Ảnh
Lễ ký thành lập cộng đồng ASEAN diễn ra tại Malaysia
Một sự kiện lịch sử đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã diễn ra sáng 22/11 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà Lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN. Với Tuyên bố này, Cộng đồng ASEAN với 10 quốc gia Đông Nam Á sẽ chính thức hình thành từ ngày 31/12/2015.

Sự ra đời Cộng đồng ASEAN đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của ASEAN sau 48 năm ra đời, phù hợp với bối cảnh lịch sử hiện nay khi xu hướng hội nhập và liên kết đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ giữa các quốc gia thành viên, ASEAN đang phát huy vai trò là trung tâm trong các cấu trúc khu vực đang định hình. Tất cả những điều đó đòi hỏi một mô hình liên kết mới của ASEAN - một ASEAN ổn định về chính trị, năng động về kinh tế và hài hòa các giá trị văn hóa, lấy người dân làm trung tâm. Tuyên bố được ký kết ngày 22/11 đã đặt nền móng cho giai đoạn phát triển mới đó của ASEAN.

Mục tiêu đưa 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trở thành Cộng đồng ASEAN được đưa ra từ tháng 10/2003. Theo đó, Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành vào năm 2020 với ba trụ cột chính: Cộng đồng An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Để kịp thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực cũng như trên cơ sở của một tổ chức khu vực thành công nhất thế giới trong 40 năm, đầu năm 2007, lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN được ký vào cuối năm 2007 với mục tiêu hình thành Cộng động ASEAN vào năm 2015 thay vì vào năm 2020.

Với Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN, 10 thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á sẽ trở thành Cộng đồng ASEAN từ ngày 31/12/2015. Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là trở thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà mở rộng hợp tác với bên ngoài.

Theo đó, Cộng đồng Chính trị - An ninh nhằm mục tiêu tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á nhưng không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung. Cộng đồng Kinh tế nhắm đến mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó loại bỏ các rào cản đối với sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề nhằm nâng cao tính cạnh tranh và hấp dẫn với đầu tư - kinh doanh. Dự kiến là GDP của Cộng đồng sẽ là 4.700 tỷ USD sau 5 năm; từ nền kinh tế lớn thứ 7 như hiện nay trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới sau 15 năm. Trong khi đó, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội là để phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đồng thời tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, môi trường, nhất là trước tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ.

Cho đến thời điểm hiện nay, các nước ASEAN đã gần hoàn tất toàn bộ các dòng hành động để từ ngày cuối cùng của năm 2015, 625 triệu công dân của 10 nước Đông Nam Á sẽ chính thức trở thành người dân của Cộng đồng ASEAN.

Mặc dù là Cộng đồng, song 10 Quốc gia thành viên vẫn sẽ theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các nước thành viên; đồng thời không can thiệp vào công việc nội bộ và tôn trọng quyền của các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên được quyết định vận mệnh của nước mình mà không có sự can thiệp, lật đổ hay áp đặt từ bên ngoài. Để thể hiện tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo của các nước ASEAN đã đánh một tiếng trống duy nhất tượng trưng cho một ASEAN thống nhất trên 10 chiếc trống theo nguyên mẫu đặc trưng của mỗi nước thành viên nhằm thể hiện sự thống nhất trong đa dạng.