traffic toll point vietnam
Chưa bao giờ, chủ đề trạm thu phí giao thông BOT lại làm "nóng" báo chí, dư luận xã hội đến vậy! Để tiếng nói phản biện của báo chí, dư luận xã hội, các chuyên gia được nhìn nhận đúng mực, rất cần sự minh bạch rõ ràng. Xin đừng để việc người người lên tiếng còn các trạm BOT cứ bình chân thu phí bất hợp lý!

Suốt một tháng qua, có đến hàng trăm bài báo lên tiếng về chủ đề này. Bức xúc, giật mình, mong muốn sự thay đổi, mong chờ sự minh bạch - công khai tại các dự án BOT đường bộ đang là đòi hỏi chung của báo chí cũng như cộng đồng xã hội.

Rất thẳng thắn và mạnh mẽ, trong một bài viết của mình, Báo Tuổi trẻ viết: Xin được nói thẳng với Bộ trưởng! Đã 17 ngày trôi qua và bây giờ chỉ có thể nói thẳng với ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Phải bỏ ngay trạm thu phí Cai Lậy trên quốc lộ 1 và truy cứu trách nhiệm những người liên quan. Hãy chấp nhận sửa sai, chứ không thể đối phó dư luận và bảo vệ điều phi lý. "Một chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động". Những gì diễn ra ở trạm thu phí Cai Lậy rõ ràng đang đi ngược lại thông điệp này, thưa Bộ trưởng!

Trên báo điện tử VOV, tác giả Phi Long đặt tít: Những trạm thu phí BOT "ăn chặn" tiền dân. "Cai Lậy thất thủ" là từ khóa "hot" nhất trong những ngày qua, sau khi không thể vượt qua "cuộc chiến" tiền mệnh giá thấp của các lái xe khi qua trạm. Vì sao nó lại "nóng" như vậy? Câu trả lời đơn giản là người dân phản ứng là vị trí đặt trạm thu phí này sai, có vấn đề. Làm đường tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) nhưng lại đặt trạm thu phí trên QL1 để thu phí...

Theo Bộ GTVT cả nước hiện có 77 trạm thu phí đường bộ. Trong đó trên tuyến QL1 có 26 trạm thu phí BOT, nhiều dự án BOT tiến hành bằng cách làm đường mới, tránh các đô thị nhưng vẫn gộp lại để thu trên QL1A.

Điển hình dự án BOT tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) đang bị người dân phản đối nhiều ngày qua. Tiếp đến là các dự án: BOT tuyến tránh Phủ Lý (Hà Nam) "tráng men" lại mặt đường QL1A và đặt trạm thu phí trên QL1A tại Đồng Văn (Hà Nam); dự án BOT tuyến tránh TP. Thanh Hoá thu tại trạm thu phí Tào Xuyên trên QL1A (hiện mới tạm dừng do hoàn vốn quá nhanh). Dự án BOT tuyến tránh TP. Vinh đặt trạm thu phí tại cầu Bến Thủy, BOT Cầu Rác trên QL1A để thu phí cho tuyến tránh TP. Hà Tĩnh... Dự án BOT QL1A đoạn Bắc Giang- Lạng Sơn (bao gồm nâng cấp QL1A và làm tuyến cao tốc mới) đang triển khai, khi hoàn thành cũng sẽ thu phí cả hai tuyến.

Là người phản đối mạnh mẽ nhất việc lập trạm thu phí BOT trên tuyến đường độc đạo QL1, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, bản thân ông kiến nghị nhiều lần lên Bộ GTVT: đối với các tuyến đường khác không nói, nhưng QL1A độc đạo từ Bắc đến Nam, đường Hồ Chí Minh tuy chạy song song nhưng phía ở miền Tây, quá xa đồng bằng (chưa kể nhiều đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thì không thể BOT được.

"Tôi đã nói với lãnh đạo Bộ GTVT không nên làm BOT trên QL1A vì đây là đường độc đạo. Họ giải thích rằng, QL1A xuống cấp, cần cấp bách để nâng cấp, không có BOT sẽ không làm được vì ngân sách hạn hẹp. Có thể tạm chấp nhận cách giải thích đó nhưng sau đó, có rất nhiều dự án chưa thực sự cấp bách nhưng vẫn làm trên đường độc đạo hoặc làm đường mới nhưng thu phí luôn cả đường cũ là khó chấp nhận", ông Thanh nói" - bài báo nêu ra thực trạng nhức nhối.

Báo Điện tử Vietnamnet thì có bài "Chi tiết bản hợp đồng BOT trạm thu phí Cai Lậy". Theo đó, tiết lộ nhiều thông tin liên quan đến hợp đồng "xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) này đã thay đổi nhiều so với hợp đồng đã ký. Trong tổng số gần 1.400 tỷ đồng, nhà đầu tư chỉ có hơn 200 tỷ vốn chủ sở hữu (chiếm 15% tổng mức đầu tư), còn lại gần 1.200 tỷ là đi vay. Đáng chú ý, lãi suất tạm tính trong hợp đồng này lên tới 11%/năm.

Theo hợp đồng, dự án phải hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành khai thác "chậm nhất trong tháng 12 năm 2015", trong đó cũng nêu rõ điều khoản được điều chỉnh thời gian.

Thời gian thu phí là 6 năm 4 tháng và 29 ngày, bắt đầu từ ngày công trình được quyền thu phí.

Thực tế, đến 1/8/2017, trạm mới bắt đầu thu phí, thu được vài ngày đã bị người dân phản đối.

"Vụ BOT Cai Lậy: "Đừng xem dân là con nít!" - nhà báo Công Quang, Báo Dân trí đã không giấu nổi bức xúc khi viết như vậy. " Ở đây không có vấn đề nhún nhường giữa Bộ và người dân (tài xế), mà phải làm theo luật. Đâu thể nào nhập nhằng bảo trì đường bộ với đầu tư BOT. Hai cái này khác nhau. Anh cứ làm đúng luật đi. Thuế, BOT, có nghị định BOT. Người dân hưởng dịch vụ thì có trách nhiệm trả thuế...

Mời ông Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ GTVT coi lại luật thuế, phí và lệ phí. Đề nghị các ông làm theo luật. Người dân không phải là con nít, không phải là mẫu giáo. Quan điểm của tôi là đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phải xin lỗi" - tác gải dẫn lời TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông trước phản hồi của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong vụ "lùm xùm" xảy ra tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang những ngày qua.

"BOT là mảnh đất màu mỡ của quan hệ thân hữu" - tờ Zing chỉ rõ. Zing dẫn lời ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright: Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng BOT từ Bến Thuỷ (Nghệ An) đến Cai Lậy (Tiền Giang) là sự bức xúc với tình trạng tràn lan của quan hệ thân hữu, thiếu minh bạch đang diễn ra.

Nếu vấn đề này không được xử lý khéo léo thì rất có thể tình thế tiến thoái lưỡng nan là xả trạm với nhiều hệ lụy...

Như vậy, có thể thấy, "cơn sốt" BOT trên báo chí chưa có điểm dừng. Có lẽ, nó chưa thể dừng lại khi những bất ổn, bất cập trong câu chuyện BOT thu phí chưa được làm rõ.