Poroshenko
© © Sputnik/ Nikolay Lazarenko
Mỹ chính thức hỗ trợ Ukraine 300 triệu USD để mua vũ khí đồng thời tiến hành huấn luyện và trang bị vũ khí cho quân đội nước này.

Theo hãng Reuters, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25/11 đã ký thông qua dự luật ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2016 sau một số sửa đổi. Điều khoản hỗ trợ quân sự cho Ukraine trị giá 300 triệu USD vẫn được giữ nguyên.

Theo chương trình này, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí hiện đại, trong đó có các hệ thống chống tăng. Tuy nhiên, cách thức thực hiện chương trình này sẽ được giới chức chính trị của Mỹ quyết định.

Ngay sau khi thông tin Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ Ukraine 300 triệu USD được công bố, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã lên tiếng cảm ơn Tổng thống Mỹ Obama.

"Cảm ơn Tổng thống Obama vì sự giúp đỡ quân sự to lớn này! Đây là ví dụ điển hình cho tình đoàn kết và sự hỗ trợ của Mỹ"- ông Poroshenko viết trên Twitter của mình.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 23/11 cũng bắt đầu tiến hành giai đoạn 2 chương trình huấn luyện và trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis cho biết, chương trình huấn luyện cho quân đội Ukraine có tên gọi "Người Bảo vệ dũng cảm" (Fearless Guardian), được chính phủ Mỹ tài trợ với số tiền 265 triệu USD.

Trong giai đoạn thứ hai này, quân đội Mỹ sẽ đào tạo nghiệp vụ cho các binh sỹ thuộc 5 tiểu đoàn của Bộ Quốc phòng Ukraine và 1 tiểu đoàn tác chiến đặc biệt của Ukraine tại miền tây nước này. Tham gia khóa huấn luyện có khoảng 300 binh sỹ từ Lữ đoàn nhảy dù 173 của Mỹ và từ các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Theo ông Jeff Davis, đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ Ukraine tiến hành cải cách quân đội, tăng cường tính chuyên nghiệp, cải thiện khả năng phòng thủ và phát huy năng lực của các lực lượng Ukraine.

Những động thái trên của Mỹ một lần nữa làm dấy lên nghi ngại về những căng thẳng có thể tiếp tục xảy ra tại Ukraine. Truyền thông Nga cáo buộc rằng việc Washington hỗ trợ tiền và tiến hành huấn luyện, trang bị vũ khí cho quân đội Kiev vào thời điểm này chủ yếu nhằm gây thêm những áp lực lên chính quyền tổng thống Putin sau vụ việc chiến đấu cơ su-24 của nước này bị bắn rơi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này không phải là không có cơ sở.

Trước đó, nhiều nước đã khẳng định rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã đóng băng.

Chính quyền Kiev đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và phương Tây hỗ trợ tài chính và vũ khí cho nước này để giải quyết khủng hoảng trong nước và nhằm đối phó với những nguy cơ đến từ Nga. Tuy nhiên Washington và các nước đồng mình đã nhiều lần thẳng thừng từ chối.

Sự chuyển hướng đột ngột của Mỹ đối với Ukraine một lần nữa lại liên quan đến động cơ chính trị. Đặc biệt trong bối cảnh Moskva và Kiev thời gian vừa qua liên tiếp gia tăng căng thẳng thì những hỗ trợ từ Washington được ví như liều thuốc chữa lành những tổn thương bấy lâu của Ukraine, giúp chính quyền tổng thống Poroshenko có thêm những đòn phản công lại Nga.