russia ukraine
Ngày 18/10, Cơ quan Thống kế Nhà nước Ukraine đã công bố các chỉ số và số liệu của kinh tế nước này trong nửa đầu năm 2017, trong đó có kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Ukraine với những bạn hàng - đối tác quan trọng.

Theo đó, bạn hàng lớn nhất của Ukraine là khối EU.

Cụ thể, nửa năm 2017, 28 nước EU đã nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ từ Ukraine đạt tổng trị giá là 11 tỷ USD, tăng 27,9% và xuất khẩu sang Ukraine 13,047 tỷ USD, tăng 22,8%.

Đứng thứ hai là Liên bang Nga.

Cụ thể, nửa năm 2017, người dân và doanh nghiệp Ukraine đã nhập khẩu từ Nga lượng hàng hoá đạt tổng giá trị 4,204 tỷ USD, tăng tới 37,2% và xuất khẩu sang thị trường này 2,62 tỷ USD, tăng 17,7%.

Trước việc kim ngạch trao đổi thương mại với Nga tăng cao, nhất là nhập khẩu tăng tới gần 40% - trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở mức rất thấp, giới chuyên gia đã hoài nghi và đặt vấn đề với chính quyền Ukraine.

Ngày 19/10, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Ukraine, đồng thời cũng là Đại diện Thương mại của Ukraine Natalia Mykolska, đã lý giải nguyên nhân việc nhập khẩu hàng hoá từ Nga tăng đột biến.

"Lý do quan trọng là bởi lượng nhập khẩu nhiên liệu, phân bón và phụ tùng thay thế tăng mạnh. Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất là năng lượng, chủ yếu là nhiên liệu. Nhóm thứ hai là phân bón và thứ ba là phụ tùng kỹ thuật", theo Ukrinform.

Người Đại diện Thương mại của Ukraine cũng lưu ý rằng xuất khẩu của Ukraine sang Nga đang tăng mạnh, trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm kỹ thuật năng lượng, luyện kim và công nghiệp hóa chất.

Như vậy, thực tế chứng minh kinh tế Nga quá quan trọng với nền kinh tế Ukraine, sự tăng trưởng của kinh tế Ukraine phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế của xừ sở bạch dương, người dân và doanh nghiệp Ukraine rất cần tới thị trường Nga.

Vậy nhưng dường như chính quyền Ukraine không xem trọng chuyện ấy. Bởi cũng trong nửa năm 2017, ngoài việc có những động thái gây nguy hại cho quan hệ Nga - Ukraine, Kiev còn có những chính sách có thể khiến Ukraine rơi vào nguy hiểm.

Cụ thể, ngày 16/3, Ngân hàng Trung ương Ukraine đã quyết định trừng phạt đối với 5 chi nhánh ngân hàng Nga, trong đó có Sberbank, VEB và VTB nằm trong số 20 định chế tài chính thực hiện dịch vụ cho vay có giá trị giao dịch lớn nhất ở Ukraine.

Lệnh trừng phạt của Kiev bao gồm việc cấm các hoạt động tài chính mang lại lợi ích cho ngân hàng mẹ. Năm ngân hàng thuộc quyền sở hữu của nhà nước Nga có chi nhánh ở Ukraine chiếm thị phần kết hợp 8,6% và khoản dư nợ đạt tới 1,3 tỉ USD.

Tiếp theo, ngày 20/5, Uỷ ban liên ngành Thương mại Quốc tế Ukraine đã áp thuế chống phá giá đối với sản phẩm sôcôla nhập khẩu từ Nga vào thị trường nước này trong thời gian 5 năm.

Theo quyết định này,"các biện pháp chống bán phá giá được áp dụng bằng cách áp thuế chống bán phá giá đối với việc nhập khẩu sôcôla từ Liên bang Nga vào Ukraine. Thuế suất chống bán phá giá với sôcôla của Nga là 31,33%".

Giải trình của Ủy ban liên ngành Thương mại Quốc tế Ukraine cho biết, việc nhập khẩu một số loại sôcôla và các sản phẩm ca cao từ Nga vào Ukraine trong những năm 2013-2015 có giá thấp, gây thiệt hại đáng kể ngành sản xuất sôcôla Ukraine.

Giới phân tích từng nhận xét rằng, với các quyết định trừng phạt kinh tế Nga của chính quyền Ukraine, nhất là áp thuế chống bán phá giá sôcôla của Nga nhập vào Ukraine, cho thấy Kiev đang làm "hại mình nhiều hơn là làm khổ người".

Bởi giá trị hàng sôcôla nhập khẩu từ Nga chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng giá trị thương mại giữa Nga và Ukraine, điều đó sẽ khiến người dân và doanh nghiệp phải trả giá đắt gấp nhiều lần, nếu Moscow trả đũa.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kế Nhà nước Ukraine, trong nửa đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Ukraine khoảng 47 tỷ USD, trong đó giá trị trao đổi thương mại hai chiều với Nga đạt khoảng 6,8 tỷ USD, chiếm khoảng gần 15%.

Chỉ cần chính quyền Nga có một điều chỉnh nhỏ trong chính sách thuế thì người dân và doanh nghiệp Ukraine sẽ thiệt hại rất lớn. Không những thế, xuất khẩu của Ukraine vào Nga lại đang gia tăng càng khiến vấn đề nguy hại hơn.

Kinh tế Ukraine đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có không ít khó khăn phát sinh từ chính những hành động của Kiev đối với Moscow. Người dân, doanh nghiệp Ukraine đã phải lãnh nhiều hậu quả từ đòn hồi mã thương của Moscow.

Việc chính quyền Tổng thống Poroshenko thực hiện chính sách bài Nga, trong đó có việc trừng phạt kinh tế Nga, được nhìn nhận là nhằm phục vụ lợi ích cá nhân, đảng phái nhiều hơn là vì kinh tế đất nước.

Điều đó thể hiện ngay ở quyết định áp thuế chống bán phá giá sôcôla nhập khẩu từ Nga, bởi ông Poroshenko vốn là "tỷ phú sôcôla", sở hữu Tập đoàn sản xuất bánh kẹo Roshen, từng xuất khẩu 40% sản lượng sang Nga.

Tuy nhiên, từ tháng 7/2013, sản phẩm của Roshen bị cấm nhập khẩu vào Nga vì vấn đề nhãn hiệu sản phẩm. Rồi khi xung đột Ukraine nổ ra thì Roshen mất luôn thị trường lớn nhất của mình.

Vì vậy, việc Kiev áp thuế chống bán phá giá sôcôla của Nga hoàn toàn có thể được hiểu vì quyền lợi của tổng thống nhiều hơn là vì lợi ích của ngành sản xuất sôcôla của Ukraine, vì kinh tế của Ukraine.

Chỉ vì "khát vọng Tây tiến" mà những chính trị gia Maidan đã thực hiện chính sách không thân thiện với Nga, trong khi với người và doanh nghiệp Ukraine thì nước Nga vẫn cực kỳ quan trọng.

Điều đó cho thấy dường như chính quyền Kiev không hiểu, không muốn và không thể đáp ứng nguyện vọng của người dân Ukraine - những người đã đặt niềm tin và trao quyền lực cho họ.


Nhận xét: Chính quyền Kiev hiện nay lên nắm quyền thông qua cuộc đảo chính Maidan. Vậy nên không thể nói người dân Ukraine đặt niềm tin và trao quyền lực cho họ.