Russian grain harvester
Các tuyến vận tải trên bộ, các cảng trên Biển Đen đang ngập tràn ngũ cốc Nga do vụ mùa bội thu trong năm nay. Nhiều cảng và đường sắt bắt đầu khó khăn vì thiếu kho hàng và toa xe để bắt đầu các chuyến vận tải.

Bloomberg thông tin, tình trạng quá tải đang diễn ra trên các cảng ở Biển Đen.

Tờ báo Anh dẫn lời ông Maxim Physik, Giám đốc công ty "Petrokhleb-Kuban" chuyên thu mua và vận chuyển ngũ cốc cho biết, xe tải phải chờ 3 hoặc 4 ngày để dỡ lương thực vào thang máy vận chuyển tại cảng.

Ông Physik cho biết thêm, điều này thực tế đều diễn ra hàng năm vào thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, tình trạng "nghẹt thở" của các cảng về khối lượng khổng lồ các sản phẩm nông nghiệp sẽ kéo dài hơn.

Số liệu của Trung tâm phân tích "SovEcon" cho thấy, trong vụ mùa năm nay, Nga dự kiến sẽ giành lại danh hiệu nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, có khả năng sẽ xuất khẩu 44 triệu tấn ngũ cốc trong năm.

Thậm chí, cơ quan phân tích ProZerno còn cho rằng, khả năng Nga có thể cung ứng tới 53 triệu tấn ngũ cốc một năm. Năm nay con số này được dự đoán vào khoảng 48 triệu tấn.

Ngành Nông nghiệp Nga năm nay đã được đánh giá có triển vọng rất lớn và sẽ soán ngôi của Mỹ và EU trong xuất khẩu lúa mì.

Vụ lúa mì năm nay của Nga được đánh giá là vụ mùa bội thu nhất trong vòng 25 năm qua, và có thể đạt mức tăng trưởng lên tới 20% trong vòng một thập kỷ tới.

Tính 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu lương thực và thực phẩm đã đóng góp vào GDP của Nga tới 5,5%, cao nhất trong vòng 15 năm qua. Dù vẫn chưa thể so sánh với nguồn thu từ xuất khẩu dầu, nhưng xuất khẩu lương thực cũng đã kịp soán vị trí của ngành xuất khẩu vũ khí truyền thống của nước này.

Ông Arkady Zlochevsky, Chủ tịch liên minh ngũ cốc Nga, tuyên bố: "Với diện tích và khí hậu của nước Nga, số phận đã sắp đặt chúng ta phải trở thành một cường quốc xuất khẩu nông nghiệp".

Tình trạng nóng lên toàn cầu cũng đang trở thành một điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nông nghiệp Nga. Nó sẽ góp phần mở rộng đáng kể diện tích trồng trọt của nước này ở các vùng có khí hậu lạnh.

Những nông dân sản xuất nhỏ một thời gian dài bị người tiêu dùng và các nhà đầu tư Nga bỏ quên, nay mang lại hơi thở mới cho thị trường nông nghiệp Nga, tạo điều kiện giúp nước này tự nuôi sống người dân mà không cần trông chờ vào lương thực, thực phẩm nhập khẩu, thậm chí còn trở thành nhà xuất khẩu lớn của thế giới.

Ở thời điểm hiện tại, nước Nga đang vật lộn với suy thoái và năm nay các khả năng gỡ bỏ cấm vận là khó xảy ra hơn. Nhưng ngành nông nghiệp Nga lại bùng nổ.

Các quan chức Nga cho rằng điều này không xuất phát bởi các lệnh cấm vận hay việc mất giá của đồng rúp khiến hàng hóa trong nước cạnh tranh hơn so với hàng ngoại, mà còn là kết quả của nhiều yếu tố về chính sách mang tính cơ bản, dài hơi.

Năm 2012, Chính phủ Nga giới thiệu một chương trình trợ giá toàn diện để thúc đẩy các trang trại tư nhân trong đó bao gồm các khoản vay lãi suất thấp, giá phân bón được kiểm soát, hỗ trợ các nhà sản xuất công cụ, máy móc phục vụ nông nghiệp. Nhà nước cũng ưu tiên các nguồn lực tài chính và nguồn lực khác cho phát triển nông nghiệp.

Những biện pháp này rõ ràng đã phát huy tác dụng.

Ví dụ, cho đến gần đây, Nga vẫn còn là nhà nhập khẩu hàng đầu gà và thịt lợn từ Bắc Mỹ. Bây giờ nước này tự chủ nguồn thực phẩm từ gia cầm và năm 2015, lần đầu tiên trong lịch sử, trở thành nhà xuất khẩu thịt lợn của thế giới.

Alexander Tsigankov, một quan chức nông nghiệp thuộc chính quyền vùng Kaluga nói: "Nông dân đang trong thời điểm rất thuận lợi. Họ có thể nhận trợ cấp, trợ giá, vốn vay ưu đãi từ chính quyền các cấp, từ liên bang đến địa phương, và tình hình kinh tế hiện tại đang làm lợi cho họ".

Thậm chí, người từ thành phố đang quay về nông thôn bởi giờ đã có những công việc nông nghiệp được trả lương tốt và điều này giúp giảm căng thẳng thiếu nhân lực nông nghiệp thường trực ở Nga. Ở vùng chúng tôi, Kaluga, khu vực nông nghiệp tăng trưởng 17% trong vòng 2 năm qua".

Ông Tsigankov tỏ ra lạc quan về khả năng phương Tây có thể sớm gỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Nga và các loại hàng hóa của châu Âu - vốn có ưu thế hơn nhiều so với nông sản nội địa- sẽ lại tràn ngập thị trường Nga.

"Vậy thì sao?" - ông Tsigankov nói. "Nếu những loại hàng hóa đó quay lại, sẽ có một cuộc chiến về giá cả. Và nông dân của chúng tôi, những người tính chi phí bằng đồng rúp, sẽ thắng trong hầu hết các cuộc chiến chống lại hàng hóa tính bằng đồng euro.

Tất nhiên vẫn có thị trường thích hợp cho pho mát Pháp và thịt chế biến từ Ý. Nhưng chúng tôi đang trên con đường sản xuất gần như mọi thứ đáp ứng nhu cầu trong nước".