Vietnam Cuba
Cảm nhận trái ngược của chuyên gia Nga về Cuba

Trên trang web của Sputnik vừa có một bài viết của tác giả Piotr Tsvetov về vấn đề quan hệ giữa Việt Nam và Cuba; trong đó nói rằng, Việt Nam có thể giúp đỡ được cho Cuba. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết này và đưa thêm một số dẫn chứng thực tế của Việt Nam.

Tin tức về chuyến thăm Cuba từ ngày 8 đến 11/9 của đoàn đại biểu quân sự Việt Nam, đứng đầu là Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng Tướng Phan Văn Giang làm sống lại trong tâm trí của nhà quan sát phân tích của Sputnik là ông Piotr Tsvetov những hồi ức trong chuyến đi Cuba cách đây một tháng.

Ấn tượng của chuyến đi này đối với chuyên gia Piotr Tsvetov khá mâu thuẫn. Cảm nhận đầu tiên của ông là Cuba như một thiên đường để nghỉ ngơi thư giãn, với khí hậu ôn hòa, biển ấm trong lành, những bãi biển tuyệt vời được chăm sóc, bảo vệ sạch đẹp.

Tuy nhiên, đấy là khu nghỉ mát Varadero - thuộc tỉnh Matanzas - một trong những khu nghỉ mát lớn nhất Cuba và cả vùng Caribê. Nhưng thủ đô Havana làm cho ông nản lòng, bởi những ngôi nhà tồi tàn, vỉa hè nham nhở, những quầy hàng trống rỗng trong cửa hàng.

Tuy nhiên, ông cảm thấy ngạc nhiên vì thực sự là người dân Cuba không có vẻ gì là đau khổ với cảnh nghèo nàn. Khi hoàng hôn buông xuống, nhiệt độ trong ngày giảm đi, không khí trở nên mát mẻ, họ tụ tập trong quán cà phê và trên đường phố, cất vang lời ca, vui chơi giải trí.

Vị chuyên gia Nga tự hỏi không biết tâm trạng tươi vui như vậy đến từ đâu. Có lẽ đây là biểu hiện của sự lạc quan cách mạng vốn có trong những người Cộng sản, hoặc có thể là điểm đặc trưng của nhân dân Cuba.

Nhưng ông nghĩ rằng, cũng như bất cứ công dân của đất nước nào, chắc hẳn người Cuba cũng muốn sống tốt hơn và có thể sống tốt hơn; mà đồng thời, không vi phạm các nguyên tắc cách mạng; tương tự như những gì Việt Nam đã từng trải qua.

Hàng chục năm sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn duy trì nền kinh tế được quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp; khiến kinh tế trì trệ, hàng hóa trên kệ hàng trống rỗng, mọi nhu yếu phẩm của xã hội đều được thực hiện theo chính sách phân phối.

Sau đó, Hà Nội đã thực hiện chính sách "Đổi mới", được khởi xướng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần VI (năm 1986); chuyển sang xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Nhờ có quá trình cải cách của Đảng Cộng sản, Việt Nam phục hồi nền kinh tế một cách thần kỳ, đời sống xã hội ổn định; từ hình ảnh "những sạp hàng trống rỗng" chuyển sang cảnh tượng "những siêu thị hàng hóa phong phú" và một cuộc sống đủ đầy.

Việt Nam có thể giúp đỡ Cuba về kinh tế

Trong lĩnh vực kinh tế, người Việt Nam có thể giúp Cuba. Cuộc gặp gỡ gần đây của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Hermini Lopez Diaz với hàng loạt nhà lãnh đạo của Việt Nam đã thuyết phục ông rằng, điều này thực sự có thể xảy ra.

Theo chuyên gia Piotr Tsvetov, chính đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã đón tiếp Đại sứ Cuba, điều này chứng tỏ vị trí đặc biệt của quan hệ giữa Hà Nội với Habana, trong chiến lược quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Bằng con đường tương tự như Việt Nam, có tính đến đặc thù quốc gia, Cuba có thể thay đổi tình trạng hiện nay. Như Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang đã nói với Đại sứ Cuba: Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm từ quá trình 30 năm đổi mới của đất nước.

Việt Nam có thể giúp bằng các khoản đầu tư và đội ngũ chuyên gia trong việc phát triển các ngành kinh tế quốc dân của Cuba như ngành dầu khí, khách sạn. Cuba có trữ lượng dầu khí lớn, trong khi Việt Nam có kinh nghiệm trong việc khai thác năng lượng và Tập đoàn PetroVietnam đang đầu tư vào các dự án ở các nước khác.

Khách du lịch từ nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá cao chất lượng của những khách sạn được xây dựng ở Việt Nam, bao gồm cả hạng thường. Nếu các chuyên gia Việt Nam có thể hiện đại hóa ngành kinh tế Cuba, thì có lẽ dòng khách du lịch đến đảo Liberty sẽ gia tăng nhiều hơn nữa.

Đại sứ Cuba Hermini Lopez Diaz bày tỏ rằng Havana sẵn sàng tiếp đón các doanh nhân Việt Nam muốn hợp tác đầu tư và trong mối quan hệ đối với họ sẽ áp dụng chính sách thuận lợi cho công việc kinh doanh.

Trong chuyến thăm Cuba sắp tới của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Đại sứ Herminio López Diaz cho biết, 2 bên sẽ cập nhật nội dung bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Truyền thông Cuba để có thể ký kết chính thức.

Khóa họp lần thứ 35 của Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Cuba có kế hoạch tổ chức vào tháng 10 năm nay. Theo Phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng, mục đích chính của khóa họp này nhằm tăng cường việc thực hiện sáng kiến ​​hợp tác phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, y tế, xây dựng và nông nghiệp.

Chuyên gia Nga Piotr Tsvetov hy vọng rằng, sau khóa họp của Ủy ban liên chính phủ, Việt Nam sẽ tích cực giúp Cuba trong việc tìm kiếm những chân trời mới trong việc phát triển xã hội và kinh tế, cải thiện phúc lợi của nhân dân Cuba. Và mức độ quan hệ chính trị và quân sự cao giữa hai nước sẽ được bổ sung bằng đầu tư và hợp tác kinh tế.