ice age
Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn TS Ngô Quang Toàn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ Biển (IARMST), thành viên Tổng hội Địa chất Việt Nam để làm rõ hơn về vấn đề này.

Những dấu hiệu của biển thoái

- Trong những năm gần đây, thời tiết Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung có những hiện tượng bất thường. Cụ thể mùa hè và mùa đông đều có phần khắc nghiệt hơn. Những dấu hiệu này nói lên điều gì?

Trong mấy năm nay, khi đo đạc, phân tích, người ta thấy có hiện tượng khí hậu nóng lên. Nhưng người ta cũng thấy những hiện tượng khác trong tự nhiên như hiện tượng diện tích băng ở Nam Cực tăng lên. Một điều mà các nhà khoa học trên thế giới rất quan tâm đó là hiện tượng tuyết rơi ở Mỹ, ở châu Âu, ở Nhật Bản hết đợt này đến đợt khác, có nơi dày đến 5m, điều mà trước đó rất ít khi xảy ra với lượng tuyết nhiều như vậy.

Đặc biệt hơn, vùng sa mạc Sahara của châu Phi gần với xích đạo cũng xuất hiện tuyết rơi, hoặc cả vùng Ả-rập-Xê-út cũng có tuyết rơi. Tuyết rơi ở hai vùng này thì rõ ràng là hiện tượng bất thường.

Ở Việt Nam, hiện tượng tuyết rơi ở một số địa phương trong những năm gần đây cũng rất đáng chú ý. Trước đây thì chỉ có tuyết rơi ở Sa Pa (Lào Cai) thôi, nhưng mùa đông gần đây còn xuất hiện tuyết rơi ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An.

Những dấu hiệu trên của thời tiết rõ ràng là bất thường khi xét trong một khoảng thời gian ngắn như vài chục năm hay vài năm, nhưng nếu nhìn rộng hơn mang tính lịch đại thì sẽ giải thích được thôi, nó là những chỉ dấu cho thấy thời tiết, khí hậu đang có sự thay đổi. Cụ thể là thời kì biển thoái đã bắt đầu.

- Ông có thể nói rõ hơn về quá trình biển thoái?

Cách đây 18.000 năm, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng thế giới của chúng ta đã trải qua một kỷ băng hà, gọi là kỷ băng hà Wurm 2. Khi đó băng ở hai cực của Trái đất tăng lên và mực nước biển rút thấp xuống.

Tuy nhiên, cách đây từ 5.000 - 4.500 năm thì Trái đất trải qua một thời kì biển tiến, lúc này mực nước biển dâng lên. Thời kì biển tiến này gọi là thời kì biển tiến Frandrian.

Vết tích của thời kì này còn lưu lại ở Việt Nam là ngấn nước biển dương 4,5 m ở vùng biển Hạ Long (Quảng Ninh), Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), Kiên Lương (Kiên Giang). Những con sò điệp nằm ở các khe đá của ngấn nước ấy, khi đem mẫu đi phân tích về mặt thời gian thì nó ứng với khoảng từ 5.000 - 4.500 năm.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là sau thời kì băng hà cách đây 18.000 năm và thời kì biển tiến cách đây 5.000 - 4.500 năm, bây giờ chúng ta ở thời kì nào? Những số liệu thu thập, phân tích và nghiên cứu của các nhà khoa học đều cho thấy Trái đất hiện nay đang ở thời kì biển thoái.

Nhưng biển thoái không phải là đi theo đường thẳng mà nó đi theo đường hình sin, nghĩa là có thời điểm thì lùi, nhưng cũng có thời điểm thì tiến. Hãy hình dung ra một cách đơn giản cho dễ hiểu như thế này: Chúng ta đang điều khiển xe máy đi xuống dốc, thỉnh thoảng ta vẫn gặp phải những ổ voi, ổ gà, ụ đất. Thì những ổ voi, ổ gà, ụ đất này chính là lúc khí hậu có lúc nóng lên.

Trong thời gian vừa qua, có lúc khí hậu Trái đất có nóng lên. Nhưng đó chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, nó không phải là xu hướng. Nó cũng như là khi ta đi đường xuống dốc mà gặp phải ổ gà, ổ voi như đã nói ở trên. Còn xu thế chung vẫn là biển thoái dần.

Bắt đầu thời kì lạnh giá mới của Trái đất

- Như ông đã phân tích ở trên thì xu thế biển thoái đang là xu thế chủ đạo hiện nay. Điều này ảnh hưởng thế nào đến nhiệt độ Trái đất?

Nhiệt độ trên Trái đất sẽ lạnh dần đi chứ không có chuyện nóng lên. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới bây giờ họ không còn tin vào kịch bản khí hậu toàn cầu đang nóng dần lên nữa. Họ nói thẳng đó là lừa đảo.

Họ nói những câu chuyện như "hiệu ứng nhà kính", khí hậu Trái đất đang nóng dần lên, băng đang tan chảy, nước biển đang dâng cao... là những kịch bản lừa đảo vĩ đại của loài người cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21.

Ở đây, một quan điểm rất đáng lưu ý là công trình nghiên cứu của một nhà khoa học người Nga tên là Valentina Zharkova. Vị giáo sư người Nga này đã cảnh báo: Từ năm 2014, Trái đất sẽ bước vào một thời kì băng giá mới. Điều đó có nghĩa là Trái đất sẽ lạnh dần đi, tương ứng với thời kì biển thoái. Chuẩn bị một thời kì băng hà mới.

Giáo sư Zharkova đưa ra dự đoán dựa trên nghiên cứu về thiên văn học, đó là mô hình hoạt động dựa trên hiệu ứng dynamo trong hai lớp của một ngôi sao này, một lớp nằm ở gần bề mặt và lớp còn lại nằm ở sâu bên trong vùng đối lưu. Theo đó, mức độ hoạt động của Mặt Trời sẽ giảm 60% trong những năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc nhiệt độ Trái đất sẽ lạnh dần chứ không phải là nóng lên.

Dự báo về biến đổi khí hậu: Phải dựa trên căn cứ khoa học

- Ông nhận xét thế nào về ý kiến của một số nhà khoa học Việt Nam cho rẳng ở nước ta nhiệt độ cũng đang tăng dần lên?

Lâu nay kịch bản dự báo do bên Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương (KTTVTƯ) nghiên cứu đưa ra thực chất là họ chỉ nghiên cứu ở một quãng thời gian rất ngắn. Các chuyên gia của Trung tâm KTTVTƯ nói nhiều đến các hiện tượng bất thường như bỗng nhiên khí hậu nóng lên, rồi hiệu ứng nhà kính do nhà máy, khí thải, chất đốt khiến nhiệt độ tăng lên... điều này cũng chưa phả ánh đúng bản chất của bức tranh toàn cảnh.

Bởi thiếu sự đánh giá toàn diện mang tính lịch đại nên từ những hiện tượng này mới nảy sinh ra những kịch bản được đưa ra như là nước biển dâng lên sẽ ngập đồng bằng ven biển, ngập ở mức là 1 - 3m. Thậm chí còn dự đoán nếu nước biển dâng 5m thì Hà Nội sẽ bị ngập trong bao nhiêu năm...

Theo tôi, những dự đoán đó là do một số chuyên gia ở trung tâm KTTVTƯ tưởng tượng ra thôi. Còn xu thế chung của nhiệt độ Trái đất và của Việt Nam vẫn là biển thoái, nhiệt độ hạ dần đi.

Vấn đề trên đặt ra cho các nhà khoa học là phải nhìn nhận câu chuyện biến đổi khí hậu như thế nào? Các nhà khoa học cần phải nghiên cứu cặn kẽ và nhận thức được rằng biến đổi khí hậu ở Việt Nam là một quá trình lịch sử, phải xem từ lúc 18.000 năm thì thế nào, 10.000 năm ra sao, rồi cách đây 5.000 - 2.000 năm thì như thế nào. Trên cơ sở đó thì mới đối chứng, so sánh với hiện nay ra sao, và dự báo xu thế biển lấn sâu vào nội địa như thế nào, lấn đến đâu...

Những vấn đề này thuộc trách nhiệm của nhà khoa học. Các nhà khoa học phải làm rõ, phải dựa trên những chứng cứ khoa học cụ thể và sát thực chứ không thể lơ mơ để tưởng tượng ra những kịch bản chung chung như đã nói trên được.

- Là người từng có nhiều năm nghiên cứu về địa chất và về biển, xin ông cho biết các thời kì biển thoái và biển tiến ở Việt Nam đã diễn ra thế nào trong lịch sử?

Các khảo sát địa chất và các nghiên cứu khoa học đều cho thấy, cách đây 4.500 năm, Hà Nội lúc đó là vũng, vịnh. Nền đất Hà Nội ở các vùng như Thành Công, Giảng Võ... đều là các vùng ngập nước sâu. Bởi vì khi khảo sát trong đất và lấy mẫu phân tích thì các nhà khoa học nhận thấy đất ở đây có muối, với độ mặn là 7/1.000. Các loại trùng thoi sống trong vùng đất này trước đây rất nhiều.

Các nhà khoa học đã chứng minh được nền đất Hà Nội mà chúng ta đang ở hiện nay có những trầm tích liên quan đến thời kì biển tiến Frandrian, cách nay khoảng từ 5.000 - 4.500 năm.

Sau thời kì biển tiến Frandrian, thì lại đến thời kì biển thoái, tức là biển lùi ra xa. Nhưng ngay sau đó, cách đây khoảng 2.000 năm thì lại có hiện tượng biển lấn vào. Dấu vết ranh giới tự nhiên của thời kì này còn để lại là vị trí sông Luộc mà phía Bắc là Hưng Yên còn bên kia là tỉnh Thái Bình. Nhưng thời kì biển tiến này kéo dài chỉ khoảng 1.000 năm, sau đó biển lại rút ra. Và hiện nay vẫn đang là xu thế biển thoái.

Như vậy, từ những dấu vết và phân tích khoa học cho thấy xu thế biển sẽ lùi ra xa chứ không phải là biển sẽ lấn vào. Nên những kịch bản cho rằng biển sẽ ngập vào đến Hà Nội chỉ là những kịch bản ảo tưởng. Do đó mà khi nghiên cứu cần phải nhìn xa hơn một chút.

Xói lở ở Đồng bằng sông Cửu Long: Không nên quá lo lắng

- Có ý kiến cho rằng hiện nay do nước biển dâng cao nên đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Quan điểm của ông về ý kiến này?

Tôi cho rằng phải nhìn vào tổng thể chứ không thể chỉ nhìn vào vài hiện tượng đang xảy ra để nói chung chung được. Theo tôi chuyện bồi - lở ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là chuyện bình thường, nó không hề liên quan đến câu chuyện biển tiến.

Chỗ này xói lở thì chỗ kia bồi tụ, đó là chuyện bình thường. Ví dụ như Đồng bằng Bắc Bộ, vị trí ở cửa Ba Lạt, diện tích bồi tụ do phù sa từ đất liền theo sông Hồng, sông Đáy chảy ra rất lớn. Diện tích bồi tụ này còn lớn gấp nhiều lần so với diện tích nhỏ của một vùng đất bị xói lở ở Hải Hậu (Nam Định).

Tương tự như vậy, ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang diễn ra quá trình xói lở - bồi tụ như thế thôi. Thực tế thì ở đoạn sông Tiền, sông Hậu đất phù sa bồi tụ lên rất nhiều, gấp mấy lần chỗ diện tích xói lở ở Kiên Giang, Cà Mau.

Nên cần phải nhìn tổng thể, chứ không thể chỉ nói là chỗ kia xói lở là do biển xâm thực được. Có chỗ này, chỗ kia xói lở, nhưng mà xói lở chỗ này thì chỗ kia lại bồi tụ. Mà diện tích bồi tụ thậm chí còn lớn hơn rất nhiều lần diện tích bị xói lở.

Khi đã nhận thức được đúng đắn vấn đề như vậy thì ta mới có thể đề ra được chiến lược phát triển kinh tế vùng sao cho phù hợp. Đơn cử như trường hợp có những diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long được cho là bị ngập do nước biển dâng, thì cũng phải tính xem là bao nhiêu ha lúa bị ngập. Nếu không trồng được lúa thì nên chuyển qua nuôi trồng thủy hải sản, đó cũng là một cách chuyển đổi kinh tế phù hợp và hiệu quả.