F-35 Lightning II fighter jet
© AFP"Lợn béo" F-35: Máy bay chiến đấu đắt nhất thế giới
Lockheed Martin tiếp tục khắc phục lỗi trên F-35

"Lại mất thêm một năm và ngốn thêm hơn một tỷ USD" - giới truyền thông Mỹ than thở và cho biết, Bộ Quốc phòng nước này có thể sẽ cần thêm hơn 1 tỷ đô la để hoàn thành chương trình thiết kế phương án cơ bản cho tiêm kích F-35 - theo một báo cáo Viện Kiểm toán Mỹ.

Bản báo cáo cho biết, những trục trặc và lỗi kỹ thuật liên tiếp của F-35 lại tiếp tục phát sinh. Sự chậm trễ trong vấn đề xử lý sự cố phần mềm Block 3F có thể dẫn đến thực tế hoạt động thử nghiệm khiến Lầu Năm Góc mất thêm nhiều thời gian và kinh phí bổ sung.

Giới chuyên gia Mỹ cho biết, đánh giá của Lầu Năm Góc dự kiến giải quyết vấn đề này trong vòng 5 tháng và sĩ nhiên là cần phải chi thêm 532 triệu dollars. Tuy nhiên, con số này bị các nhà phân tích của Viện Kiểm toán cho là "quá lạc quan" đối với tình trạng bết bát của F-35.

Dựa trên những đánh giá riêng của mình, Viện Kiểm toán Mỹ kết luận rằng, để hoàn thiện chương trình F-35, Mỹ sẽ cần thêm ít nhất một năm với số tiền tài trợ bổ sung không dưới 1,7 tỷ đô la, trong đó khoảng 1,3 tỷ sẽ được yêu cầu vào năm tài khóa 2018.

Bản báo cáo này có thể không khiến cho giới chức lãnh đạo hãng Lockhead Martin nản lòng trước "đứa con" của mình, bởi họ sẽ tiếp tục tuyên bố "sẽ khắc phục, sẽ hoàn thiện" F-35 nhưng nó sẽ làm cho giới quan chức chính phủ, các chính khách và lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ thêm chán nản.

Mới đây, quan sát viên Dan Grazier của tạp chí "Lợi ích Quốc gia" (National Interest) của Mỹ đã mỉa mai rằng, chương trình chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ là nỗi thất vọng lớn lao, tương lai của chiến đấu cơ Lighning II rất bất định.

Theo ý kiến của chuyên gia Grazier, vấn đề lớn nhất là chi phí vận hành mỗi chiếc F-35 đã lên đến con số khủng khiếp, mỗi một giờ bay của nó tiêu tốn tới 44 nghìn USD (có con số khác cho là 67.000 USD), đắt gấp 2-3 lần các chiến đấu cơ hiện đại nhất hiện nay.

Ngay cả ông Michael Gilmore, cựu Giám đốc Cục hoạt động thử nghiệm của Lầu Năm Góc, sau khi về hưu mới thẳng thắn nói rằng, "hàng trăm sai lầm nghiêm trọng" không cho phép người ta đánh giá F-35 là máy bay chiến đấu thế hệ 5 hoàn chỉnh.

Ông nhận xét rằng, F-35 sẽ gây ra rất nhiều vấn đề cho Không quân Mỹ. Quá trình tối ưu hóa và các chuyến bay thử nghiệm các nguyên mẫu bay này chưa hoàn tất, nhưng những sai sót kỹ thuật của chiến đấu cơ "tàng hình" này đã hạn chế đáng kể phạm vi sử dụng nó,

Ngoài ra, có lẽ Lockheed Martin "không có đủ nhà thiết kế tài năng, không có khái niệm rõ ràng về triển vọng của F-35", nên số lượng sai sót kỹ thuật đang dần tăng lên, dẫn đến sản phẩm này bị giảm chất lượng, do đó, quá trình tối ưu hóa cứ kéo dài mãi, dài mãi chưa đến hồi kết.

F-35: Máy bay vô dụng nhất, dự án thảm họa nhất của Mỹ

Còn chuyên gia Mike Fredenburg của tạp chí Mỹ The National Review kêu gọi Tổng thống Donald Trump cần kết thúc trong thời gian sớm nhất chương trình phát triển siêu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35 "đầy vô vọng".

Theo khẳng định của ông Fredenburg, do muốn làm tăng khả năng tàng hình nên các chuyên gia thiết kế của Lockheed Martin đã cố nhồi nhét các loại bom đạn vào trong thân F-35, khiến nó giống một con lợn béo, kém hẳn các chiến đấu cơ thế hệ cũ về khả năng cơ động.

Sau khi bị chê nhiều, các sáng chế gia Lockheed Martin đã làm nhẹ bớt F-35 nhờ vào cách tháo dỡ vũ khí và đơn giản hóa hệ thống an toàn cần thiết. Kết quả là, siêu chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ cần phải tránh va chạm với kẻ thù và luôn phải có tiêm kích đàn em khác hộ tống.

Việc cần có máy bay chiến đấu "phi tàng hình" khác hộ tống đã khiến tính năng tàng hình được thiết kế vô cùng tốn kém về tiền bạc và công sức của F-35 trở nên vô nghĩa, khiến nó chẳng còn mang ý nghĩa là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5.

Hơn thế nữa, việc xây dựng kết cấu khung thân của F-35 từ thành phần hợp kim nhôm đặc biệt là điều vô cùng phi lý vì không chịu được quá tải cao, khiến tốc độ thực tế của nó kém xa so với thiết kế tối ưu của động cơ.

Theo quan sát viên Fredenburg, một vấn đề rất lớn nữa là hoạt động không ổn định của động cơ đẩy và những trục trặc thường xuyên trong các thùng chứa nhiên liệu, cụ thể là các lớp vật liệu cách nhiệt trong hệ thống làm mát của khoang nhiên liệu máy bay không thể sử dụng bình thường.

Điều hiển nhiên là tất cả sự cố liên quan đến hệ thống nhiên liệu đều rất nghiêm trọng. Thùng chứa nhiên liệu phải được chế tạo bằng các loại vật liệu siêu bền, ví dụ như Titan.

Tuy nhiên, người Mỹ muốn thể hiện mình có trình độ cao đến nỗi có thể bỏ qua các định luật vật lý nên đã làm thùng chứa xăng bằng vật liệu tổng hợp, nhưng loại vật liệu này có một nhược điểm lớn là không bền, khi quá tải nghiêm trọng, chúng bắt đầu vỡ vụn ra từng mảnh.

Mới đây các chuyên gia Mỹ cũng phát hiện tiếp một lỗi khác là hệ thống càng trước của F-35C tạo ra rung động quá lớn khi máy bay rời hệ thống máy phóng với gia tốc mạnh. Điều này có thể làm phi công tổn thương vùng đầu hoặc mất kiểm soát tạm thời khi máy bay cất cánh.

Cùng với lỗi càng trước, ghế phóng cũng bị coi là lỗi nghiêm trọng có thể khiến phi công lái F-35 có cân nặng khiêm tốn có thể bị gẫy cổ, mất mạng bất cứ lúc nào. Điều này khiến quân đội Mỹ quyết định cấm các phi công nặng dưới 62kg lái tiêm kích F-35.

Trục trặc xuất hiện phổ biến đến nỗi, nói đến F-35 là đương nhiên sẽ có sự cố, các bài viết về F-35 thường phải kèm theo những từ khóa như: "Đình chỉ bay", "ngừng bay" hay "lại gặp sự cố", "vô số lỗi", "liên tiếp trục trặc" hoặc "khắc phục", "sửa chữa", "tìm giải pháp"...

Hiện nay, các chuyên gia của Lockheed Martin và các hãng liên kết chế tạo linh kiện, sản xuất các hệ thống và phần mềm hệ thống trên F-35 vẫn đang "miệt mài" khắc phục các sự cố liên tiếp xảy ra đối với dòng chiến đấu cơ này, mặc dù Mỹ đã miễn cưỡng đưa vào biên chế.

Chương trình chế tạo F-35 đã tiêu tốn khoảng 1,5 nghìn tỷ USD (kể cả lạm phát), để trở thành chương trình sản xuất vũ khí đắt đỏ nhất trên toàn thế giới, trong mọi thời đại, nhưng lại được kèm theo danh xưng là "chiến đấu cơ vô dụng nhất".

Trừ các chuyên gia của Lockheed Martin, đa số các chuyên gia Mỹ nhận định rằng, chương trình chế tạo chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm F-35 là thất bại lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp hàng không Mỹ, không chỉ về kinh phía đầu tư mà còn cả về chất lượng máy bay.

Do sự tốn kém về ngân sách phát triển và chất lượng không tương xứng với kinh phí, F-35 cũng được đặt rất nhiều biệt danh không lấy gì làm hay ho như: Tiêm kích béo tròn", "lợn béo" hay "chiến đấu cơ bạc tỷ" hoặc "máy bay đắt đỏ nhất thế giới" hoặc "cậu bé vàng"...