Crimea blackout
© Igor Mikhalev / Sputnik
Ngày 22/11, Nga ban bố tình trạng khẩn cấp ở Crimea sau khi các tháp cao thế truyền tải điện từ Ukraine nổ, cắt nguồn cung điện cho gần 2 triệu người. Bộ Năng lượng Nga nêu rõ 2 đường dây tải điện từ Ukraine đã bị ảnh hưởng do sự cố này, khiến hơn 1,8 triệu người không có điện dùng.

Bộ này không nêu rõ nguyên nhân gây ra sự cố, song truyền thông Nga đưa tin 2 tháp cao thế tại khu vực Kherson của Ukaine, phía Bắc Crimea đã bị các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ukraine làm nổ.

Nếu đúng như vậy thì vụ tấn công của các phần tử phản đối Nga sáp nhập Crimea sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Moscow và Kiev.

Theo truyền thông Ukraine, hai tháp điện trên đã bị các nhà hoạt động thuộc phong trào Cánh Hữu làm hư hại hôm 20/11 trước khi bị phát nổ đêm 21/11.

Cụ thể, vào ngày 20/11, một số kẻ lạ mặt đã phá hoại 2 trong số 4 cột điện cao thế tại Kherson, khiến chính quyền Crimea đưa ra lời cảnh báo rằng khu vực này có thể sẽ bị mất điện. Khi các kỹ sư Ukraine đến sửa chữa, họ đã bị các nhóm thuộc phong trào Cánh Hữu ngăn cản với lý do rằng khu vực hiện "đang được bảo vệ nghiêm ngặt".

Sau đó, nhóm Cánh Hữu và cảnh sát chống bạo động được điều đến khu vực đã chạm trán nhau, khiến vài người bị thương nhẹ và có một sĩ quan bị đâm trong cuộc hỗn chiến.


Kể từ sau khi các cột điện bị phá hủy, mạng lưới điện ở Crimea hoàn toàn phụ thuộc vào các nguồn điện dự phòng.

"Do điện từ Ukraine đã bị cắt đứt hoàn toàn, Crimea giờ đây đang phải sử dụng hệ thống phát điện độc lập", một đội phản ứng nhanh ở Crimea cho biết.

Hồi năm ngoái, Crimea cũng rơi vào cảnh khốn đốn khi nhiều lần bị Ukraine cắt điện, lực lượng quân sự Nga đóng tại đây phải chạy máy phát điện dự phòng. Những sự cố trên cho thấy, dù đã về với Nga nhưng Crimea vẫn phụ thuộc vào Ukraine. Theo tạp chí IHS Cera chuyên về năng lượng, vùng Crimea chỉ sản xuất được 16% tổng nhu cầu điện ở lãnh thổ này.

Sau khi sáp nhập, Nga đã cho đặt nhiều máy phát điện tại Crimea và hứa hẹn xây dựng các nhà máy điện hiện đại ở đây, nhằm bảo đảm sự độc lập hoàn toàn về năng lượng của Crimea. Tuy nhiên, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev nhấn mạnh : "Mục tiêu này không thể đạt được trong một ngày, một tháng, đó là một quá trình khó khăn".

Ngoài việc thiếu điện, Crimea còn bị khan hiếm nước mỗi khi Ukraine đóng các van xả nước của kênh Bắc Crimea. Về lâu dài, Crimea bắt đầu khoan tìm nguồn nước ngầm và nghiên cứu khả năng xây dựng hệ thống ống dẫn nước từ Nga sang.

Một điểm yếu khác của Crimea là phải nhập khẩu tới 80% thực phẩm từ Ukraine. Còn nhớ, cuối tháng 7/2014, khi Nga cấm nhập khẩu nhiều sản phẩm lương thực và thực phẩm của Ukraine, chính quyền Crimea đã đề nghị Moscow cho phép miễn áp dụng cấm vận, vì lãnh thổ này không thể "độc lập" về nguồn thực phẩm.

Nga gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tế cho Crimea, phải đi vòng, do chiến sự ở miền đông Ukraine. Phương tiện tiếp tế nay là hàng không và đường biển.

Sự phụ thuộc của Crimea vào Ukraine có lẽ đã lý giải được phần nào được sự nhún nhường của Nga trước Kiev trong thời gian qua. Mới đây nhất, ngày 16/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow đã đề nghị tái cơ cấu cho Ukraine trong 3 năm tới khoản nợ 3 tỷ USD trái phiếu euro mà Nga nắm giữ thành 3 phần, trong đó mỗi phần trị giá 1 tỷ USD. Đây là động thái khá bất ngờ bởi trước đó Nga vẫn còn cương quyết yêu cầu Ukraine phải trả đủ 3 tỷ USD trước khi hết năm 2015.

Trước sự xuống nước của Nga, Thủ tướng Ukraine lại tuyên bố rằng, Kiev sẽ không trả cho Moscow khoản nợ 3 tỷ USD và Nga sẽ không nhận được các điều kiện khác của việc tái cơ cấu nợ từ Ukraine.

"Tôi xin thông báo cho các bạn (Nga) rằng, các bạn sẽ không nhận được các điều kiện khác của việc tái cơ cấu nợ. Điều kiện cơ sở là giảm 20% số nợ, việc chuyển giao tất cả các khoản nợ sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm.

Tuy nhiên, tôi xin giải thích cho các bạn rằng chúng tôi sẽ không trả 3 tỷ USD cho các bạn", ông Arseniy Yatsenyuk thẳng thắn.