Russian Su-24
© Express.co.ukChiếc Su-24 của Nga bị bắn rơi bởi Thổ Nhĩ Kỳ
Nga tố Mỹ chỉ điểm cho Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga

Sau khi buông ra những lời lẽ cứng rắn, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã có những lời lẽ "hòa dịu" hơn khi cho rằng, ông đã tìm cách gọi điện cho Tổng thống Nga Putin sau khi Ankara bắn hạ chiếc Su-24 của Nga nhưng ông Putin đã không nghe máy.

Ông Erdogan còn nhắn với ông chủ Điện Kremlin rằng, nếu biết trước đó là máy bay của Nga "có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo theo cách khác". Tuy nhiên, trong cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Hollande ở Moscow tối ngày 26-11, ông Putin đã thẳng thừng bác bỏ lập luận này.

Tổng thống Nga đã tố cáo Mỹ đứng sau vụ máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga. Ông nhấn mạnh rằng, chỉ có Mỹ mới có số liệu về đường bay của chiếc Su-24 Nga, do đó Mỹ là người biết rõ nhất nó không xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguyên thủ Nga cho biết, chiếc máy bay của Nga rất dễ nhận dạng và các thông số của chuyến bay đã được gửi cho Mỹ - đứng đầu liên minh quân sự trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ - do Moscow và Washington đã thỏa thuận về cung cấp thông tin để tránh va chạm trên bầu trời Syria.

Ông Putin lên tiếng cáo buộc rằng, phía Mỹ đã cung cấp tin về đường bay và thời gian bay qua khu vực này cho Thổ Nhĩ Kỳ, để Ankara có thể bắn hạ Su-24 chính xác tại địa điểm ấy và thời gian ấy, không sai 1 giây.

Chiếu ngày 25-11, sau khi được giải cứu từ khu vực chiếm đóng của bọn khủng bố, phi công kiêm hoa tiêu của chiến Su-24 là anh Murakhtin đã khẳng định máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đột nhiên bay tới, không có bất cứ hành động hay lời nói nào biểu thị sự tiếp xúc.

"...rồi đột nhiên tên lửa lao trúng đuôi máy bay của chúng tôi. Thậm chí chúng tôi còn không kịp tránh" - Murakhtin phủ nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ thông báo máy bay F-16 đã đưa ra 10 cảnh báo với máy bay Nga trong vòng 5 phút, bởi khi chiếc Su-24 bay dọc theo biên giới, F-16 của nước này còn chưa tới.

Những hình ảnh và video do cả Moscow và Ankara cung cấp đã chứng thực lời nói của viên phi công Nga.

Khi các máy bay Nga đang bay dọc biên giới giữa 2 nước, các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ cất cánh từ các sân bay nằm sâu trong nội địa nước này, bay theo hướng vuông góc với máy bay Nga, trong khi đó chiếc Su-24 đã ngoặt về hướng Tây nam về phía Syria.

Thời điểm máy bay 2 nước bay gần nhau rất ngắn, chỉ trong vòng dưới mười giây, làm gì có chuyện tiếp xúc với nhau đến 5 phút? Thời gian đó may ra đủ để phi công Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một cảnh báo với chiếc Su-24 nhưng không thể đủ để phi công Nga nhận thức được vấn đề và hồi đáp.
flight plane map su-24
Bản đồ đường bay chiếc Su-24
Do đó, chuyện 2 chiếc F-16 đưa ra 10 cảnh báo với máy bay Nga là chuyện mà ngay trẻ con cũng không tin được.

Thực tế đó chứng tỏ Ankara đã vạch kế hoạch từ trước là sẽ bắn rơi máy bay Nga và họ đã nhận được thông tin về đường bay của nó từ Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chờ chiếc máy bay này bay tới khu vực đó, áp sát không phận nước này là ra tay.

Nếu không chuẩn bị trước âm mưu bắn rơi máy bay Su-24, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng kênh liên lạc khẩn với Nga, đường dây nóng do Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga và Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã được thiết lập từ giai đoạn bắt đầu chiến dịch của không quân Nga ở Syria.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, một số chuyên gia khẳng định rằng, Ankara đã được sự chấp thuận của Mỹ-NATO, bởi quy chế của khối đồng minh quân sự này không cho phép bất cứ nước nào được "làm liều", dẫn tới việc có thể kéo cả khối sa vào cuộc chiến tranh với nước khác.

Trừ những trường hợp bất khả kháng còn nếu một thành viên nào định tiến hành một hoạt động có thể dẫn tới các xung đột quân sự với nước khác thì phải tham vấn trước đối với cả khối, được phép thì mới tiến hành, khi đó, điều 5 về quyền bảo vệ thành viên mới được kích hoạt.

Đoàn xe bị không kích: Cháy nhà ra mặt Thổ Nhĩ Kỳ

Ngay buổi chiều ngày 25-11, tổ chức nhân đạo Humanitarian Relief Foundation (IHH) cho biết, một đoàn xe của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị không kích trong khi tiến về thành phố Azaz ở Tây Bắc Syria, khiến ít nhất 20 chiếc xe tải đã bị nhấn chìm trong biển lửa.

Tuy nhiên, hiện tại không có ai đứng ra nhận là chủ đoàn xe này, đồng thời cũng không có lực lượng nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ không kích.

Tuy nhiên, trang tin Anadolu dẫn bình luận của phe đối lập ở Syria cho rằng, chính máy bay Nga đã tấn công đoàn xe. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bình luận trong các bản tin nói rằng, có thể cuộc không kích này do Nga thực hiện, nhằm trả thù vụ nước này bắn rơi máy bay Su-24 Nga.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và IHH cho rằng đoàn xe vận chuyển hàng "cứu trợ nhân đạo" cho người tị nạn ở Azaz. Tuy nhiên, nhiều luồng thông tin cho rằng, đây là xe chở vũ khí cho lực lượng phiến quân ở tây bắc Syria.

Ví dụ như trang tin Cumhuriyet của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn thân cận với chính phủ Syria cho rằng đoàn xe đang vận chuyển vũ khí cho nhóm Turkmen. Còn trang tin Hawar cho hay, Ankara từng nhiều lần vận chuyển vũ khí cho Mặt trận Al-Nusra và các tổ chức khủng bố Syria khác, dưới vỏ bọc cứu trợ nhân đạo.

Giới truyền thông cho biết, trong số các mục tiêu vừa bị máy bay Nga oanh kích có cả một số xe viện trợ của IHH. Điều đáng chú ý là tổ chức này có mối liên hệ rất mật thiết với Đảng Phát triển và Công lý (AKP) đang cầm quyền hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên mạng xã hội Twitter cũng xuất hiện thông tin đoàn xe chở theo súng máy Docka, vũ khí cá nhân và nhiều đạn dược.

Tuy giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần phủ nhận việc họ lén lút cung cấp vũ khí cho lực lượng phiến quân người Turkmen ở Syria và Mặt trận Al-Nusra cùng một số nhóm phiến quân khác nhưng có những sự việc cho người ta thấy đó là sự thật.

Ngày 26-11, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hai nhà báo nước này vì can tội đưa lên mặt báo việc Ankra cung cấp vũ khí cho phiến quân Syria.
Ảnh
Ông Erdem Gul (trái) và Can Dundar (phải)
Tổng biên tập tờ tờ báo đối lập Cumhuriyet khá tiếng tăm ở Thổ Nhĩ Kỳ là ông Can Dundar và trưởng văn phòng đại diện của tờ báo này tại Ankara là Erdem Gul đã bị bắt giữ vì những cáo buộc động trời, do họ đã dám vạch trần những hành động của Ankara.

Ngay hôm trước khi họ bị bắt, Cumhuriyet đã cho đăng tải bài viết về việc cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí cho các nhóm phiến quân ở Syria. Trước đó, họ cũng đã từng nhiều lần tố cáo Ankara nuôi dưỡng các tổ chức khủng bố để lật đổ chính quyền Damascus.

Cả hai nhà báo này đều đã bị đưa ra xét xử ngay trong tối 26-11. Cáo buộc mà tòa án ở Istanbul đưa ra với hai người này là làm gián điệp và tiết lộ bí mật quốc gia. Nếu bị chứng minh là có tội, mức án phạt cao nhất đối với hai người này là tù chung thân.

Hồi cuối năm 2013, một đoàn xe của tình báo Thổ Nhĩ Kỳ bị chặn lại khi đang trên đường tới Bayırbucak, Tây Bắc Syria. Sau đó, đến tháng 1 năm 2014, chính lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn một đoàn xe tải chở vũ khí của Cục tình báo quốc gia (MIT) ở gần biên giới Syria.

Ngay sau đó, tờ Cumhuriyet đã đăng tải loạt bài viết với cáo buộc rằng MIT đã ủng hộ và cung cấp vũ khí cho phiến quân Syria Turkmen - nhóm vũ trang người Syria, gốc Thổ Nhĩ Kỳ, ở phía bắc Syria, để lật đổ ông Bashar al-Assad.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lúc đó đã ngang nhiên tuyên bố: "Nếu có vũ khí thì sao, mà không có vũ khí thì điều gì sẽ thay đổi?".

Đến tháng 5, một loạt bài báo khác cũng được đăng tải cho thấy những chiếc xe tải chở vũ khí vẫn nối đuôi nhau đến khu vực do người Turkmen kiểm soát.

Ông Erdogan đã gọi những bài báo này là "sự phản bội Tổ quốc" và khẳng định đây chỉ là những đoàn xe chở hàng cứu trợ nhân đạo cho người Turkmen. Tuy nhiên, ông cũng không trả lời được câu hỏi: Tại sao xe chỉ chở hàng hóa mà không xin phép để được vào Syria?

Trước những cáo buộc liên tiếp của tờ báo này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ra lệnh cho lực lượng an ninh mở một cuộc điều tra nhằm vào tờ Cumhuriyet hồi tháng 6 vừa qua.

Và sau khi Cumhuriyet tiếp tục tố cáo đoàn xe bị không kích ở khu vực thị trấn Azaz của Syria hôm 25-11 vừa qua là xe chở súng đạn của chính quyền Ankara cung cấp cho phiến quân Turkmen, 2 nhà lãnh đạo của tờ báo lập tức bị bắt và đưa ra xét xử với tội danh rất nặng.