Jordanian F-16 fighter jets
© Wikipedia/ Caycee Cook, U.S. Air ForceMáy bay chiến đấu F-16
Nga: Việt Nam đang tiếp cận F-16 cũ của Mỹ


Chuyên gia Nga Dmitry Shorkov cho biết, gần đây, giới truyền thông Việt-Mỹ cho biết, Việt Nam có thể sẽ mua sắm các chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon của Mỹ để thay thế các máy bay chiến đấu thế hệ 2 là MiG-21 sản xuất dưới thời Liên Xô đã bị lão hóa.

Ông Dmitry Shorkov cho biết, giới truyền thông Mỹ đưa tin rằng, trong khuôn khổ chương trình Bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA), Hoa Kỳ đã tán thành việc bán lại cho Việt Nam một số máy bay "Fighting Falcons" (Chim ưng chiến) cũ đã loại biên nhưng vẫn đang được niêm cất.

Hiện số máy bay này đang được lưu giữ tại căn cứ không quân Davis-Monthan, bang Arizona - kho lưu trữ tự nhiên máy bay đã qua sử dụng lớn nhất thế giới (hiện đang lưu trữ hơn 4.400 máy bay). Hơn nữa, Mỹ đã triển khai chương trình đào tạo phi công Việt Nam lái máy bay F16.

Ông Dmitry Shorkov nhận định, công bằng mà nói rằng, Không quân Việt Nam đã thu lượm những kinh nghiệm sử dụng máy bay chiến đấu của Mỹ như A-37, F-5E... từ số chiến lợi phẩm thu được từ Quân đội Sài Gòn sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Tuy nhiên, đó là những máy bay hoàn toàn khác với công nghệ thấp hơn, liệu hiện nay cần phải đột ngột chuyển sang sử dụng loại kỹ thuật mới cao hơn, có cách tiếp cận hoàn toàn khác với việc sử dụng và bảo dưỡng, được trang bị các loại vũ khí hoàn toàn khác?

Đại tá Makar Aksenenko, Phó tiến sĩ khoa học quân sự Nga, đã bình luận về vấn đề này và nhiều khía cạnh khác của việc sử dụng F-16 để thay thế máy bay MiG-21.

Vị chuyên gia Nga nhận định, quá trình hiện đại hóa Không quân Việt Nam đang bước vào giai đoạn chín muồi, với nhiều máy bay cần thay thế. Đây là một quá trình bình thường trong lực lượng không quân của bất kỳ nước nào quan tâm đến an ninh quốc gia.

Vấn đề đáng quan tâm nhất đối với các quốc gia hiện nay là việc sở hữu các máy bay chiến đấu thế hệ 4 và thậm chí là thế hệ 5. Tuy nhiên, trong trường hợp này, quyết định của Việt Nam chọn Mỹ làm đối tác quân sự-kỹ thuật để thực hiện các biện pháp đó, nói một cách nhẹ nhàng nhất là rất khó hiểu.

Việt Nam không nên chọn F-16 cũ của Mỹ

Theo chuyên gia Nga, có những nguyên nhân sau đây khiến Việt Nam không nên mua lại các máy bay F-16 đã qua sử dụng của Mỹ.

Việt Nam đã quen sử dụng máy bay Nga/Liên Xô

Đại tá Makar Aksenenko còn dẫn câu nói của một nhà triết học cổ đại: "Hãy coi chừng người Hy Lạp mang quà" để nhận định về "thành ý" của Mỹ đối với Việt Nam và các nước nhỏ khác.

Theo vị chuyên gia Nga, Mỹ đang nỗ lực sử dụng các loại vũ khí cũ đã qua sử dụng với mục đích tiếp cận thị trường vũ khí Việt Nam, trở thành "người bạn mới" của một đất nước theo truyền thống có mối quan hệ chặt chẽ với nền kỹ thuật quân sự của Nga.

Vị chuyên gia Nga nói rằng, Không quân Việt Nam theo truyền thống được trang các loại kỹ thuật quân sự của Liên Xô và Nga, các phi công và nhân viên bảo trì đã thu lượm những kinh nghiệm phong phú và có kỹ năng tốt trong việc sử dụng các loại máy bay đó.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây, các phi công Việt Nam lái máy bay Liên Xô đã thành công trong các cuộc không chiến chống lại những người hiện đang đóng vai trò "đối tác-đối thủ cạnh tranh" trong sự hợp tác kỹ thuật quân sự với Việt Nam.

Khó khăn trong việc sử dụng máy bay cũ

Đại tá Makar Aksenenko cho biết, ông không đánh giá thấp tính năng kỹ thuật, chiến thuật của các loại vũ khí Mỹ hiện đại nhất. Nếu nói về phiên bản mới nhất của F16, đây là máy bay chiến đấu thế hệ "4++". Tuy nhiên, nhiều khả năng là Việt Nam sẽ chỉ mua được những chiếc F-16 cũ thuộc thế hệ đầu tiên.

Thực tế cho thấy rằng, việc mua các máy bay đã ngưng hoạt động và được đưa vào hoạt động trở lại thường sẽ gây ra những khó khăn rất lớn, mang lại "cơn đau" cho chủ sở hữu mới, vì cần phải tạo ta điều kiện hiện đại để bảo dưỡng, sửa chữa loại máy bay đời cũ.

Cúng ta không chỉ cần chú ý đến sự tiện lợi trang bị lực lượng không quân với các máy bay mới, phụ tùng thay thế và các loại vũ khí cho máy bay mới mà cần phải chú ý đến các nhiệm vụ mà máy bay mới phải thực hiện để bảo vệ an toàn không phận nước mình.

Nghi ngờ về sự tin cậy trong sử dụng vũ khí phương Tây

Đối với việc mua sắm vũ khí-trang bị, có nhiều câu hỏi không chỉ về mặt quân sự, kinh tế mà còn về mặt chính trị. Ai có thể trở thành đối thủ tiềm năng của một đất nước đang thực thi chính sách độc lập? Những quốc gia đang theo đuổi quyền bá chủ sẽ phản ứng như thế nào đến điều đó?

Đại tá Aksenenko cho rằng, các sự kiện trên thế giới trong những năm gần đây cho thấy rõ rằng, cần phải sở hữu các loại trang bị và nguồn cung vũ khí đáng tin cậy để luôn luôn sẵn sàng chiến đấu chống lại ngoại xâm, bất cứ lúc nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Sau một hoặc hai năm, tình hình chính trị-quân sự sẽ có những thay đổi nào? Ngoài ra, bên cung cấp vũ khí biết rõ các tính năng của nó. Nếu đưa ra một số thay đổi trong những cụm, tổ hợp hoặc kỹ thuật điện tử trên máy bay, thì các tổ hợp vũ khí sẽ ngừng hoạt động.

Những tình huống tương tự đã từng xảy ra không chỉ một lần đối với các nước nhỏ khi mua sắm vũ khí phương Tây, ví dụ điển hình là đối với các chiến đấu cơ Mirage do Pháp sản xuất của không quân Argentina, trong cuộc chiến tranh Falklands/Malvinas năm 1982 với Anh.

Khó khăn trong việc tích hợp vũ khí khác loại vào chiến lược quốc phòng quốc gia

Ngoài ra, để đưa vào vận hành các máy bay chiến đấu của Mỹ chắc chắn cần phải thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng, thay đổi tồn kho phụ tùng thay thế, chuyển sang sử dụng vũ khí mới trên máy bay, thay đổi cơ sở hạ tầng và hệ thống chỉ huy, điều khiển tại các căn cứ không quân Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải tái huấn luyện chuyển loại phi công trên diện rộng bởi Việt Nam không thể phân chia rạch ròi các phi công lái máy bay Mỹ và máy bay Nga, trong điều kiện chiến đấu, phi công có thể phải lái được tất cả các loại máy bay mà không quân đang sở hữu.

Ngoài ra, lực lượng nhân viên sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật, nhân viên vũ khí, cùng hệ thống nhà xưởng, thiết bị kỹ thuật cũng phải xây dựng mới, đào tạo lại để phục vụ một số lượng nhỏ máy bay khác chủng loại của Mỹ, khiến gia tăng đáng kể chi phí cho không quân.

Việc mất thêm thời gian hòa nhập cho loại máy bay mới sẽ khiến cho lực lượng không quân trong thời gian khá dài bị tách rời khỏi chiến lược tổng thể của Quân đội Nhân dân Việt Nam, khỏi hệ thống quản lý quân đội đã hình thành trong nước.

Kết luận: Việt Nam vẫn nên trung thành với máy bay Nga

Với cương vị là một đại diện của giới khoa học quân sự, ông Makar Aksenenko nhấn mạnh rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới lưỡng cực, trong quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, mỗi nước nên chú ý đến những kinh nghiệm lịch sử về sự hợp tác kỹ thuật-quân sự, nên nhớ về "tình đoàn kết chiến đấu với các dân tộc anh em".

Vì vậy, đứng trên quan điểm cá nhân là một phi công, ông Makar Aksenenko không nghĩ rằng việc mua lại các máy bay Mỹ F-16 đã qua sử dụng sẽ giúp nâng cao đáng kể khả năng chiến đấu của Không quân Việt Nam và độ an toàn trong sàng sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Ông kết luận rằng, với những phân tích như trên, Việt Nam nên chú ý đến những phiên bản mới của các phi cơ chiến đấu Nga, không chỉ về các phiên bản mới nhất chẳng hạn như MiG-35, mà còn là máy bay thế hệ trước đã được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại.