Putin and children
Đối với nhiều người Mỹ, sự nổi tiếng của Tổng thống Vladimir Putin là một điều bí ẩn bởi nước Nga chỉ có ấn tượng với họ từ thời Chiến tranh Lạnh.

Tạp chí Stratfor của Mỹ mới đây đã tìm cách lý giải về "hiện tượng Putin" trong lòng nước Nga.

Đó không chỉ là việc nhà lãnh đạo này đã tìm được cách kéo đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng suy thoái kéo dài suốt 2 năm do kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt và giá dầu thấp mà còn bởi việc ông đã mang lại sự ổn định kinh tế cho người dân Nga từ những năm 90.

"Nếu xét rằng đất nước hầu như mới ra khỏi cuộc suy thoái kéo dài hai năm do sự kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt và giá dầu thấp, người ta tưởng rằng sự ủng hộ dành cho Tổng thống Putin sẽ suy giảm. Nhưng không. Chỉ số đánh giá uy tín của ông Putin vẫn còn cực kỳ cao, tùy theo các thăm dò dư luận và ngày tháng, nhưng thường vượt quá 80%. Tại sao lại như vậy" - tờ báo viết.

Theo tạp chí này, sự ấn tượng của ông Putin phải kể đến tình hình những năm 90, khi đất nước Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Tổng thống Putin khi đó đã giúp tình hình kinh tế ổn định trở lại, mang lại cho đất nước Nga "ánh sáng hưng thịnh dân chủ" và trong suốt 14 năm, thu nhập thực tế của người Nga đã tăng gấp 7 lần.

Tới nay, với sự kiện sáp nhập Crimea, người dân Nga đã lại có cơ hội để mơ về vị trí siêu cường như trước đây.

"Đó là lý do tại sao, khi ông Putin sáp nhập Crimea, đa số người Nga rất vui mừng" - tạp chí Mỹ bình luận.

Tờ tạp chí Mỹ cho rằng, hình ảnh ông Putin và nước Nga đã bị truyền thông bóp méo, mang động cơ xấu và điều đó buộc họ phản kháng. Nếu không, nước Nga và Tổng thống Putin sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề trên thế giới.

"Cùng với các nước khác, Nga có thể giải quyết rất nhiều vấn đề, cho dù đó là môi trường, cuộc chiến chống khủng bố, hoặc nền kinh tế toàn cầu. Nhưng bi kịch của tình hình là chúng ta đang ở dưới một đống động cơ mơ hồ, truyền thông xấu và những cơ hội bị bỏ lỡ" - Stratfor viết.

Trên thực tế, không chỉ người dân Nga mà những người dân trên thế giới và cả người Mỹ cũng yêu mến Tổng thống Putin.

Mới năm ngoái, nhân ngày sinh nhật của Tổng thống Nga, một tấm băng-rôn lớn in ảnh ông và dòng chữ "Sứ giả hòa bình" (Peace Maker) được treo trên cây cầu nối Mahattan và Brooklyn vào khoảng 13h45 ngày 6/10/2016.


Người dân nhanh tay chụp được bức ảnh tấm chân dung ông Putin và lời ca ngợi này, đăng tải trên mạng xã hội và thu hút sự chú ý của đông đảo người dân. Nhiều người bình luận: "Chúc mừng sinh nhật, ngài Putin".

Hồi tháng 11/2015, ông Putin cũng được tạp chí uy tín nhất thế giới Forbes của Mỹ bình chọn là "Người quyền lực nhất thế giới" 3 năm liên tiếp.

Forbes đã lựa chọn trong hàng trăm ứng cử viên cho 73 nhân vật quyền lực nhất theo 4 tiêu chí khác nhau bao gồm, mức độ ảnh hưởng lên người dân toàn cầu, nguồn lực tài chính mà những người này sở hữu, những nhân vật này có sức ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực hay không và họ có sử dụng quyền lực của mình một cách chủ động hay không.

Forbes cho biết, họ lựa chọn ông Putin là nhân vật của năm bởi ông "vẫn tiếp tục chứng tỏ ông là một trong số rất ít những người đàn ông trên toàn cầu đủ quyền lực để làm những điều mà ông muốn mà không gặp trở ngại gì".

"Những người trong danh sách sử dụng thứ quyền lực có thể định hình hoặc bẻ cong thế giới, tác động đến con người, thị trường, quân đội và tư duy", Forbes cho hay.

Forbes đánh giá nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin "không thể tiên đoán" và "không bị ràng buộc bởi dư luận thế giới trong việc theo đuổi những mục đích riêng".

Thậm chí, CNN dẫn số liệu từ Levada Center (một công ty Nga thăm dò độc lập) cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Putin vẫn giữ ở mức cao từ 85% đến 90%.

Tỷ lệ dư luận ủng hộ lên tới 90% là một kỷ lục từ trước đến nay không có chính khách nào đạt được, kể cả bà Angela Merkel - người nhiều năm được bình chọn là người đàn bà quyền lực nhất thế giới.

Việc bình chọn Tổng thống Putin là người quyền lực nhất thế giới cũng được các nhà báo của Tạp chí Forbes cân nhắc đến hoạt động không kích của Nga vào các mục tiêu của Tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" IS ở Syria, chỉ ra sự yếu kém của Mỹ và NATO trong khu vực, đồng thời ghi nhận những ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga, dưới sự lãnh đạo của ông Putin ở nước ngoài.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng khen ngợi Tổng thống Putin và vai trò của Nga trong việc mang lại thành công cho đàm phán hạt nhân với Iran, dù Nga bị xem là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Mỹ.