Russian artic military base
Toàn cảnh căn cứ quân sự “Cỏ ba lá” của Nga ở Bắc Cực
Với động cơ là biểu dương uy thế của một cường quốc và lợi ích kinh tế ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, Nga đang quả quyết chinh phục Bắc Cực. Mới đây, Moscow đã khánh thành một căn cứ quân sự mới và dự định khai thác trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của Bắc Cực.

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố trên trang web hình ảnh chi tiết căn cứ quân sự mang tên "Cỏ ba lá Bắc Cực", nằm trên đảo Alexandr-quần đảo Franz Josef, ở tọa độ 80 độ vĩ bắc. Căn cứ này "hiện đại như một khách sạn", với cấu trúc độc đáo, tất cả các khu nhà, đường đi đều thiết kế dạng ống khép kín.

Cơ sở xây dựng được làm dưới dạng cỏ ba lá, sơn các màu sắc của quốc kỳ Nga. Thiết kế công trình như vậy cho phép nhân viên di chuyển trong cơ sở mà không cần đi ra ngoài trời, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống còn -50 độ trong khi "bão tuyết hoành hành và gấu bắc cực lang thang".

Khu phức hợp với tổng diện tích 14.000 mét vuông. Căn cứ bao gồm các công trình đặc biệt như trung tâm chỉ huy và kiểm soát, nhà chứa thiết bị quân sự và thiết bị đặc biệt, các kho bảo quản với chế độ truy cập hạn chế.

Ngoài khu nhà ở, còn có phòng ăn sĩ quan, thư viện, trạm y tế, phòng tập thể dục, phòng chiếu phim và hòa nhạc; một nhà nguyện, sân phơi nắng, phòng chơi bida và một nhà kính trồng cây.

Các quân nhân Nga sẽ sống trong điều kiện khắc nghiệt ghê gớm: hoạt động triển khai trong vòng 18 tháng, dưới nhiệt độ thấp hơn nhiều mức 0 độ. Một trong những khu vực khí hậu nghiệt ngã nhất thế giới, có lẽ là khu vực bất lợi nhất cho sự sống.

Cuộc sống băng giá ở Bắc Cực có thể ví với sự sống trên một hành tinh khác, nơi không có oxy. Đây là một trong những nơi nguy hiểm và không an toàn nhất cho các hoạt động.

Tuy nhiên, đó là điều kiện bình thường (đối với Bắc Cực) và ai muốn chiếm lĩnh nó thì phải vượt qua điều này. Và những người lính Nga tự hào về khả năng làm việc trong điều kiện băng giá. Thậm chí họ tiến hành thuần hóa và huấn luyện những con hươu ở đây.

Ngoài những loại vũ khí đã được đưa đến Bắc Cực như tàu phá băng hạt nhân; tăng T-90; tiêm kích MiG-31, máy bay ném bom Tu-95MS, trực thăng Mi-8; hệ thống phòng không S-300/S-400, Pantsir-S..., mới đây Nga đã thử nghiệm hàng loạt các khí tài mới phát triển chuyên dụng cho Bắc Cực.

Một trong những mục đích chính của đợt thử nghiệm là kiểm tra khả năng hành tiến của các phương tiện thiết giáp bánh xích sử dụng các công nghệ vượt băng tuyết trong điều kiện khắc nghiệt, ví dụ như khi có bão tuyết với tốc độ gió vượt quá 35 mét/giây và giá lạnh xuống đến âm 60 độ C.

Ngoài ra, cũng kiểm tra các phương tiện đảm bảo y tế và quân dụng được thiết kế đặc biệt dành cho các nhân viên lực lượng vũ trang hoạt động ở khu vực lạnh giá nhất thế giới như các container vận chuyển, lều bơm hơi dã chiến có khung sắt dùng làm nơi trú quân và các xe bánh xích đảm bảo hậu cần.

Tờ The Times của Mỹ bình luận, Moscow đang cố gắng củng cố vị trí của mình trong lãnh thổ rộng lớn này. Nga đang huấn luyện những đoàn thám hiểm Bắc Cực, phục hồi các căn cứ không quân của Liên Xô và các trạm radar, cũng như di chuyển một phần các hệ thống tên lửa của mình đến khu vực này.

Tờ báo Mỹ cho biết, Nga đã xây dựng cấu trúc nhân tạo lớn nhất ở Bắc Cực, nơi sẽ triển khai đơn vị quân sự của mình. Căn cứ mới này là một phần của tham vọng Moscow để chiếm lĩnh những khu vực giàu tài nguyên như: Dầu mỏ, đất hiếm... của vùng cực.

Michael Kofman, một nhà phân tích quân sự về Nga từ Trung tâm Nghiên cứu Hải quân nhấn mạnh rằng, căn cứ này được xây dựng với mục đích phô trương vị thế của Moscow. Trước hết, để chứng tỏ Nga là một cường quốc lớn, cũng như là một cường quốc Bắc Cực.

Tổng thống Nga mới đây đã đến Bắc Cực trên một chiếc máy bay vận tải quân sự khổng lồ và thăm căn cứ quân sự mới mang tên "Cỏ ba lá". Hành động này của đã cho thấy, vị Tổng thống Nga đã "vượt sông băng và gõ búa đập băng", đánh dấu lãnh thổ của Nga ở Bắc Cực.

Trong chuyến thăm này, ông Putin đã nêu bật tầm quan trọng của Bắc Cực đối với nước Nga.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, trong khu vực này tập trung nguồn tài nguyên chính về khoáng sản là dầu mỏ, có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế Nga. Ông bổ sung rằng, giá trị tài nguyên khoáng sản trong khu vực ước tính đạt 30 nghìn tỷ dollars.


Nhận xét: Ngoài ra, với những tàu phá băng hiện đại, trong tương lai Nga còn có thể mở tuyến đường biển tắt nối liền châu Âu và Thái Bình Dương thông qua Bắc Băng Dương.


Theo Cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ, ở Bắc Cực có khoảng 90 tỷ thùng dầu, 1699 nghìn tỷ khối khí đốt và 44 tỷ thùng khí gaz ngưng tụ. Các quốc gia có lãnh thổ ở miền Bắc cực, gồm Nga, Canada, Hoa Kỳ, Đan Mạch và Na Uy đã gửi đến Liên Hợp Quốc một số đề xuất cạnh tranh về phát triển trữ lượng dầu khí khổng lồ.

Ông Putin tự tin khẳng định vị thế của Nga ở khu vực. Thậm chí, ông còn ra lệnh cắm cờ Nga dưới đáy Bắc Băng Dương. Nga cũng có nhiều căn cứ quân sự ở Bắc Cực hơn Hoa Kỳ; và có số lượng tàu phá băng lớn gấp hàng chục lần Mỹ, theo ước tính của các chuyên gia là khoảng 40 lần.

CNN bình luận rằng, với việc khánh thành căn cứ quân sự siêu hiện đại, Nga đã chứng tỏ nỗ lực bền bỉ khẳng định mình ở vùng cực phía Bắc. Moscow đã bỏ xa Washington, còn người Mỹ chưa sẵn sàng hướng những nguồn lực bổ sung đến khu vực này để rút ngắn khoảng cách.

Trong một cuộc phỏng vấn, CNN đã hỏi tướng Lori Robertson, Tư lệnh Lực lượng phía Bắc của Hoa Kỳ rằng, Mỹ có bao nhiêu tàu phá băng, vị tướng này đã không ngần ngại khẳng định rằng, theo ông, quân đội Hoa Kỳ chỉ có vẻn vẹn 1 chiếc tàu loại này.

Chính điều này đã nói lên sự yếu kém của Mỹ so với Nga. Nỗ lực chinh phục Bắc Cực của Moscow đã bỏ Washington lại phía sau, điều này được các nhà phân tích đánh giá như một trong những biểu hiện của khát vọng táo bạo nhất của ông Putin.

Những bước tiến như vũ bão của Nga ở vùng cực khiến các chuyên gia quân sự chính trị nước này sốt ruột, hối thúc Nhà Trắng điều chỉnh lại chiến lược Bắc Cực của mình trong thời gian tới, nếu không Mỹ sẽ bị hất cẳng khỏi vùng đất lạnh giá nhất thế giới, để mình Nga độc chiếm mỏ vàng chưa được khai phá này.