Chinese high-speed rail
© Reuters
Trung Quốc đề xuất thiết lập một tuyến đường sắt tốc độ cao nối từ khu tự trị Tân Cương, tới Iran thông qua Trung Á.

Thông tin trên được Hãng thông tấn PTI cho biết, ngày 22/11. Theo dự án này, tuyến đường sắt cao tốc sẽ xuất phát từ thủ phủ Urumqi đi qua huyện Y Ninh (Yining) thuộc Tân Cương tới Almaty (Kazakhstan), Bishkek (Kyrgyzstan), Tashkent và Samarkand (Uzbekistan), Ashgabat (Turkmenistan) và điểm cuối cùng là Tehran (Iran).

Nguồn tin từ Bộ Đường sắt Trung Quốc cho biết, tuyến đường sắt này sẽ bổ sung vào mạng lưới đường sắt hiện có ở các quốc gia Trung Á và hướng về thủ đô Moskva của Nga.

Mặc dù chưa tiết lộ nguồn vốn đầu tư, nhưng nguồn tin trên cũng cho biết, dự án chính là sáng kiến thiết lập tuyến đường sắt con đường tơ lụa tốc độ cao của Trung Quốc. Dự án nếu hoàn thành không những giúp tiết giảm chi phí vận chuyển, thời gian đi lại còn nhằm tăng cường kết giao thương mại giữa các nước trong khu vực.

Thực tế, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng phát triển hợp tác thương mại, thực hiện hàng loạt dự án đường sắt trị giá nhiều tỷ USD trên khắp thế giới.

Mới đây nhất là dự án đường sắt 7 tỷ đô Trung Quốc sẽ giúp Lào xây dựng trong năm nay.

Ngày 20/11/2014, Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) tuyên bố họ vừa có hợp đồng chính thức với Chính phủ Nigeria để xây dựng một tuyến đường sắt dài hơn 1.400 km dọc bờ biển quốc gia này.

Trung Quốc và Nga cũng có thêm một dự án xây dựng tuyến đường sắt kỷ lục với tổng giá trị đầu tư khoảng 150 tỷ USD nối Bắc Kinh - Moscow.

Bản thân Trung Quốc cũng phát triển ồ ạt các dự án đường sắt trong nước. Gần đây nhất là tuyến đường sắt cao tốc chạy dọc biên giới Nga với tổng vốn đầu tư 27,7 tỷ USD. Hiện tại, các phần của dự án này đang được đẩy mạnh xây dựng là tuyến đường sắt Cáp Nhĩ Tân - Mãn Châu Lý - Xuyên Siberia; Cáp Nhĩ Tân - Tuy Phân Hà - Baikal-Amur và Cáp Nhĩ Tân - Đồng Giang

Ngoài những hợp đồng có giá trị "khủng" kể trên, Trung Quốc còn có một loạt các hợp đồng xây dựng đường sắt ở Châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á, Trung Á...

Câu hỏi đặt ra là vì sao Trung Quốc muốn phát triển đường sắt?

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra, ý đồ chọn xuất khẩu đường sắt của Trung Quốc là nhằm 3 mục đích: xuất khẩu vốn; xuất khẩu công nghệ; và xuất khẩu dân số.

Trong bối cảnh nền kinh tế sản xuất trong nước suy giảm cùng thời điểm với kinh tế toàn cầu, Trung Quốc có cơ hội đẩy mạnh phát triển kinh tế, xuất khẩu nguồn vốn dự trữ lên tới gần 40.000 tỷ đô ra nước ngoài. Các dự án còn là công cụ gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tới các nước trong khu vực cũng như các nước khác trên thế giới. Việc này không nằm ngoài ý tưởng một vành đai, một con đường của Trung Quốc.

Lấy ví dụ, với dự án đường sắt với Nigeria, sẽ hoàn toàn sử dụng công nghệ Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ xuất khẩu được máy móc, đầu máy, sắt thép, các thiệt bị cơ sở hạ tầng... với tổng trị giá 4 tỷ USD (theo lời Chủ tịch CRCC Meng Fengchao). Ngoài ra, tạo ra được 200.000 việc làm trong khi xây dựng và 30.000 việc làm khác khi đi vào hoạt động.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như vậy góp phần đưa các ngành sản xuất thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu trong nước của Trung Quốc phát triển, giải quyết được số lượng lao động dư thừa đáng sợ. Và còn một điều đáng chú ý hơn, Bắc Kinh nhận được những khoản đối đáp rất hậu hĩnh từ các bên đối tác.

Những quốc gia nhận được khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ vui vẻ trả lại họ với các nguyên liệu như năng lượng, khoáng sản giá rẻ, chưa kể những lợi ích địa chính trị khác.