Turkish President Tayyip Erdogan speaking at istanbul rally
© Kayhan Ozer / ReutersTổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trước những người ủng hộ nhân kỷ niệm 1 năm cuộc đảo chính bất thành tại nước này ngày 15/7/2017.
BBC ngày 15/7 đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đang tổ chức một loạt các sự kiện để đánh dấu kỷ niệm một năm diễn ra cuộc đảo chính quân sự bất thành, mà hậu quả đã khiến ít nhất 260 thiệt mạng và 2.196 người bị thương.

Phát biểu tại một phiên họp đặc biệt của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Binali Yildirim cho rằng ý nghĩa của việc đập tan cuộc binh biến ngày 15/7/2016 giống như chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập những năm 1920, để thành lập nên nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.

Cũng nên nhắc lại rằng, vào ngày15/7/2016, một nhóm tướng lĩnh tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan. Lực lượng làm đảo chính đã sử dụng cả xe tăng, trực thăng và máy bay chiến đấu cho cuộc binh biến, song đã thất bại.

"Cái ngày đen tối ấy đã biến thành ngày tươi sáng nhất của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ khi người dân đã đi vào huyền thoại với hình ảnh những vị anh hùng chiến thắng những kẻ muốn cướp quyền và gây tội ác", Thủ tướng Yildirim nhận định.

Tuy nhiên, ngược với niềm hân hoan của lực lượng cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ, ở một khía cạnh khác, cuộc đảo chính bất thành tại một quốc gia thành viên NATO thì lại ngày càng trở thành một nỗi buồn vô tả với Mỹ và phương Tây.


Erdogan tấn công ngày càng mạnh mẽ vào nguyên tắc "tự do - dân chủ" phương Tây

Theo BBC, trong một năm sau khi đập tan cuộc binh biến, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải hơn 150.000 viên chức thuộc nhiều lĩnh vực trên khắp đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do bị tình nghi ủng hộ lực lượng đảo chính.

Cùng với đó, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt và giam giữ hơn 50.000 người bị cho là liên quan đến cuộc đảo chính và chống đối chính quyền.

Thậm chí, ngày 14/7 vừa qua, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải tới 7.395 viên chức chỉ trong một ngày, với cáo buộc liên quan đến lực lượng làm đảo chính và các nhóm khủng bố.

Sau cuộc binh biến bất thành, tại Thổ Nhĩ Kỳ gần như tất cả những nguyên tắc nền tảng của tự do - dân chủ truyền thống phương Tây đã bị vô hiệu hoá. Một nền chuyên chính đã chi phối mọi sinh hoạt trong đời sống chính trị tại quốc gia này.


Nhận xét: Áp đặt tình trạng khẩn cấp và bắt bớ hàng loạt là điều bất cứ nước nào cũng sẽ làm sau một cuộc đảo chính. Những biện pháp mà Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện là nhẹ nhàng hơn nhiều so với nhiều nước khác trong lịch sử, kể cả những nước được Mỹ ủng hộ. Trong rất nhiều trường hợp, cái gọi là nguyên tắc tự do, dân chủ phương Tây chỉ là tấm bình phong để che đậy âm mưu gây bất ổn, lật đổ chế độ của phương Tây (gọi vắn tắt là "cách mạng màu).


Ngoài việc bắt bớ và thanh trừng, chính quyền của Tổng thống Erdogan còn được cho là đã và đang thực hiện những nguyên tắc phi dân chủ, thậm chí phản dân chủ trong quản lý xã hội và điều hành đất nước.

Ngày 15/7, phát biểu trước những người ủng hộ tập trung tại cây cầu bắc qua eo biển Bophorus, nơi từng chứng kiến những trận chiến dữ dội nhất vào đêm xảy ra cuộc đảo chính, Tổng thống Erdogan đã khẳng định: "Chúng ta sẽ chặt đầu tất cả những kẻ phản trắc".

Chính quyền Ankara đã đổi tên cầu tại eo biển Bosphorus thành cầu Máu Thánh và Tổng thống Erdogan công bố một đài tưởng niệm tử vì đạo sẽ được lập ở đó.

Nhiều nhà bình luận cho rằng Tổng thống Erdogan đang lợi dụng các cuộc thanh trừng sau đảo chính để trấn áp những người bất đồng chính kiến, phục vụ cho mưu đồ chính trị của mình với ước vọng tái lập đế chế Ottoman.

Trước những hành động của "anh hùng chống đảo chính" Erdogan, Mỹ và các nước phương Tây, dù là đồng minh quan trọng và đối tác chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đành bất lực, không thể có bất cứ hành động nào để đưa Ankara vào quỹ đạo.

Ankara ngày càng có nhiều hành động thách thức Mỹ và phương Tây

Giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang sinh sống ở Mỹ là người tổ chức âm mưu đảo chính. Ankara đã yêu cầu dẫn độ vị giáo sĩ này nhưng Washington không đáp ứng. Thế là Erdogan đã cáo buộc Washington đứng sau cuộc đảo chính.

Từ đó chính quyền Erdogan ngày càng tạo ra hố sâu ngăn cách với các đồng minh chiến lược của mình. Ankara giảm quy mô hợp tác với Washington, trong đó đặc biệt là đóng cửa căn cứ không quân Incirlik vốn được cho Mỹ và đồng minh sử dụng.

Lực lượng cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên lên tiếng chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)- tổ chức quân sự mà Thồ Nhĩ Kỳ là thành viên- như một tổ chức khủng bố.

"NATO luôn đạo diễn những hành động bẩn thỉu trong các sự kiện đẫm máu xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đảo chính năm 1960 do người Anh dàn dựng, cuộc đảo chính năm 1971 do CIA đạo diễn, cuộc đảo chính năm 1980 là kịch bản của NATO. Còn tương lai của NATO không có chỗ cho Tổng thống Erdogan và đảng AKP", nghị sĩ đảng cầm quyền AKP Samil Tayyar tuyên bố.

Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu thì lên tiếng : "Chúng ta cho phép Mỹ và các nước khác được sử dụng Incirlik để tấn công IS, song họ sử dụng Incirlik không hẳn để chống lại IS, mà liên quan đến các hoạt động nhạy cảm nhất đối với chúng ta".

Không những vậy, chính quyền Ankara còn ngày càng tăng cường quan hệ với Nga và Iran - hai đối thủ của Mỹ và phương Tây - như một sự thách thức. Erdogan đã tận dụng vị trí tiền tiêu của NATO tại Trung Đông làm đòn bập bênh với đồng minh.

Tổng thống Erdogan ngày càng tung hoành ngang dọc với những hành động bị cho là ảnh hưởng rất tiêu cực tới chiến lược của Mỹ tại vùng đất nóng, song cho đến lúc này người Mỹ vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt và có lẽ đã phải tính nước cờ cho thời hậu Erdogan.


Nhận xét: Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc khu vực, nhưng Mỹ luôn coi họ chỉ là một chư hầu, không đếm xỉa gì đến lợi ích hay quan ngại của họ. Đó chính là lý do Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xa rời Mỹ và xích lại gần với Nga và Iran, những nước luôn tôn trọng vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ.


Giới phân tích cho rằng, hiện nay trong số các đồng minh ương ngạnh thể hiện độ miễn nhiễm với tác hiệu của "cây gậy Mỹ" và "củ cà rốt của Washington" thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Tổng thống Philipines Duterte và Thủ tướng Israel Netanyahu là ba cái tên đứng đầu danh sách.

Tuy nhiên, lập trường của Tổng thống Phililipines hay Thủ tướng Israel sẽ thay đổi nếu tỷ lệ gia tăng tác hiệu giữa "cây gậy Mỹ" với "củ cà rốt của Washington" có sự thay đổi.

Song riêng với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thì dường như sự thay đổi của bộ đôi công cụ tạo sự phụ thuộc vào lợi ích Mỹ, tạo sự lệ thuộc vào sức mạnh Mỹ đã trở nên miễn nhiễm, thậm chí Ankara đã vô hiệu hoá tác hiệu của bộ đôi công cụ lợi hại ấy.

Erdogan không cần lợi ích Mỹ, nếu Ankara phải phụ thuộc vào Mỹ. Erdogan chọn kết nối với Nga và Trung Quốc để bù đáp lại thiệt hại nếu mất đồng minh. Việc Erdogan bất chấp hiệu ứng tiêu cực từ Brussels cho việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU đã cho thấy rõ điều đó.

Erdogan không ngán ngại Mỹ, nếu lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ bị Washington làm thiệt hại. Việc Ankara bắt tay Moscow và Tehran trong cuộc chiến Syria, gây nhiều bất lợi cho Washington tại ván cờ này đã chứng minh việc "Erdogan không ngán Mỹ".

Có thể thấy rằng, sau khi đập tan cuộc đảo chính quân sự ngày 15/7/2016, Tổng thống Erdogan đã trở thành cái gai và là cái gai khó nhổ nhất với Mỹ và phương Tây, khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã làm phương hại tới nhiều giá trị và lợi ích của đồng minh, đối tác.

Vì vậy, việc đập tan cuộc binh biến càng được giới cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ đề cao ý nghĩa và nâng cao giá trị bao nhiêu thì nỗi buồn phương Tây càng da diết bấy nhiêu.