Russian ship Smetlivyi
© WikipediaTàu khu trục Smetlivyi
Ngày 13/12, một sự kiện chấn động đã xảy ra khi thủy thủ đoàn tàu khu trục Smetlivyi, thuộc lớp Kashin của Nga đã nổ súng ngăn chặn một vụ áp sát có khả năng dẫn đến đụng độ với tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ, ở vị trí cách đảo Lemnos (Hy Lạp), phía Bắc biển Aegean 22 km.

Theo thông báo của Bộ quốc phòng Nga, sự việc xảy ra vào lúc 9h03, giờ Moscow (tức 13h03, theo giờ Việt Nam). Khi đó, các chiến sĩ trực ca phát hiện một tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ ở khoảng cách 1.000 mét tiến về phía mạn phải tàu Smetlivyi khi đó đang thả neo.

Mặc dù, tàu khu trục Smetlivyi đã nỗ lực liên lạc với tàu cá trên nhưng thủy thủ đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đã không chịu trả lời, cũng không hồi đáp lại các phương pháp hỏi-đáp và cảnh cáo của chiến hạm Nga là dùng tín hiệu đèn pha đặc biệt và pháo sáng.

Khi tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ cách tàu khu trục Nga khoảng 600 mét, để tránh một vụ đâm tàu, phía Nga đã buộc phải nổ súng cảnh báo, để tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải chú ý. Theo tin của truyền thông Nga, tàu chiến nước này đã sử dụng vũ khí cỡ nòng nhỏ.

Ngay sau đó, tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ lập tức đổi hướng và bơi cách tàu Smetlivyi 540 mét, nhưng vẫn không liên lạc với thủy thủ đoàn Nga. Điều này đã khiến tàu chiến Nga phải hết sức nâng cao cảnh giác và chuyển cấp nâng cao tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Map of Aegean Sea
Vùng biển Aegean, nơi xảy ra đụng độ giữa chiến hạm Nga và tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ
Theo thông báo của vụ thông tin báo chí Bộ Quốc phòng Nga, sau sự cố trên biển Aegean, Bộ Quốc phòng nước này đã ngay lập tức triệu tùy viên quân sự Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Moscow tới để trao đổi về sự việc này và việc tránh những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Được biết, quan hệ giữa Moscow và Ankara đang trong giai đoạn hết sức căng thẳng sau sự kiện máy bay tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 của Nga, khi nó đang truy quét những phần tử khủng bố của Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria.

Moscow kịch liệt phản đối và cho rằng, máy bay nước này không hề xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, chính những chiếc F-16 mới bay vào không phận Syria để bắn máy bay Nga, trong khi đó Ankara tuyên bố chiếc Su-24 đã bay sâu vào lãnh thổ nước này trong vòng 17 giây.

Ngay sau đó, Moscow đã cắt đứt tất cả các liên hệ về Ngoại giao, quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Ankara.

Tổng thống Nga Putin đã gọi đây là cứ đánh trộm từ sau lưng, là một âm mưu cố tính phá hoại cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS của Nga. Đồng thời, ông cũng ra lệnh sẵn sàng tiêu diệt mọi mục tiêu gây nguy hại cho lực lượng vũ trang Nga.

Ngày 4/12 vừa qua, 2 bên lại vướng vào một vụ lùm xùm khi một thủy thủ trên chiến hạm Nga khi đi qua eo biển Bosphorus, ở khu vực thành phố Istanbul đã giương vũ khí phòng không cá nhân khiến chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và giới truyền thông nước này nổi giận.

Ankara đã gọi đây là "một vụ khiêu khích", trong khi đó Moscow khẳng định rằng, không có quy định quốc tế nào và Công ước Montreux 1936 về chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ với eo biển Bosphorus cũng không có quy định nào cấm tàu Nga giương vũ khí phòng không để tự bảo vệ tàu.