Open up! Democracy's coming
Mở cửa ra! Dân chủ đang đến đây.
Chỉ số Hòa bình Toàn cầu hàng năm, được công bố vào tháng 6/2017, cho thấy mặc dù thế giới hòa bình hơn so với năm ngoái nhưng bạo lực đã gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Mặc dù tình hình đã được cải thiện ở nhiều quốc gia, nhưng 10 quốc gia có chỉ số hòa bình thấp nhất không thay đổi nhiều trong những năm gần đây.

Đáng chú ý, 9 trong số 10 quốc gia này đều có một điểm chung về bạo lực trong những năm qua, đó là những nỗ lực gây bất ổn và các hoạt động thay đổi chế độ liên quan tới Mỹ.

Syria, quốc gia xếp hạng cuối cùng trong Chỉ số Hòa bình được công bố hồi tháng 6/2017, đã rơi vào tình cảnh loạn lạc sau những nỗ lực thay đổi chế độ do Mỹ lãnh đạo từ khoảng 6 năm trước - cuộc xung đột đã tàn phá một trong những quốc gia thịnh vượng nhất ở Trung Đông và biến nước này thành chiến trường mới nhất cho cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Nga.

Mỹ đã và đang lên kế hoạch lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ năm 2006. Từ sau cuộc nổi dậy năm 2011, Mỹ đã liên tục tài trợ và trang bị vũ trang cho các nhóm đối lập ở Syria cùng với một số nhóm cực đoan, trong đó có nhiều nhóm đã gia nhập các tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận al-Nusra.
Map of US military involvement
Bản đồ hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trên thế giới
Iraq và Afghanistan là 2 quốc gia xếp hạng cao hơn Syria, đều là mục tiêu trong những cuộc xâm lược lớn của Mỹ vào đầu những năm 2000 và việc Mỹ tiếp tục có mặt tại cả 2 quốc gia này đã góp phần đáng kể vào tình hình đang ngày càng xấu đi tại đây.

Với việc tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq và trong tương lai là ở Afghanistan với số lượng binh lính là 50.000 quân thì tình trạng xung đột gia tăng là không thể tránh khỏi.

Trong khi đó tại châu Phi, Nam Sudan cũng bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của Mỹ và kế hoạch "xây dựng quốc gia". Mỹ tác động để Nam Sudan tách khỏi Sudan hồi năm 2011 vì Nam Sudan nắm giữ 75% trữ lượng dầu của Sudan - được coi là quốc gia dầu mỏ lớn nhất châu Phi.

Các nhà phân tích cho rằng Mỹ muốn tạo ra một nước Nam Sudan độc lập nhằm vô hiệu hóa các tuyên bố của Trung Quốc đối với dầu mỏ của Sudan, do trước đây Bắc Kinh đã ký các hợp đồng dầu mỏ với Chính phủ Sudan (Bắc Sudan).

Khoản đóng góp đáng kể của Mỹ cho Nam Sudan, tổng cộng 1,6 tỷ USD từ năm 2013 đến năm 2016, cho thấy Washington đã tìm cách gây ảnh hưởng tới chính phủ quốc gia trẻ nhất thế giới này với mục đích trên. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau đó, Nam Sudan đã biến thành chiến trường của cuộc nội chiến thảm khốc, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hơn 1,5 triệu người phải đi lánh nạn.

Một số nhà phân tích khu vực cho rằng cuộc nội chiến nổ ra giữa Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar ngay khi Kiir thể hiện thái độ "ấm lên" với Trung Quốc. Sự hỗn loạn do can thiệp của Mỹ ở Nam Sudan đã vượt quá biên giới nước này.

Còn tại Yemen, Global Research cho rằng Saudi Arabia được Mỹ hậu thuẫn phải chịu trách nhiệm về nạn đói và tội ác chiến tranh. Mặc dù vai trò của Mỹ ở đây ít hơn, không dẫn đầu cuộc chiến ở Yemen, nhưng ngay từ đầu đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của nước láng giềng Saudi Arabia và cung cấp cho nước này hàng tỷ USD vũ khí, cũng như thỉnh thoảng ném bom một số địa điểm ở Yemen để hỗ trợ cho các đồng minh vùng Vịnh của mình.

Ngoài ra, Mỹ đã làm ngơ trước các tội ác chiến tranh của Saudi Arabia ở Yemen, bao gồm cả việc ngăn chặn các chuyến hàng cứu trợ và gây ra nạn đói lan rộng. Mỹ mong muốn tiếp tục nhìn thấy ảnh hưởng của nước láng giềng lớn ở Yemen - như trước cuộc xung đột - do vị trí của Yemen cho phép nước này kiểm soát eo biển chiến lược Bab al-Mandab, một điểm "neo" quan trọng cho việc thương mại dầu lửa của Saudi Arabia.

Tại Somalia, tình trạng bất ổn còn tồn tại được cho là do sự can thiệp của Mỹ. Sự tham gia của Mỹ ở Somalia có một lịch sử lâu dài và đạt đến đỉnh điểm hồi đầu những năm 1990, khi nền độc tài quân sự Siad Barre do Mỹ hỗ trợ đã bị lật đổ, đưa nước này vào cuộc nội chiến.

Nhờ vị trí chiến lược của Somalia tại Biển Đỏ có ý nghĩa chiến lược đối với các thị trường dầu mỏ toàn cầu, Mỹ đã tham gia vào cuộc chiến này. Mỹ đã "kéo LHQ vào Somalia", nhưng đến nay nước này vẫn trong tình trạng vô chính phủ trong 16 năm cho đến khi liên minh Hồi giáo tiếp quản thủ đô Mogadishu hồi năm 2006.

Tuy nhiên, chính phủ này đã bị Ethiopia lật đổ với sự hỗ trợ của Mỹ. Chính sách chống khủng bố hiện tại của Mỹ tại Somalia, bao gồm việc sử dụng các cuộc không kích làm trầm trọng thêm cuộc xung đột và cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến cho nước này rơi vào nạn đói.

Tại Bắc Phi, Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi thách thức hệ thống "đồng đôla dầu mỏ" của Mỹ. Nạn nhân gần đây của nỗ lực thay đổi chế độ của Mỹ được xếp hạng là quốc gia có Chỉ số Hòa bình thấp thứ 7 trên thế giới.

Libya từng là một trong những nước giàu có nhất ở châu Phi. Cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã "phạm phải sai lầm" khi thử thách hệ thống "đồng đôla dầu mỏ" của Mỹ bằng cách tạo ra một đồng tiền châu Phi với đồng vàng được gọi là dinar.

Sau khi ông Muammar Gaddafi bị lật đổ, Libya đã bị biến thành một quốc gia thất bại, không có chính phủ rõ ràng, khủng bố tràn lan và tình trạng nô lệ hiện đang được ghi nhận.