saudi arabia S-400
© Sputnik News
Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mới ký kết hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga khiến Mỹ lo lắng, Ả rập Xê út lại tiếp khiến Mỹ "đứng ngồi không yên" khi có thể ký hợp đồng mua vũ khí của Nga...

Cho dù hợp đồng này chỉ có giá trị 3 tỷ USD, quá nhỏ so với hợp đồng hơn 100 tỷ USD mà Mỹ mới ký với Ả rập Xê út hồi tháng 5/2017.

Theo giới chức quân sự Mỹ, Mỹ đang rất quan ngại trước thông tin cho rằng Ả rập Xê út đã ký hợp đồng mua vũ khí của Nga có giá trị 3 tỷ USD, trong đó có các tổ hợp phòng không S-400 vì theo Mỹ, các hệ thống vũ khí này sẽ không đồng bộ với các hệ thống vũ khí mà Ả rập Xê út đã mua của Mỹ trước đó.

"Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của việc phải đảm bảo tính đồng nhất trong hệ thống vũ khí xuất xứ Mỹ khi mua bất cứ hệ thống vũ khí nào để đảm bảo sự hoạt động đồng bộ trong việc chống lại các mối đe dọa chung"- Cơ quan Báo chí Lầu Năm góc tuyên bố. Trong tuyên bố này cũng đồng thời nhấn mạnh rằng giữa Washington và El Riyadh có mối quan hệ "chặt chẽ, quan trọng" trong lĩnh vực hợp tác quân sự, cũng như trong thương mại vũ khí.

Được biết, hồi tháng 5/2017, trong chuyến công du đầu tiên của ông Donald Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ đến Ả rập Xê út, hai bên đã ký kết hợp đồng mua bán vũ khí có trị giá trên 100 tỷ USD. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có lý do để quan ngại về khả năng Ả rập Xê út mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Theo kết quả chuyến thăm Nga của Quốc vương Ả rập Xê út Salman Abdel-Aziz al Saud, hai bên đã ký hiệp định về việc Ả rập Xê út sẽ mua các hệ thống S-400 của Nga với giá trị hợp đồng đạt khoảng 2 tỷ USD. Tổng giá trị hợp đồng mua bán vũ khí giữa Nga với Ả rập Xê út trong khuôn khổ chuyến thăm này là gần 3 tỷ USD.

Ngoài S-400, El Riyadh còn muốn tự tiến hành sản xuất súng máy AK của Nga, mua các hệ thống hỏa lực hạng nặng TOS-1A, các tổ hợp chống tăng "Korrnet-EM" và các súng phóng lựu tự động AGS-30. Chi tiết của các hợp đồng này sẽ được xác định tại cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ Nga-Ả rập Xê út dự kiến được tổ chức cuối tháng 10/2017. Theo các thông tin khác nhau, Moscow sẽ yêu cầu trả trước 100% tiền hoặc trả trước phần lớn giá trị hợp đồng.

Vấn đề là ở chỗ Ả rập Xê út đã từng đề cập đến việc mua của Nga khá nhiều hệ thống phòng không hiện đại và xa hơn nữa là ký kết các hợp đồng mua bán vũ khí giá trị lớn. Tuy nhiên, các đề xuất của Ả rập Xê út không chỉ đơn thuần dừng lại ở ý nghĩa thương mại.

Đã có các thông tin cho rằngẢ rập Xê út đề nghị mua S-400 của Nga để đổi lấy việc Nga ngừng thực hiện hợp đồng bán S-300 cho Iran. Đối với Nga, đây là điều kiện chính trị không thể chấp nhận. Do đó, phía Nga muốn Ả rập Xê út phải thanh toán trước 100% tiền mua vũ khí hoặc thanh toán trước phần lớn hợp đồng để "tránh nảy sinh những điều ngoài ý muốn".

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng Ả rập Xê út cần phải đa dạng hóa nguồn mua vũ khí khi hiểu rằng Nga đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực Trung Đông. Việc dựa 100% vào nguồn vũ khí của Mỹ không phải là ý tưởng thực tế cho lắm.

Sự quan ngại của Mỹ đối với việc Ả rập Xê út mua vũ khí của Nga còn xuất phát từ thực tế rằng thị trường vũ khí Trung Đông mà trước đây Mỹ coi là "độc quyền" hiện đang ghi dấu ấn nhất định của Nga.

Xét về mặt thực lực, Quân đội Ả rập Xê út không thực sự hùng mạnh cho dù họ có nguồn tài chính dồi dào. Chính vì vậy, Ả rập Xê út sẽ vẫn cần chi nhiều tiền cho việc hiện đại hóa quân đội thời gian tới. Vấn đề ở chỗ khi mua vũ khí của Nga, Ả rập Xê út sẽ cần đến cả các chuyên gia của Nga để vận hành hệ thống vũ khí này. Ngoài ra, Ả rập Xê út cũng cần phải cử lực lượng của mình sang Nga để được huấn luyện tại các trung tâm quân sự của Nga. Khi đó, Nga có thể từng bước thâm nhập được vào hệ thống quân đội Ả rập Xê út, và khi đó vị thế của Mỹ sẽ thực sự bị đe dọa.

Về tổng thể, việc cải cách Quân đội Ả rập Xê út theo mô hình, hệ thống tổ chức và huấn luyện của Nga có thể khiến Mỹ ngày càng mất đi ảnh hưởng trong xây dựng, hiện đại hóa quân đội Ả rập Xê út. Đây là điều nguy hiểm hơn nhiều so với các hợp đồng cung cấp vũ khí giữa Nga với Ả rập Xê út.