Alexei Navalny
Alexei Navalny, tay tham nhũng, biển thủ, gian lận, đang chịu án treo 5 năm, được tung hô là "đối thủ hàng đầu của Putin", nhưng chỉ được khoảng 3% người Nga ủng hộ
Sputnik thông tin, người sáng lập Quỹ đấu tranh chống tham nhũng (FBK) và cũng là luật gia kiêm blogger chống tham nhũng đối lập Alexei Navalny đã bị tung lên mạng các hồ sơ quỹ đen che giấu nhiều triệu rúp chưa được khai báo thuế.

Theo đó, một tài khoản của ngân hàng Alfa-Bank được mở theo tên của Giám đốc Quỹ FBK là ông Roman Rubanov. Theo các tài liệu được đăng tải trên Internet, các tài khoản ngân hàng này đã tích lũy những khoản tiền rất lớn mà không khai báo.

Trong năm 2014, số tài khoản mà ông Rubanov đã nhận được có tổng cộng khoảng 12,1 triệu rúp (khoảng 144 nghìn USD với tỷ giá vào thời điểm cuối năm 2014). Năm 2015, con số này là 13,6 triệu rúp (khoảng 270 nghìn USD với tỷ giá vào thời điểm giữa năm 2015).

Tiền được chuyển qua hệ thống Cash-in và Recyling.

Sau đó, từ tài khoản ngân hàng này, Roman Rubanov phân phối tiền cho các nhân vật Alexei Navalny, George Alburov, Leonid Volkov, Liubov Sobol, Anna Veduta và Vladislav Naganov...

Câu hỏi đặt ra là vì sao Roman Rubanov có số tiền lớn như vậy trong tài khoản cá nhân chứ không phải tiền của Quỹ FBK và các giao dịch chuyển tiền cho ông Alexei Navalny cùng các nhà báo, nhà hoạt động đối lập không được công khai trong hồ sơ giao dịch ở FBK?

Quỹ này có một tài khoản đặc biệt để gây quỹ và nếu một nhà tài trợ là minh bạch, không lẽ nào người đó lại gửi số tiền lớn vào tài khoản của ông Roman Rubanov chứ không phải thông qua quỹ này như một kênh giao dịch chính thức.

Nhà báo Ilya Ukhov viết: "Liệu có thể giả định đây là khoản quỹ đen để thực hiện các chức năng: giấu giếm hoạt động tài trợ cho ông Navalny, trốn thuế, thanh toán "lương xám" cho một số lượng lớn người gắn bó thường xuyên với ông Navalny trong các hoạt động tại Nga-từ những đối tác và nhân viên FBK thân cận với ông Navalny cũng như đại diện của báo chí độc lập mà ông Alexei Navalny ca ngợi".

Ngoài ra, có khả năng tài khoản Rubanov không chỉ là quỹ đen để thanh toán cho các dịch vụ, mà còn là vỏ bọc để hợp pháp hóa các khoản có nguồn gốc không rõ ràng mà quỹ đã nhận được, để tổ chức này không bị xếp vào danh sách tình báo nước ngoài.

Ông Alexei Navalny hiện chưa lên tiếng về con số và tài khoản này.

Ông Navalny trước đó bị chính quyền Moscow lật tẩy một vụ "ăn chặn" tiền gây quỹ của một cá nhân và từng dính líu tới các vụ tham nhũng ở Nga.

Một người đàn ông theo đó đã khởi kiện lên Tòa án ở Moscow bởi đã ủng hộ vào Quỹ của ông Alexei Navalny số tiền 860 USD để tranh cử Tổng thống dù ông này đang chịu tội và pháp luật Nga cấm tham gia bầu cử. Người đàn ông cho biết sau khi chuyển xong số tiền mới biết về việc ông Navalny bị tù treo và pháp luật Nga cấm không được tham gia bầu cử.

Năm 2014, Navalny đã bị chịu tội trong một vụ biển thủ trị giá 500.000 USD liên quan đến công ty mỹ phẩm quốc tế Yves Rocher. Vụ việc khiến ông phải chịu thử thách 5 năm.

Hơn nữa, Navalny hiện đang phục vụ một bản án tù treo 5 năm được đưa ra vào năm 2013 vì liên quan tới vụ gian lận ở Công ty gỗ Nhà nước Nga mang tên Kirovles.

Trong khi đó, Roman Rubanov cũng từng bị giam giữ 20 ngày liên quan tới việc FBK phản kháng các yêu cầu từ Tòa án Moscow trong việc xóa bỏ các đoạn video mà ông Alexei Navalny tạo nên, cáo buộc Thủ tướng Dmitry Medvedev đã sử dụng một mạng lưới các cơ sở từ thiện có mục đích để kiểm soát sự giàu có ở Nga và ở nước ngoài với nhiều bất động sản và tài sản có giá trị khác.

Ông Rubanov khi đó chỉ nói, sự giam giữ của ông là một cố gắng của chính quyền nhằm làm ông và Navalny sợ hãi. Đồng thời tuyên bố sẽ kháng cáo.

Tuy nhiên, cuối cùng, Alexei Navalny đã phải cắt sửa đoạn video đó.

Tự hào là người chống tham nhũng độc lập và mạnh mẽ ở nước Nga, ông Alexei Navalny sau khi bị từ chối trở thành một ứng cử viên Tổng thống đã khẳng định sẽ tới các quốc gia châu Âu mà Nga dự định sẽ mời họ tham gia theo dõi cuộc bầu cử, để nói về việc Nhân quyền không được tuân thủ ở đây.

Dù chính thức bị chịu án tù treo và chịu phạt 500.000 rúp (8.000 USD) từ hồi tháng 2/2013, ông Navalny vẫn được các nhà nhân quyền châu Âu ủng hộ được tham gia bầu cử Tổng thống Nga cho năm 2018.

The Moscow Times dẫn lời Hội đồng nhân quyền châu Âu hồi tháng 9 vừa qua đã kêu gọi Nga cho phép lãnh đạo tổ chức đối lập này chạy đua trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau.

Từ năm 2016, Tòa án Châu Âu về Quyền con người (ECHR) đã phán quyết chống lại sự kết án từ phía Tòa án Moscow về vụ biển thủ ngân quỹ của công ty gỗ Kirovles mà ông Navalny bị buộc tội. Theo đó nói rằng quyền của bị cáo Navalny đối với phiên tòa công bằng đã bị vi phạm và yêu cầu Moscow trao cho các bị cáo là ông Navalny và một đồng phạm khác 80.000 euro tiền bồi thường.

Hội đồng châu Âu lưu ý rằng các nhà chức trách Nga đã không bồi thường cho Navalny và bị cáo còn lại sau phán quyết của ECHR.

Trong một tuyên bố sau đó, Bộ Tư pháp Nga đã khẳng định số tiền đã được trả đầy đủ và đưa thêm yêu cầu từ phía Ủy ban bầu cử Trung ương Nga đã goi hành động của Navalny là một hành động gây "áp lực chính trị đối với chính quyền Nga trong giai đoạn bầu cử sắp tới".

Trong một diễn biến liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Nga, hôm qua, một nhóm cử tri bao gồm các quan chức cấp cao đã tham gia vào cuộc ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin là một ứng viên độc lập ra tranh cử Tổng thống Nga.

Số cử tri tham gia cuộc gặp này là 668 người, với số lượng cần thiết theo luật là 500 người, Tổng thống Putin sẽ thêm một bước tiến tới ngày tới Ủy ban bầu cử trung ương Nga để nộp đơn đăng ký làm ứng viên tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tới.