Putin and Haider al-Abadi
© KremlinTổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tại Điện Kremlin tháng 5/2015, bàn về hợp tác song phương và các vấn đề quốc tế
Một Ủy ban của Quốc hội Iraq vừa đe dọa hủy hiệp ước an ninh với Mỹ bởi mối quan ngại Washington không thể kiềm chế được Thổ Nhĩ Kỳ, buộc Baghdad tìm sự trợ giúp từ Nga và Iran.

Vụ Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đội xâm nhập lãnh thổ Iraq hôm 4/12 đã bị Baghdad cáo buộc là hành động xâm phạm chủ chuyền nước này, đồng thời yêu cầu NATO can thiệp kiềm chế đồng minh của mình. Thời hạn 48 tiếng mà chính phủ Iraq đặt ra hôm 6/12 để Thổ Nhĩ Kỳ rút quân cũng đã hết, nhưng Ankara vẫn phớt lờ yêu cầu này.

Ông Adam Whitcomb, chuyên gia phân tích thuộc Viện Các vấn đề Vùng Vịnh nói với Sputnik News (Nga): "Những sự kiện gần đây đang cho thấy rõ sự xoay trục chính sách của Iraq sang liên minh mạnh mẽ hơn, Nga-Iran."

Ông cho biết, Iraq hiện đã gia nhập một liên minh chia sẻ thông tin cùng Moscow và Tehran.

Whitcomb chỉ ra, Tổ chức Badr - một lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shiite chịu ảnh hưởng từ Iran đã có đại diện chính trị của mình trong quốc hội Iraq.

"Đối mặt với việc Mỹ không hành động hoặc hành động không tính toán, niềm tin của chính phủ Iraq sẽ ngả về phía liên minh dám cam kết mạnh mẽ trong việc đánh bại mối đe dọa khu vực đến từ Daesh (tức Nhà nước Hồi giáo IS),"chuyên gia này giải thích.

Adam Whitcomb cũng cảnh báo rằng Washington sẽ không "ngồi yên thụ động" và cho phép chính quyền Baghdad tùy ý ra quyết định xa rời Mỹ. Theo nhà phân tích, Mỹ gần như chắc chắn sẽ chấp thuận sửa đổi "đến mức có thể" các điều khoản trong hiệp ước an ninh để duy trì mối quan hệ hiện tại với Iraq.

Theo lời Giáo sư Matthew Dal Santo của Đại học Copenhagen, Đan Mạch, thông cáo của Ủy ban quốc hội Iraq mới đây cũng tiết lộ thái độ hờ hững của Mỹ trong việc tái thiết Iraq kể từ cuộc chiến năm 2003.

"Nếu Tehran đang đứng sau cả những tuyên bố của Ủy ban quốc phòng Iraq và lời kêu gọi NATO kiềm chế Ankara của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, thì chúng ta càng thấy rõ chính sách của Mỹ ở Iraq đã thất bại từ 2003," ông cho biết.

Theo Dal Santo, Mỹ "không tạo dựng được một đồng minh đáng tin cậy, mà ngược lại đã 'trao' Iraq vào tay Iran - quốc gia mà Washington đã tiêu tốn hàng tỉ USD để kiềm chế".

Ông lý giải rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng một căn cứ bên ngoài thành phố Mosul, Iraq, theo đề nghị của chính quyền Vùng tự trị người Kurd và Sunni.

Trong khi đó,"chính quyền Vùng tự trị của người Kurd rõ ràng tự đánh giá họ, ít nhất, là một nhà nước bán chủ quyền và chỉ 'thừa nhận ngoài miệng' đối với chính phủ của người Ả-Rập Shia tại Baghdad".

Do đó, ông Santo chỉ ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập khu vực thành phố Mosul là tín hiệu báo động đối với các nhà lãnh đạo Hồi giáo Shia ở Baghdad, và phản ánh tham vọng lớn hơn của Ankara.

"Người Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt cược rằng quãng thời gian mà giải pháp hậu Thế chiến I kết thúc Đế quốc Ottoman ở Trung Đông, giờ chỉ còn tính bằng tháng ngày."

Giáo sư Santo cũng quan sát rằng trong một "mô hình Ottoman tốt đẹp" thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn nước này đóng vai trò lớn hơn trong việc tái thiết cuộc sống tương lai của khu vực Trung Đông.