SU-24 Shot Down
© Anadolu
Truyền thông phương Tây đều đồng loạt lên tiếng vạch mặt những ý đồ của Ankara trọng vụ bắn rơi Su-24 ở Syria và ủng hộ Moskva.

Tổng thống Putin đúng khi cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đồng lõa với IS

Tạp chí quốc phòng hàng đầu của Mỹ Defense ngày 28/11 đã đăng tải bài viết phân tích cụ thể những diễn biến liên quan đến vụ việc Su-24 Nga bị bắn rơi và khẳng định Tổng thống Putin đã đúng khi nói rằng, trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang ủng hộ IS và cung cấp vũ khí cho chúng để tấn công khủng bố ở Syria.

Theo tạp chí này, sau khi chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị bắn rơi, Chính phủ Nga đã chỉ trích gay gắt hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Putin đã gọi đó là "đòn đâm sau lưng Nga của những kẻ đồng lõa với khủng bố".

Ngay sau đó, Moskva đã tiết lộ với thế giới những gì mà phương Tây bấy lâu nay vẫn im lặng về bản chất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và vai trò đầy mâu thuẫn của ông ta trong cuộc chiến chống IS.

Theo tờ Defense, sở dĩ Mỹ và phương Tây cố tình "phớt lờ" những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là bởi vì nước này cho phép NATO sử dụng lãnh thổ, không phận và căn cứ không quân của mình để tiến hành các cuộc không kích IS ở Syria.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hưởng lợi rất nhiều từ những hoạt động kinh doanh dầu lậu của IS từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi năm IS kiếm khoảng 500 triệu USD từ hoạt động này.

Không những thế, tạp chí Denfense cũng hoàn toàn đồng tình với tuyên bố của ông Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga, rằng IS sử dụng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ làm nơi trung chuyển vũ khí và đưa người từ các nước khác đến Syria để gia nhập hàng ngũ của chúng.

Tạp chí Mỹ khẳng định, không giống như phương Tây vốn cần sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ nên đành phải im lặng, Nga đã công khai những hành động "không mấy chân thành" của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi "trò bẩn" ở Syria

Trong một diễn biến có liên quan, tờ báo phân tích Il Giornale hàng đầu của Italia khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi "trò bẩn" ở Syria để trở thành một cường quốc trong khu vực.

Theo Il Giornale, Tổng thống Erdogan không hề giấu giếm mục đích bắn hạ Su-24 của Nga với lý do là để bảo vệ an ninh và quyền của "những người anh em" của mình ở Syria.

"Những người anh em" ở đây, theo Il Giornale, không chỉ là cộng đồng người Turkmen mà là cả những tổ chức khủng bố và lực lượng IS do Ankara hậu thuẫn.

erdogan
© Reuters / Umit Bektas
Sau gần 20 năm cầm quyền, ông Erdogan gần như đã Hồi giáo hóa Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu chính sách leo thang ảnh hưởng.

Erdogan không hề giấu giếm ý định sẽ biến miền Bắc Syria (khu vực giữa tỉnh Aleppo và Latakia) trở thành tỉnh thứ 82 của Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó mở rộng khu vực lãnh thổ sinh sống cho cộng đồng người Turkmen để phục vụ mục tiêu lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Vì thế, thay vì tiêu diệt các phần tử khủng bố IS, Ankara lại lùng sục lực lượng người Kurd ở Syria để tiêu diệt.

Sự ủng hộ, dung túng IS của Thổ Nhĩ Kỳ, theo Il Giornale, là để kiếm lợi từ việc buôn bán dầu với IS. Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu do IS khai thác từ các khu vực chiếm đóng được ở Syria với giá rất rẻ mạt, chỉ từ 15-20 USD/thùng, sau đó bán ra thị trường quốc tế với giá đắt gấp nhiều lần.

Những hành động sai trái này của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cản trở bởi trục Hồi giáo Shitte và đặc biệt là chiến dịch không kích IS của Nga.

Từ phân tích trên, Il Giornale cho rằng giới chức Ankara đang cố gắng kiếm cớ để khơi mào cuộc chiến và kéo NATO tham gia vào cuộc chiến này vì mục đích chính của Thổ Nhĩ Kỳ là lật đổ ông Bashar al-Assad.

Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng NATO để đạt mục đích riêng

Nhà phân tích kiêm nhà báo tự do Cộng hòa Séc Martin Berger cho rằng trong hàng thập kỷ qua Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng tư cách thành viên NATO của mình để đạt được các mục đích riêng.

Theo chuyên gia Martin Berger, hành động thù địch gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Nga đã tiếp tục làm gia tăng nghi ngờ giữa các thành viên NATO đối với các hành động và ý định của Ankara bởi điều này rõ ràng không tạo ra căng thẳng giữa quan hệ của 1 thành viên NATO với Nga mà là trên quy mô toàn khối.

Nhà phân tích cho rằng, để giải quyết được cuộc khủng hoảng nguy hiểm này, phương Tây nên hành động dứt khoát bằng các tìm ra "kẻ có tội" trong vụ tấn công máy bay ném bom của Nga.

"Rõ ràng, bên có lỗi ở đây là Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể là nhà lãnh đạo của nước này - Tổng thống Recep Tayyip Erdogan" - ông Martin Berger nói.

"Phó Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức, Chủ tịch Đảng dân chủ xã hội Đức SPD Sigmar Gabriel gần đây cũng đã lên tiếng chỉ trích thẳng thắn Thổ Nhĩ Kỳ sau khi quân đội này bắn rơi máy bay quân sự của Nga, đồng thời, cho Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác không thể dự đoán được" - Martin Berger.

Chuyên gia người Mỹ Patrick J. Buchanan cũng cho rằng vụ việc bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 là hành động "gây hấn và có ý đồ xấu" của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời có thể khiến Mỹ bị đẩy vào một "cuộc đối đấu trực tiếp" với Nga.

Ông Buchanan tin rằng việc máy bay xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là cái cớ bên ngoài để che giấu những toan tính địa chính trị.

Theo chuyên gia người Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan không hài lòng với việc "ông Putin bảo vệ chính quyền của Tổng thống Syria Assad, người mà ông này không có quan hệ thân thiện, cũng như các cuộc không kích của Nga nhằm vào các nhóm nổi dậy người Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria mong muốn lật đổ Assad".

Cũng chính những binh lính nổi dậy người Thổ Nhĩ Kỳ đã nổ súng bắn vào các phi công Su-24 khi họ vừa nhảy dù thoát thân, khiến một trong hai người thiệt mạng.

"Hiện tại, Tổng thống Putin ủng hộ cuộc không kích của Mỹ và Pháp nhằm vào IS. Nhưng nếu Mỹ tiếp tục hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền của ông Assad, chúng ta có thể sẽ đối đầu trực tiếp với Nga trong khi các đồng minh NATO thì không sẵn sàng đứng ra hỗ trợ", ông Buchanan nói.