COMAC C929 Russia China
Mô hinh máy bay của liên doanh Nga - Trung
Truyền thông quốc tế đưa tin, ngày 22/5, Trung Quốc và Nga đã khởi động dự án đầy tham vọng với việc liên doanh sản xuất máy bay thương mại đường dài nhằm cạnh tranh với hai tập đoàn chế tạo máy bay thương mại hàng đầu thế giới là Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu.

Dự án tham vọng ấy là kết quả của sự hợp tác giữa Tập đoàn chế tạo máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) và Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) của Nga, được khởi động chỉ 2 tuần sau khi Trung Quốc có chuyến bay thử thành công đối với loại máy bay chở khách cỡ lớn đầu tiên do nước này tự chế tạo.

COMAC - đặt trụ sở tại Thượng Hải - đã ra tuyên bố cho biết loại máy bay do Nga và Trung Quốc hợp tác chế tạo có thể chở được 280 hành khách và có tầm bay 12.000 km, giúp nó có thể cạnh tranh trực tiếp với loại máy bay 787 của Boeing và A350 của Airbus.

Chủ tịch COMAC Jin Zhuanglong khẳng định dự án này sẽ là mô hình hợp tác điển hình giữa Trung Quốc và Nga. Chủ tịch UAC Yuri Slyusar cho biết dự án này có chi phí đầu tư từ 13 đến 20 tỉ USD, mỗi bên đóng góp 50%.

Theo ông Slyusar thì dư án này là một bằng chứng cho thấy quyết tâm hợp tác lâu dài giữa Nga và Trung Quốc.

Theo kế hoạch của COMAC, loai máy bay mới của liên doanh này có thể có chuyến bay đầu tiên vào năm 2024 và bắt đầu được giao cho khách hàng vào năm 2027.

Được biết kế hoạch hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong việc chế tạo máy bay thân rộng, lần đầu tiên được công bố vào tháng 6/2016 khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.

Giới phân tích cho rằng, liên doanh COMAC ra đời là một đối thủ tiềm năng với cả Boeing và Airbus, có thể phá vỡ thế độc quyền của 2 hãng hàng không khổng lồ này trong việc sản xuất, mua bán và khai thác máy bay thương mại cỡ lớn của hàng không quốc tế.

Thứ nhất, về kỹ thuật. Việc Trung Quốc kết hợp với Nga sẽ giúp giảm được nhiều khiếm khuyết trong kỹ thuật bởi kỹ thuật chế tạo máy bay của Nga luôn nằm trong top đầu của thế giới và máy bay của Nga thường gặp ít lỗi kỹ thuật.

Ngược lại, việc Nga kết hợp với Trung Quốc sẽ giúp giảm được nhiều khiếm khuyết trong vấn đề mẫu mã và sự tiện lợi của máy bay Nga, vốn là yếu điểm lớn nhất của người Nga, khiến cho máy bay thương mại do nước này sản xuất không được nhiều người ưa chuộng.

Thứ hai, về giá cả. Sàn phẩm công nghiệp của cả Nga và Trung Quốc thường có giá bán thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của công nghiệp Âu - Mỹ.

Hạn chế lớn nhất là mẫu mã - với sản phẩm của Nga, và chất lượng - với sản phẩm của Trung Quốc, thì nay sự kết hợp giữa Nga và Trung Quốc đã giúp cho sản phẩm của COMAC khắc phục được 2 hạn chế đó.

Khi khiếm khuyết, hạn chế đã được khắc phục thì lợi thế về giá cả sẽ là công cụ lợi hại nhất của COMAC trong cạnh tranh với Boeing và Airbus. Điều đó được cộng hưởng thêm bởi sự phát triển mạnh mẽ của hàng không giá rẻ trên thế giới nên Boeing và Airbus không thể xem thường.

Thứ ba, về thị trường. Có thể nhận định khi sản phẩm của COMAC chính thức được chào hàng thì thị trường may bay thương mại cỡ lớn, đường dài sẽ nhanh chóng bị phân chia lại, mà thị phần của Boeing và Airbus sẽ bị thu hẹp nhanh và đáng kể.

Điều đó một phần do giá cả cạnh tranh, một phần do cơ chế kinh tế của Nga và Trung Quốc vẫn còn ảnh hưởng rất lớn bởi sự điều tiết của nhà nước và đó chính là cơ hội cho ngoại giao kinh tế của chính phủ phát huy hiệu quả. Đây là lợi thế tuyệt đối của COMAC.

Thứ tư, về chế độ khuyến mãi, hậu mãi. Có thể khẳng định rằng khi sản phẩm của COMAC xuất xưởng thì Boeing và Airbus sẽ phải chịu áp lực rất lớn trước chính sách khuyến mãi, hậu mãi của đối thủ và không dễ dàng, thậm chí không thể hoá giải.

Do cơ chế kinh tế và khát vọng cạnh tranh, chắc chắn COMAC sẽ được chính phủ Nga và Trung Quốc hỗ trợ phương tiện và cung cấp công cụ để thực hiện chế độ khuyến mại, hậu mãi cho khách hàng, mà việc thanh toán chậm hay linh hoạt trong hình thức thanh toán là có thể nhận diện.

Điều này cả Boeing và Airbus đều khó có thể thực hiện được.

Có thể thấy rằng, khi quy mô kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn mạnh mà lại được cộng hưởng với những kinh nghiệm và thành quả kỹ thuật cao của Nga, thì đó là một lợi thế mà không đối thủ nào có được.

Vì vậy liên doanh sản xuất máy bay thương mại đường dài COMAC ra đời sẽ là một thách thức cực lớn với Boeing và Airbus trong lĩnh vực hàng không thương mại quốc tế.