USS Theodore Roosevelt aircraft carrier battle group
Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt
"Tàu ngầm Pháp đánh chìm tàu sân bay Mỹ "- Thông tin gây sốc này dù xuất hiện và biến mất trong chớp mắt nhưng vẫn mang lại cho Trung Quốc cơ hội để mổ xẻ sức mạnh đối thủ.

Tàu ngầm Pháp "đánh chìm" tàu sân bay Mỹ

Đầu năm 2015, một bản báo cáo gây tò mò và lo ngại đã xuất hiện chớp nhoáng rồi biến mất không dấu vết.

Có vẻ bản báo này do Bộ Quốc phòng Pháp đăng tải rồi nhanh chóng gỡ xuống. Nó đề cập đến thành tích của tàu ngầm hạt nhân Safir - Pháp trong một cuộc tập trận giả định chống lại nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ.

Nguyên nhân khiến bản báo cáo biến mất nhanh như vậy có lẽ là do thông tin gây sốc mà nó đưa ra: Tàu ngầm Pháp đã đánh chìm "một nửa đội tàu" của Mỹ trong cuộc tập trận này.

Xét cho cùng, những đội quân anh em thân thiết có thể thoải mái thể hiện kỹ năng tác chiến và chiến thuật của họ trong cuộc tập trận hải quân nhưng không nên hả hê về điều đó và đặc biệt không nên thể hiện công khai, phải vậy không?

Thông tin tiết lộ về sự yếu ớt của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trước tàu ngầm hạt nhân không được đưa tin rộng rãi và giới phân tích quân sự cũng khá "im hơi lặng tiếng" trước điều bất ngờ này.

Tuy nhiên, truyền thông quốc phòng Trung Quốc hiếm khi để lọt những thông tin "sốt dẻo" như vậy, đặc biệt là những thứ liên quan đến năng lực của nhóm tác chiến tàu sân bay Hải quân Mỹ.

Ấn phẩm đặc biệt của tạp chí Ordnance Industry Science and Technology (Trung Quốc) năm 2015 đã đề cập "sự kiện" này qua cuộc phỏng vấn với giáo sư Học viện tàu ngầm Trung Quốc Chi Guocang.

Bài viết có tiêu đề "Chỉ một chiếc tàu ngầm hạt nhân đã 'đánh chìm' nửa đội tàu sân bay".

Trong đó, Giáo sư Chi cho biết, ông hiểu rõ rằng một cuộc tập trận khó có thể so sánh với một trận chiến thực sự và vẫn đánh giá mạng lưới tác chiến chống ngầm (ASW) của Mỹ là một hệ thống "hiệu quả cao" và "hài hòa" với nhiều lớp phòng thủ bảo vệ tàu sân bay.

Tuy nhiên, sau đó ông Chi lại kết luận trong bài phỏng vấn rằng bản báo cáo của Pháp có độ tin cậy khá cao.

Cách nhìn của Trung Quốc

Trong phần đầu cuộc phỏng vấn, Giáo sư Chi khẳng định tàu ngầm là đối thủ khó chơi của tàu sân bay. Thời Thế chiến II, không dưới 17 tàu sân bay đã bị tàu ngầm đánh chìm và trong số này, có tới 8 chiếc bị hạ gục bởi tàu ngầm Mỹ.

Tuy nhiên, ví dụ được ông Chi nhắc lại nhiều lần trong cuộc phỏng vấn không phải từ Thế chiến II mà là trong cuộc chiến tranh Falkland diễn ra vào đầu những năm 1980.

Cuộc xung đột ngắn ngày nhưng gay gắt này đã có tác động vượt ra ngoài phạm vi, tới cả sự phát triển hải quân của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh tập trung không ngừng nghỉ vào phát triển tên lửa hành trình chống hạm (ASCM).

Ông Chi đưa ra một nghiên cứu rất tỉ mỉ về cuộc xung đột này, chẳng hạn như giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến thất bại của Argentina với ngư lôi (điều kiện thủy văn phức tạp, gây khó khăn).

Rubis class submarine
Một tàu ngầm hạt nhân lớp Rubis
Theo ông Chi, việc tàu ngầm hạt nhân HMS Conqueror của Anh có thể theo dõi tàu tuần dương General Belgrano (Argentina) trong hơn 50 giờ đồng hồ mà không bị phát hiện trước khi ra đòn quyết định là một ví dụ điển hình về sức mạnh của tàu ngầm hạt nhân hiện đại.

Song ông Chi cũng thừa nhận rằng năng lực ASW của Hải quân Argentina tất nhiên không thể sánh với Hải quân Mỹ.

Sau đó, phóng viên Trung Quốc đặt một câu hỏi khá thẳng thắn: Bằng cách nào Hải quân Pháp có thể xuyên thủng mạng lưới ASW đáng gờm của Mỹ xung quanh tàu sân bay USS Roosevelt, đánh chìm nó và phần lớn đội tàu hộ tống?

Giáo sư Chi đưa ra nhiều giả thuyết liên quan đến câu hỏi này nhưng đặc biệt tập trung vào lượng giãn nước nhỏ của tàu ngầm Pháp. Tàu ngầm lớp Rubis của Pháp là lớp tàu ngầm hạt nhân nhỏ nhất thế giới (lượng giãn nước 2.670 tấn khi lặn) và có thể khiến đối phương khó phát hiện.

Theo phân tích của chuyên gia này, các tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ bảo vệ tàu sân bay có lượng giãn nước gấp 3,4 lần tàu lớp Rubis - điều này gây ra bất lợi cho chúng, nhất là trong trường hợp cả 2 phía thủy thủ đều có cùng mức độ thành thạo trong kỹ năng.

Đây không phải lần đầu tiên các chuyên gia tàu ngầm Trung Quốc "ngưỡng mộ" các tàu ngầm hạt nhân với lượng giãn nước nhỏ của Pháp. Họ cho rằng chúng đặc biệt phù hợp với vùng nước nông ở Tây Thái Bình Dương.

Mặc dù tàu ngầm Pháp có tốc độ tối đa khá chậm (25 hải lý/giờ) nhưng có vẻ đây không phải là sự thiếu hụt lớn.

Ông Chi cho biết, các phương tiện tác chiến chống ngầm trên không của Mỹ khá phụ thuộc vào radar để phát hiện tàu ngầm ở trên hoặc gần mặt biển. Vì vậy, tìm kiếm tàu ngầm hạt nhân bằng máy bay chống ngầm sẽ khó khăn như "mò kim đáy bể".

Ngoài ra, nhóm tác chiến tàu sân bay càng lớn thì càng dễ bị theo dõi từ xa. Việc triển khai vũ khí ASW có thể vô tình giúp tàu ngầm đối phương thoát ra sau cuộc tấn công, bởi chúng làm phức tạp đáng kể môi trường âm thanh, cản trở công tác tìm kiếm tàu ngầm.

Một cách lý giải khác cho chiến tích của tàu ngầm Safir có thể là chỉ huy của tàu Pháp biết lợi dụng điều kiện thủy âm phức tạp.

Vị chuyên gia Trung Quốc cho rằng thời tiết có thể mang lại lợi thế lớn cho tàu ngầm do nó có thể cản trở đáng kể hoạt động của lực lượng ASW trên mặt nước và đặc biệt là trên không, trong khi lại không mấy ảnh hưởng đến hoạt động dưới nước.

Cuối cuộc phỏng vấn, ông Chi được hỏi rằng: Mô hình lấy tàu ngầm hạt nhân làm trung tâm để phát triển hải quân của Liên Xô hay mô hình lấy nhóm tàu sân bay làm trung tâm của Mỹ tốt hơn?

Về vấn đề này, ông Chi cho biết Đô đốc Liên Xô Sergei Gorshkov muốn một hạm đội "cân bằng" nhưng những nỗ lực của Moscow trong lĩnh vực hải quân đã không đạt được kỳ vọng ấy.

Trong khi đó, Hải quân Mỹ đã thành công với nỗ lực của mình. Nhờ vậy, hạm đội hải quân của Washington có sức mạnh và năng lực tác chiến "vô song" trên tất cả các mặt của tác chiến hải quân.

Qua bài báo, có vẻ các chuyên gia Trung Quốc có một sự nể trọng nhất định đối với năng lực hải quân của Mỹ.

Song tất nhiên, giới quân sự nước này vẫn luôn tích cực tìm kiếm lỗ hổng của lực lượng Mỹ, bởi họ đang tìm cách phát triển những năng lực hải quân riêng có thể khiến người khác phải ngưỡng mộ và kinh sợ.

Dịch bởi Soha.vn