Girl social media personal information cyberbullying
Vào lúc 9:24 đêm thứ Tư ngày 18.12.2013, tại Paris, Judith Duportail đã viết "Xin chào!" gửi đến người bạn đầu tiên cô hẹn hò qua Tinder. Kể từ ngày đó đến nay, cô đã sử dụng ứng dụng hẹn hò này 920 lần và đã làm quen được với 870 người. Đến giờ Judith chỉ nhớ rõ một vài người từng trở thành người yêu của cô, có người làm bạn bè. Còn tất cả những người khác hẹn hò qua Tinder, Judith đều đã quên hết. Nhưng Tinder thì không quên bất cứ thông tin gì về Judith.

Tinder có lưu giữ 800 trang thông tin về Judith và có lẽ về những người khác nữa nếu họ cũng nằm trong số 50 triệu người sử dụng ứng dụng hẹn hò này. Vào tháng 3, Judith đã yêu cầu Tinder cấp cho cô quyền truy cập vào thông tin cá nhân của mình. Mỗi một công dân châu Âu đều được phép làm thế theo luật bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu, nhưng hầu như không có ai yêu cầu Tinder cho xem thông tin của mình, theo Tinder.

Với sự giúp đỡ của nhà hoạt động vì quyền riêng tư Paul-Olivier Dehaye thuộc personaldata.io và luật sư về nhân quyền Ravi Naik, Judith đã gửi email cho Tinder yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân của mình. Judith đã nhận được khoảng 800 trang chứa đựng những thông tin từ trước nay cô vô tình đăng trên Tinder như những cái "like" trên Facebook, đường link dẫn đến hình ảnh của cô trên Instagram, trình độ học vấn của cô, độ tuổi những người đàn ông mà cô có hứng thú, hay cô có bao nhiêu bạn bè trên Facebook, khi nào và ở đâu thì cô lên mạng chát với từng người trên Tinder... Lượng thông tin khổng lồ về mình được lưu trữ trên Tinder khiến cho Judith choáng váng.

"Dù rằng không bất ngờ chút nào về lượng thông tin này, nhưng tôi vẫn cảm thấy kinh khủng. Mỗi ứng dụng bạn sử dụng thường xuyên trên thiết bị di động đều sở hữu cùng loại thông tin trên đó. Facebook có hàng ngàn trang như thế về bạn!", Olivier Keyes, nhà khoa học dữ liệu tại Đại học Washington, nhận định.

Khi lướt qua từng trang thông tin của mình, Judith cảm thấy khó chịu vô cùng. Cô rất kinh ngạc khi thấy lượng thông tin mà mình "tự nguyện" tiết lộ: từ địa điểm, vị trí, sở thích, công việc cho đến hình ảnh, sở thích âm nhạc, sở thích ăn uống... Nhưng cô nhanh chóng nhận ra cô không phải là người duy nhất "thả lòng" trên Tinder. Một cuộc nghiên cứu tháng 7.2017 cho thấy người sử dụng Tinder "hào phóng" quá mức trong việc tiết lộ thông tin mà bản thân lại không nhận ra. "Bạn bị chiêu dụ cho đi tất cả những thông tin này", Luke Stark, một nhà xã hội học về công nghệ số thuộc Đại học Dartmouth, nhận định.

Đọc lại 1.700 tin nhắn trên Tinder mà mình đã gửi kể từ năm 2013, Judith đã nhìn thấy được nỗi khát khao, niềm hy vọng, nỗi sợ hãi, xu hướng tình dục và cả những bí mật sâu kín nhất trong tâm hồn mình. "Tinder biết tôi quá rõ", cô nói.

Alessandro Acquisti, Giáo sư công nghệ thông tin tại Đại học Carnegie Mellon, nhận định: "Tinder biết quá nhiều thứ về bạn khi nghiên cứu hành vi của bạn trên ứng dụng. Nó biết rõ bạn liên hệ với người khác thường xuyên như thế nào, vào khoảng thời gian nào, tỉ lệ phần trăm người da trắng, người da đen, người châu Á mà bạn liên hệ, những kiểu người nào có hứng thú với bạn, những từ ngữ nào bạn hay dùng nhất... Thông tin cá nhân là "nhiên liệu" của nền kinh tế. Dữ liệu của người tiêu dùng được đem đi mua bán và giao dịch vì mục đích quảng cáo".

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu "kho vàng" dữ liệu khổng lồ này bị tin tặc tấn công, bị phát tán hoặc đơn giản là bị một công ty khác mua lại? Judith cho biết khi cô nghĩ đến khả năng này, cô có thể cảm nhận được nỗi nhục nhã trải qua sẽ như thế nào. "Trước khi Tinder gửi cho tôi 800 trang thông tin của mình, ý nghĩ rằng ai đó tại Tinder có thể đã đọc chúng rồi khiến cho tôi chột dạ và xấu hổ", cô nói. Bởi lẽ, chính sách về quyền riêng tư của Tinder có ghi rất rõ ràng rằng: "Bạn không nên trông đợi thông tin cá nhân của bạn, những dòng chát của bạn, hoặc các thông tin khác sẽ luôn an toàn".

Trên thực tế, thông tin cá nhân của người sử dụng đã từng bị khai thác. Hồi tháng 5, một thuật toán đã được sử dụng để thu thập 40.000 hình ảnh từ hồ sơ người sử dụng trên Tinder để xây dựng một ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể "giới tính hóa" các khuôn mặt. Vài tháng trước đó, 70.000 hồ sơ thông tin từ OkCupid (thuộc Match Group, công ty mẹ của Tinder) đã được công khai bởi một nhà nghiên cứu Đan Mạch. Vị này đã sử dụng các dữ liệu nhằm lập mối liên kết giữa trí thông minh với tín ngưỡng tôn giáo.

Tại sao Tinder cần các thông tin đó về bạn? Một phát ngôn viên của Tinder giải thích: "Đó là để cá nhân hóa trải nghiệm cho mỗi người sử dụng ứng dụng của chúng tôi trên khắp thế giới. Các công cụ kết nối của chúng tôi rất năng động và cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau khi hiển thị các kết quả "bắt cặp" để cá nhân hóa trải nghiệm cho mỗi người dùng".

Thế nhưng, "khi được hỏi những đôi được bắt cặp kia được cá nhân hóa như thế nào qua việc sử dụng thông tin của mình và những loại hồ sơ nào của đối phương sẽ được hiển thị cho tôi thì Tinder lại trốn tránh trả lời", Judith cho biết.

Câu trả lời của vị phát ngôn là "các công cụ kết nối là phần cốt lõi quan trọng trong công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của chúng tôi và vì thế Tinder không thể chia sẻ thông tin về các công cụ độc quyền này".

Vấn đề là 800 trang chứa đựng những thông tin riêng tư nhất của Judith lại chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo nhà hoạt động vì quyền riêng tư Paul-Olivier Dehaye, "thông tin cá nhân của bạn chắc chắn tác động đến người mà bạn hẹn hò trên Tinder nhưng cũng tác động đến những lời đề nghị việc làm gửi đến bạn trên LinkedIn, mẫu quảng cáo nào bạn sẽ xem trên tàu điện ngầm, hay khả năng bạn nộp hồ sơ vay tiền".

"Chúng ta đang hướng đến một xã hội không rõ ràng, một thế giới còn mơ hồ hơn, nơi các dữ liệu thu thập được về bạn sẽ quyết định những khía cạnh lớn hơn trong cuộc sống của bạn. Cuối cùng, toàn bộ sự tồn tại của bạn đều bị ảnh hưởng", Dehaye đúc kết.