Russian Duma
© Maksim Blinov / SputnikDuma Quốc gia Nga
Ngày 15/11, Hạ viện Nga đã thông qua trong lần đọc thứ hai các sửa đổi về quy định công nhận các cơ quan truyền thông đại chúng được tài trợ từ nước ngoài là cơ quan đại diện ở nước ngoài (foreign agent).

Theo đó, cơ quan báo chí nào được công nhận quy chế này sẽ phải chịu những hạn chế và nghĩa vụ như các đại diện tại Nga của tổ chức phi lợi nhuận nước ngoài và sẽ phải chịu trách nhiệm như các tổ chức trên khi vi phạm pháp luật.

Luật mới nêu rõ: "Các pháp nhân đăng ký tại nước ngoài, hoặc cơ cấu nước ngoài không thành lập pháp nhân, hoạt động phổ biến thông tin in, âm thanh, âm thanh-hình ảnh và các thông tin khác đến diện đối tượng không giới hạn, có thể bị công nhận là phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài, thực hiện chức năng của đại diện nước ngoài nếu các cơ cấu này nhận được tiền và/hoặc tài sản khác từ quốc gia nước ngoài, các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế và nước ngoài, công dân nước ngoài, người không có quốc tịch hoặc người được ủy quyền".

Các sửa đổi mới được đưa vào dự luật về quyền phong tỏa không qua tòa án các trang web của các tổ chức bị cấm tại Nga. 409/450 nghị sĩ đã bỏ phiếu thuận cho các sửa đổi trên và không có phiếu chống nào.

Dự luật này còn đợi Thượng viện Nga thông qua trước khi chuyển qua cho Tổng thống Putin ký ban hành.

Riêng luật để trừng phạt giới truyền thông nước ngoài thì đã có rồi. Đó là luật cho phép tuyên bố "không hoan nghênh" đối với một loạt tổ chức phi chính phủ với lý do là nhận tiền của nước ngoài. Trong khuôn khổ các quy định thông qua năm 2012, sau đó được tăng cường vào năm 2015, một số tổ chức đã phải ngưng hoạt động.

Với luật mới - sẽ được ban hành rất nhanh chóng - Moscow muốn đáp trả những yêu sách mà kênh truyền hình RT gặp phải ở Mỹ. Tổng thống Putin đã nói đến một "cuộc tấn công vào tự do ngôn luận" và hứa hẹn đáp trả đích đáng.

Cho đến giờ thì chưa có danh sách các hãng truyền thông có thể là đối tượng bị nhắm tới. Theo Phó Chủ tịch Hạ Viện, Bộ Tư Pháp sẽ đưa ra quyết định là truyền thông nào sẽ phải ghi danh là "cơ quan nước ngoài".

Tuy nhiên cũng đã có nhiều cái tên được nêu lên. Trước tiên là hai đài Voice of America (VOA) và Radio Free Europe, hai phương tiện truyền thông do Quốc Hội Mỹ tài trợ.

Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga Petro Tolstoi khẳng định việc ra luật mới là quyết định Nga buộc phải thực hiện, nhằm cho phép cơ quan hành pháp Nga áp dụng các biện pháp đáp trả tương xứng đối với những nước nơi tự do hành động và ngôn luận của các nhà báo Nga bị xâm phạm.

Theo ông Tolstoi luật mới "không ảnh hưởng đến tự do ngôn luận".

Việc Nga dự định Luật hóa về các cơ quan, tổ chức truyền thông là bước đi có phần mạnh tay và song khách quan hơn so với Mỹ khi Tổng thống Trump mới chỉ ban hành sắc lệnh trừng phạt, điều có thể sửa đổi hoặc bãi bỏ.

Phản ứng mới từ phía Nga mới được dự định thực hiện nhằm đối phó với Mỹ. Còn các phản ứng của Washington đã ngay lập tức ảnh hưởng đến cơ quan truyền thông RT của Nga.

Giám đốc chi nhánh RT ở Mỹ cho biết, trước các sức ép phải giải thể, đóng cửa đã sớm thực hiện các yêu sách của Mỹ, đăng ký văn phòng đại diện ở Washington trước ngày 13/11.

Tổng Giám đốc RT Margarita Simonyan đã chỉ trích quyết định của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ), cho rằng đây là một phần trong "cuộc chiến" của Mỹ với truyền thông Nga.