africa us special forces
Hồi đầu tháng này, chỉ huy trưởng Lực lượng đặc nhiệm của Bộ Quốc phòng Mỹ là Tướng Raymond Thomas đã có tuyên bố gây sốc rằng, lính đặc nhiệm Mỹ đang "kiệt sức về tâm lý" sau hơn 15 năm chiến tranh liên tục, dẫn đến tỷ lệ lớn các vụ tự tử.

Vị tướng này nhấn mạnh rằng, hơn 8000 lính đặc nhiệm Mỹ hiện nay đang phục vụ tại hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới. Lực lượng này đang được triển khai chiến đấu chống các nhóm khủng bố ở Trung Đông, cũng như chuẩn bị đáp trả hoạt động khiêu khích của Triều Tiên và tiến hành các sứ mệnh ở Đông Âu "trong trường hợp Nga xâm lược".

Những hoạt động chiến sự liên miên ở khắp nơi trên thế giới đã gây ra nhiều áp lực tâm lý đối với họ. Phát biểu tại Ủy ban quốc phòng Thượng viện, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm nói: "Chúng tôi không phải là thuốc chữa bách bệnh và không phải là giải pháp lâu dài cho tất cả mọi vấn đề".

Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cũng chia sẻ mối quan tâm của vị tướng Mỹ. Họ cũng cho rằng, quân đội Mỹ đang nuôi dưỡng huyền thoại là lực lượng đặc nhiệm sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề phát sinh.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ là Thượng Nghị sĩ John McCain cũng cáo buộc rằng, quân đội Hoa Kỳ có "nhu cầu vô độ" về việc sử dụng các lực lượng đặc nhiệm để giải quyết bất cứ những rắc rối nào mà họ gặp phải.

Tuy đưa ra những tuyên bố gây sốc như vậy nhưng Tướng Raymond Thomas từ chối đưa ra con số cụ thể để làm bằng chứng. Ông cũng không nêu dữ liệu về số lượng các vụ binh sĩ đặc nhiệm tự sát: "Tôi không muốn nêu con số thống kê khủng khiếp, nhưng chúng tôi đang đau đớn" - vị tướng Mỹ nói.

Ông Raymond Thomas có thể và không muốn cung cấp số liệu, nhưng các phương tiện truyền thông đã theo dõi rất sát sao vấn đề này. Theo báo giới, "đỉnh cao tự sát" trong lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ xảy ra trong năm 2012 là 24 người. Trong năm 2014 cũng có tới có 18 lính đặc nhiệm tự tử.

Những năm gần đây, những thông tin về vấn đề này đã được bảo mật rất kỹ do tính chất nhạy cảm của những chiến dịch mà lực lượng đặc nhiệm theo đuổi, đặc biệt là ở chiến trường Trung Đông, tập trung là ở Syria.

Tuy nhiên, giới truyền thông cũng đã đưa ra được con số khái quát chung về Quân đội Mỹ.

Ví dụ như theo một đại diện giấu tên, trong năm 2016 đã có tổng cộng 275 trường hợp tự sát trong quân đội Mỹ, còn trong năm 2012 có 321 trường hợp tự tử được ghi nhận. Đây là những con số cao bất thường so với quân đội các nước khác trên thế giới.

Nếu tính tỷ lệ tương đối từ trong cả quân đội thì con số lính đặc nhiệm Mỹ tự tử trong năm 2016 cũng không kém là mấy so với năm 2012. Như vậy, thực trạng tồi tệ này trong lực lượng đặc nhiệm nói riêng và trong Quân đội Mỹ nói chung là rất đáng báo động.

Theo Defenseone, tính đến 11/7/2016 số lượng cố vấn NATO có mặt trên chiến trường Syria như sau: Mỹ: 4647; Anh 1.350; Úc 460; Italy 440; Tây Ban Nha 340; Pháp 240; Đức 120; Hungary 120; Hà Lan 130; Đan Mạch 130; New Zealand 110; Na Uy 80; Canada 70; Phần Lan 50; Ba Lan 50; Thụy Điển, 30; Thổ Nhĩ Kỳ 30; Bỉ 20; Latvia 10.

Trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2016 đến nay, Mỹ đã điều động thêm số lượng lớn nhân viên quân sự đến Syria. Ước tính, tổng số quân nhân Mỹ hiện diện ở Syria đến nay đã tới hơn 5000 người, trong đó, phần lớn là thuộc lực lượng đặc nhiệm.

Hiện nay, ngoài số lượng các cố vấn quân sự, chuyên gia huấn luyện chiến thuật và chuyên gia kỹ thuật vũ khí-trang bị, đã có hàng nghìn tay súng đặc nhiệm Mỹ hiện diện trên chiến trường Trung Đông, chủ yếu là ở Syria, để bảo vệ các thị trấn then chốt của người Kurd và các căn cứ quân sự Mỹ ở miền Bắc Syria.