Vietnam EU FTA
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã được ký kết chính thức tại Brussels, Bỉ vào 21h tối nay (theo giờ Hà Nội) với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do VIệt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết vào khoảng 15h15 theo giờ Brussels, tức 21h theo giờ Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây được coi là hiệp định thế hệ mới, tạo ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Việt Nam và 28 quốc gia thuộc liên minh châu Âu, có ý nghĩa lớn với thương mại, đầu tư bởi nền kinh tế của 2 bên có tính bổ sung cao, ít cạnh tranh trực tiếp.

Bắt đầu khởi động từ tháng 6/2012, EVFTA đã trải qua 14 vòng đàm phán, kéo dài suốt từ tháng 10/2012 đến tháng 8/2015. Ngày 4/8, hai bên đã tuyên bố kết thúc cơ bản việc đàm phán các nội dung của hiệp định.

Sau gần 4 tháng giải quyết nốt các vấn đề về kỹ thuật và hoàn thiện văn bản hiệp định, ngày 2/12, hai bên đã chính thức ký kết hiệp định theo đúng trình tự dự kiến. Sau khi ký kết, EVFTA sẽ còn phải trải qua bước phê chuẩn tại Quốc hội, trước khi chính thức được áp dụng. Dự kiến, Hiệp định có hiệu lực từ đầu năm 2018.

Theo nội dung đã đạt được trong các vòng đàm phán, việc ký kết EVFTA sẽ giúp loại bỏ hơn 99% dòng thuế xuất khẩu từ Việt Nam sang EU và ngược lại, trong thời hạn từ 7 đến 10 năm. Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản sang một trong những khu vực kinh tế phát triển và có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới.

Ngoài việc giúp hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường 500 triệu dân của EU, FTA cũng sẽ tạo ra lợi thế về đầu tư của EU. Tác động lớn nhất phải kể đến là các doanh nghiệp đầu tư vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, một mắt xích được coi là rất yếu kém của sản xuất công nghiệp Việt Nam sẽ có được lợi thế lớn khi đầu tư sau FTA.

EVFTA là hiệp định đầu tiên EU đạt được với một quốc gia đang phát triển, được đánh giá là tạo nền tảng mới so với những hiệp định khác với các nước đang phát triển. Với EVFTA, hai nước đã đạt được sự tự do hóa và cân bằng, cùng một giai đoạn chuyển đổi để Việt Nam có thể thích nghi.

FTA này tạo cơ hội tiếp cận thị trường mới trong lĩnh vực dịch vụ đầu tư mà cụ thể là việc Việt Nam đồng ý tự do hóa thương mại trong dịch vụ tài chính, viễn thông, giao thông, bưu chính, chuyển phát nhanh.

Ngoài xóa thuế quan, Việt Nam cũng sẽ gỡ hầu hết các loại thuế xuất khẩu. Việt Nam cũng sẽ mở cửa thị trường cho EU, thông qua dỡ bỏ hoặc hạ bớt những hạn chế trong sản xuất thực phẩm, đồ uống và phi thực phẩm. Việc bảo vệ các chỉ dẫn địa lý đại diện cho những sản phẩm nông sản hàng đầu cũng được tăng cường tại EVFTA.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định, chỉ tính về thương mại, EVFTA ký kết chính thức sẽ giúp tăng 4-6% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam vào EU (chưa tính phần tăng thêm hàng năm) so với không ký kết.

Trong khi đó, giới chuyên gia trong nước đánh giá, cùng với những FTA khác mà Việt Nam tham gia trong thời gian vừa qua, EVFTA được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội đối với một số ngành như dệt may, đồ gỗ. Tuy nhiên, cùng với cơ hội, thách thức của FTA này cũng không nhỏ.