $8 đến $12 một giờ tùy vào kinh nghiệm. Thế nhưng vẫn còn có con số thấp hơn.

Câu chuyện của Helen Nguyễn: $6 một giờ

Helen Nguyễn, từng là du học sinh chia sẻ với SBS Vietnamese cô nhận được mức lương $6 một giờ cho 3 tuần thử việc cùng những lời mắng nhiếc, sỉ nhục của người chủ.

"Họ bảo rằng mình còn bé mà đi làm tội nghiệp quá nên nhận mình với mức lương training là $35/ngày trong lúc thử việc.

"Mình vui lắm, mình đâu biết mức lương tối thiểu ở Úc là $16, $17 đâu. Họ hứa khi mà mình làm lâu sẽ tăng lương cho mình," cô kể lại những ngày đầu đến Úc.

Sau khi trò chuyện với bạn của mình, Helen được biết "mức lương tiền mặt" lúc bấy giờ khi làm với chủ người Việt là $11, cô phát hiện ra mình đã bị lừa nhưng vẫn tin tưởng vào người đồng hương tại một đất nước xa lạ mà cô vừa đặt chân tới.

Mặc kệ những lời chửi mắng, Helen cho biết cô hy vọng trang trải được phần nào chi phí sinh hoạt, tự giúp mình và đỡ gánh nặng cho gia đình từ Việt Nam. Thế nhưng mọi chuyện tệ hại hơn.

"Họ chửi luôn cả cha mẹ mình, họ bảo cha mẹ mình không biết dạy con. Mình chịu không nổi nghỉ việc thì họ bảo mình "ăn cháo đá bát". Tại sao được training có kinh nghiệm đòi nghỉ việc.

"Mình thật sự sợ hãi vì họ giống như đe dọa mình. Sáng hôm sau họ liên tục gọi điện để chửi mình, đòi lại áo đồng phục. Mình đến trả áo rồi bỏ chạy đi vì quá sợ, không dám gặp mặt chủ", Helen kể lại giọng vẫn còn hoảng sợ.

Số tiền $35 cho một ngày làm việc vẫn được Helen để dành trong ống heo tiết kiệm, như một lời nhắc nhở về cuộc sống vất vả, đắng cay tại Úc những ngày đầu...

"Tinh thần của mình bị ảnh hưởng. Mình không thể nào quên được chuyện kinh khủng này. Mình vẫn còn giữ $35 đó trong ống heo, để nhắc nhở lúc mới qua mình đã cực như thế nào. $35 cho 6 tiếng...", Helen thổn thức.

Cuộc điều tra của SBS cho thấy nhiều sinh viên có chung một mẫu số của sự bóc lột và ám ảnh về công việc đầu tiên tại Úc.

Câu chuyện của Aggie Phan: Đi toilet cũng bị giám sát!

Aggie Phan, một sinh viên Việt Nam đang theo học tại một ngôi trường danh tiếng của Melbourne vẫn còn ám ảnh khi nhớ lại công việc đầu tiên làm thêm ở Úc.

Người chủ gốc Cambodia tại Springvale thậm chí còn canh giờ... khi cô đi toilet và tỏ ra khó chịu khi cô ngồi xuống ghế nghỉ mệt vì phải làm việc liên tục 12 tiếng đồng hồ.

"Em tủi thân quá ngồi khóc. Khi thấy em khóc thì người ta không happy. Người ta nói là giống như người ta đang ép em vậy.

"Em làm mấy ngày mà người ta theo dõi kỹ lắm, giống như là công nhân vậy. Người ta canh coi nửa tiếng cuốn được bao nhiêu cái gỏi cuốn. Cuốn nhiều, nhanh và mệt lắm."

Aggie kể rõ đến từng chi tiết trong nỗi ám ảnh khó lòng rời khỏi cô.

"Mọi người trong đó đều bị đối xử như vậy chứ không phải riêng mình em. Chỉ có 5 phút buổi trưa để ăn. Nhiều người phải vừa ăn vừa làm, việc nhét vào miệng một miếng bánh vừa phải cuốn.

"Em mệt quá ngồi xuống để ăn, họ không happy. Thậm chí em uống nước nhiều quá đi toilet họ cũng không vui, họ nghĩ em nghỉ ngơi. Họ đi theo giám sát em toilet." Aggie kể.

Uỷ ban Công bằng nơi làm việc Fair Work đang làm những gì?

Phát ngôn nhân của Uỷ ban Công bằng nơi làm việc Fair Work khẳng định với SBS rằng Fair Work nhận thức được thực tế các doanh nghiệp nhỏ đang lạm dụng và bóc lột những nhân viên có cùng sắc tộc với mình một cách "cực kỳ nghiêm trọng".

"Fair Work tập trung vào việc bảo đảm các doanh nghiệp ở những lĩnh vực đa dạng văn hóa và ngôn ngữ hiểu và tuân thủ luật lao động Úc.

"Chúng tôi hiểu rằng có những trở ngại về văn hoá và các nước trên thế giới có hệ thống luật pháp khác biệt, nhưng Fair Work muốn doanh nghiệp nâng cao nhận thức và hiểu rằng tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động tại Úc cần hiểu và áp dụng luật Úc. "

Mới đây, vào tháng 2 năm 2017, một cặp vợ chồng người Malaysia sống ở Brisbane đã bị Tòa thượng thẩm phạt $200,000 vì bóc lột nhân viên của họ, những người có chung nguồn gốc sắc tộc.

Khi phán xử tội danh của nhà hàng này, thẩm phán Salvatore Vasta nhấn mạnh hiện tượng "bóc lột những người đồng hương" là "đặc biệt đáng quan ngại".

"Có vẻ như nếu một di dân từ một nền văn hóa khác đến Úc và được làm việc với những người có chung nguồn gốc sắc tộc với mình, họ sẽ ngay lập tức cảm thấy tin tưởng và thoải mái", Thẩm phán Salvatore Vasta nói trong khi tuyên án.

Các nhà hàng qua mặt giới hữu trách như thế nào?

Sunny Ng, một sinh viên đã được thay đổi tên, cho SBS biết chủ nhà hàng của anh dặn dò một cách kỹ lưỡng về cách đối phó với nhân viên sở thuế khi làm việc tại nhà hàng.

"Theo kinh nghiệm bản thân thì mình thấy để qua mặt cơ quan chức năng, họ sẽ không nói bạn điền vào đơn xin việc, tax file number declaration. Họ chỉ coi bạn như một người gia đình, phụ giúp trong nhà thôi.

"Bạn không có quyền lợi gì hết, đó là cách họ giảm chi tiêu cho doanh nghiệp.

"Mình đi làm, chủ nhà hàng dặn nếu có ai vào hỏi, thì mình nói mình là người trong nhà, phụ giúp anh chị trông coi hàng quán thôi chứ không phải nhân viên", Sunny Ng chia sẻ với SBS Vietnamese những gì anh quan sát được.

Trong khi đó, Lộc Lâm, một sinh viên Việt Nam khác cho SBS Vietnamese biết một chiêu thức mà chủ nhà hàng nơi anh từng làm việc đã áp dụng.

"Khi mà tôi làm nhà hàng thì họ sẽ có hai cuốn sổ.

"Một cuốn sổ chính thức, ghi tên rất ít nhân viên. Ví dụ nhà hàng có 10 nhân viên một ca thì họ chỉ ghi 4 người thôi. Còn với sổ phụ sẽ phân công thời gian làm của 10 người đó." Lộc Lâm giải thích.

"Khi mà tổng hợp nộp thuế, họ chỉ cần nộp sổ chính thôi. Có những người có trí nhớ tốt thì họ còn không cần ghi lại nữa. Nó giống như một cuốn sổ ma vậy đó, để nộp cho Sở thuế."

Điều tra của SBS cho thấy nhiều nhà hàng thuê mướn nhân viên có cùng nguồn gốc văn hoá hay sắc tộc với họ. Khi SBS tìm đến, hầu hết các nhân viên trong các nhà hàng Việt Nam tại Footscray, Richmond, St Albans, Sunshine, và Springvale đều nói tiếng Việt.

Nỗ lực của Fair Work chưa đáp ứng kỳ vọng của sinh viên

Việc bóc lột du học sinh đã phá hoại hình ảnh của Úc và đe dọa ngành kỹ nghệ xuất khẩu lớn thứ hai của Úc là giáo dục, với trị giá lên đến $17 tỉ đôla.

Theo thống kê mới nhất của Cơ quan Giáo dục Quốc tế Úc (Australian Education International), hiện có khoảng 462,411 sinh viên đang học tập tại Úc, trong đó có 22,404 sinh viên Việt Nam, xếp thứ 4 về số lượng sinh viên du học tại Úc, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc, đang chật vật để có được việc làm với mức lương tối thiểu.

Tổ chức Công bằng tại nơi làm việc Fair Work Ombudsman cho SBS biết trong năm tài chính 2015-16, Fair Work Ombudsman hoàn thành 1894 hồ sơ tranh chấp cho các công nhân đang làm việc tại Úc với một loại visa nào đó, 95% các vụ tranh chấp liên quan đến vấn đề trả lương thấp trái phép. Trong số 1,894 vụ:
  • ngành khách sạn phục vụ và cung ứng thức ăn chiếm 30%
  • theo sau đó là công việc hành chính chiếm 20%
  • nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 8%
  • tiếp theo là bán lẻ và xây dựng.
Vào tháng 10 năm ngoái, chính phủ Úc vừa công bố thành lập The Migrant Workers Taskforce, một lực lượng đặc nhiệm mới nhằm bảo vệ lao động di dân. Migrant Workers Taskforce ra đời nhằm bảo đảm di dân đi làm tại Úc được bảo vệ trước sự bóc lột sức lao động của những chủ nhân vô lương tâm.

Lực lượng đặc nhiệm mới này sẽ xem xét và áp dụng một loạt các biện pháp nhằm bài trừ nạn bóc lột sức lao động của những công nhân dễ bị lạm dụng như công nhân có tay nghề cao đến Úc làm việc và du học sinh đi làm thêm ở Úc. Một trong số đó là tăng hình phạt đối với các chủ nhân có hành vi bóc lột công nhân và gian lận sổ sách.

Nhóm đặc nhiệm mới này sẽ tham vấn chính phủ những biện pháp để bảo vệ người lao động ngoại quốc tốt hơn.

Tổng trưởng Nhân dụng Michaelia Cash nói rằng nhóm đặc nhiệm này sẽ tăng cường những nỗ lực của Chính phủ để xóa bỏ tình trạng các chủ nhân lạm dụng công nhân di dân và mang đến sự bảo vệ tốt hơn cho tất cả người lao động nói chung.

"Một số trường hợp rất đáng chú ý gần đây trong đó công nhân di dân dễ bị lạm dụng đã phải làm việc với đồng lương dưới mức tối thiểu và bị bóc lột tại nơi làm việc, cho thấy những khoảng cách không thể chấp nhận được trong hệ thống", Tổng trưởng Cash nói.

Một khung hình phạt mới nặng hơn dành cho những 'vi phạm nghiêm trọng' vừa được tạo ra, và sẽ được áp dụng đối với bất kỳ chủ nhân nào cố ý lừa gạt công nhân, bất kể quy mô doanh nghiệp nhỏ hay lớn.

Tuy nhiên nhiều sinh viên quốc tế cảm thấy thất vọng khi cho rằng chính phủ chưa bảo vệ quyền lợi của họ đúng mức. Trong số nhiều sinh viên quốc tế đó có Aggie Phan khi cô chia sẻ với SBS Vietnamese.

"Chuyện đó không có khó để chính phủ bắt được. Người ta muốn thì có thể điều tra, cài người vô để phát hiện ra chuyện trốn thuế đó, nhưng nó vẫn nhan nhản đó thôi.

"Em thất vọng. Nếu chính phủ muốn giải quyết thì cũng làm được vài trường hợp chứ, đằng này đầy ra đó."

Gần đây nhất Fair Work Ombudsman vừa cho ra đời một ứng dụng trên điện thoại mới, Record My Hours, hướng đến giải quyết phần nào nạn bóc lột lao động di dân.

"Văn hóa đồng lõa" là nguyên nhân đằng sau chuyện bóc lột

Ông Wing La, Chủ tịch của Hội thương gia Á Châu Footscray FABA với hơn 30 thành viên, khẳng định "đây là thỏa hiệp ngầm ở phía trong để công việc trôi chảy" và "tiểu thương trong hoàn cảnh cạnh tranh, vì sự sống còn nên họ làm bậy".

"Chủ nhân làm việc trái phép vì nếu trả tiền đúng tiêu chuẩn, họ kham không nổi. Đây là vấn đề sống còn của tiểu thương. Mình hiểu sự khó khăn của họ. Việc này không chỉ diễn ra ở cộng đồng Việt Nam đâu, mấy cộng đồng khác cũng có.

"Việc này xảy ra là bởi hai bên, chủ nhân và người chấp nhận thiệt thòi. Nếu sinh viên cương quyết phải được trả lương đúng mới làm thì việc tầm bậy này không xảy ra. Đây cũng là một phần lỗi của người sinh viên. Một người cam tâm chịu thiệt thòi, một bên sẵn sàng chịu phạm pháp."

Trả lời câu hỏi của SBS Vietnamese, tại sao người sử dụng lao động Việt Nam lại thích thuê nhân viên Việt Nam hơn những nhân viên thuộc nguồn gốc khác, ông Meca Ho, chủ tịch Hiệp hội Thương gia Victoria St tại Richmond, đồng ý rằng việc giao tiếp thuận lợi hơn.

"Một số người sẵn sàng nhận lương thấp vì rào cản ngôn ngữ. Họ không thể tìm được việc làm ở những nơi khác như McDonald's, Hungry Jacks hoặc các nhà hàng khác, vì quốc tịch của họ, và cảm giác rằng ngôn ngữ của họ không đủ tốt để làm việc trong xã hội phương Tây.

"Họ đã chọn nhà hàng Việt Nam bởi vì họ được giao tiếp và làm việc với người Việt Nam, cộng đồng của họ. Nếu họ thấy vui, họ có thể làm tiếp, nếu không thì thôi, đó là sự lựa chọn của họ. Chúng ta không thể lúc nào cũng đổ lỗi cho người chủ được".

Ông Meca Ho cũng cho rằng thức ăn của Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các nước khác. Ông lập luận trong khi tô phở Việt chỉ có $10, một món ăn Ý phải đến $25, $30, doanh nghiệp Việt Nam chịu nhiều áp lực.

"Ở Victoria St (Richmond), khi gia đình tôi mới mở cửa tiệm, chỉ có 5 nhà hàng. Bây giờ hiện có 55 nhà hàng. Chúng tôi phải cạnh tranh thế nào đây? Ngoài Richmond ra, còn có hàng trăm nhà hàng Việt Nam, Sunshine, Footscray, St Albans, High St. Hiện có hàng ngàn nhà hàng Việt Nam. Rất khó để cạnh tranh."

Giáo sư Joo Cheong Tham từ khoa Luật, Đại học Melbourne cho biết "văn hóa đồng lõa" là nguyên nhân khiến nạn bóc lột trở nên khó giải quyết.

Nghiên cứu của Joo Cheong cho thấy rằng sự không tuân thủ luật lao động xảy ra ít nhất vào giữa những năm 1980.

"Sự đồng lõa là điều khó nhất để giải quyết việc này. Không chỉ những người chủ không muốn tiết lộ việc này, mà người lao động cũng không muốn tố cáo chủ nhân của họ. Một số sinh viên đang vi phạm visa của họ khi họ làm việc nhiều giờ hơn mức quy định. Vì vậy, họ nghĩ rằng nếu họ khiếu nại đến Fair Work Ombudsman, cơ quan này sẽ chuyển thông tin cho Bộ Di trú. Do đó họ có thể phải đối mặt việc bị trục xuất."

Sống ở Footscray từ năm 2006 đến nay, Dân biểu tiểu bang Victoria, bà Marsha Thomson nhấn mạnh bà hiểu những khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt và kêu gọi chấm dứt sự bóc lột trong cộng đồng.

"Tôi yêu tất cả các nhà hàng Việt ở Footscray. Họ bán đồ ăn ngon, tuyệt vời, và giá rất rẻ.

"Tôi hy vọng những thực khách bước vào nhà hàng sẽ đồng ý trả nhiều hơn một chút để bảo đảm những người đang phục vụ họ và nấu nướng trong bếp được trả lương đúng mức. Và chúng tôi sẵn sàng trợ giúp trong quyền hạn của mình để giúp họ tuân thủ luật pháp."

Bóc lột là tiền đề của vấn nạn nô lệ thời hiện đại trong xã hội Úc

Theo định nghĩa của Salvation Army, "nô lệ thời hiện đại" được định nghĩa "là tình trạng bị bóc lột mà một người không thể từ chối, trong đó nạn nhân bị đe dọa, bị ép buộc bằng bạo lực, lạm dụng sức lao động hay bị lừa gạt".

Bà Jenny Stanger, Giám đốc Quốc gia của dự án "End Modern Slavery"- Salvation Army cho SBS Vietnamese biết việc bóc lột sinh viên quốc tế là ngưỡng rất gần với tình trạng nô lệ hiện đại.

"Nhiều nạn nhân đang ở Úc với các loại visa ngắn hạn và tạm thời liên lạc với Salvation Army. Họ phải làm việc trong điều kiện tồi tệ và nhận tiền mặt.

"Tuy những trường hợp này chưa phải là nạn nhân của vấn đề "nô lệ thời hiện đại" nhưng là ngưỡng rất gần với nạn nô lệ", bà cho biết.

Trả lời câu hỏi của SBS về số lượng du học sinh quốc tế hiện đang bị bóc lột ở Úc, bà Jenny Stanger cho biết rất khó để đo lường được con số này.

"Một trong những lý do rất khó để tìm ra con số này vì hiện nay có quá nhiều sinh viên quốc tế cảm thấy sợ hãi khi tìm đến sự giúp đỡ. Họ không biết họ có thể tin tưởng ai, họ không biết điều gì sẽ xảy ra nếu họ tiếp cận các dịch vụ trợ giúp.

"Những gì chúng ta biết được là sự bóc lột trong nền kinh tế của Úc đang bùng nổ, từ ngành kỹ nghệ lau dọn đến các nhà hàng, ngay cả trong ngành xây dựng".

Jenny Stager mong muốn chính phủ làm việc nhiều hơn để bảo vệ "nguồn lực của nền kinh tế Úc".

"Sinh viên quốc tế mang lại lợi tức cho ngành giáo dục của Úc, thúc đẩy ngành du lịch. Họ đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế của chúng ta. Đây là đối tượng cần phải được tôn trọng và ủng hộ."

"Lời khuyên của tôi là ngay cả khi các em sinh viên cảm thấy sợ hãi và không biết nên tin tưởng vào ai, các em không nên chịu đựng trong im lặng nữa mà hãy tìm kiếm sự giúp đỡ."