statue of liberty libertdad estatua
© AP Photo/ Richard Drew
Trong báo cáo nghiên cứu do hãng thăm dò nổi tiếng Gallup mới công bố hôm 18/1, chỉ 30% trong số những người được phỏng vấn ở 134 quốc gia trong năm 2017 tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. Con số này, được thực hiện trong quãng thời gian từ tháng 3 tới tháng 11/2017, thấp hơn 18% so với mức 48% ủng hộ trong năm cuối của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, và kém 4% so với mức 34% ủng hộ trong năm cuối cầm quyền của cựu Tổng thống George W. Bush.

Trong số 134 quốc gia, tỷ lệ ủng hộ khả năng lãnh đạo thế giới của nước Mỹ đã giảm mạnh, khoảng 10% hoặc hơn thế, ở 65 quốc gia, trong đó có nhiều nước từng là đồng minh và đối tác lâu năm của Washington.

Bồ Đào Nha, Bỉ, Na Uy và Canada là những quốc gia thể hiện rõ nhất việc không ủng hộ khả năng lãnh đạo thế giới của Mỹ, với tỷ lệ ủng hộ giảm 40% hoặc nhiều hơn ở các nước này. Ngược lại, tỷ lệ ủng hộ khả năng lãnh đạo thế giới của Mỹ tăng 10% hoặc hơn ở 4 quốc gia là Liberia, Macedonia, Israel và Belarus.

Trong khi đó, có 67% người Israel tham gia thăm dò cho biết họ ủng hộ khả năng lãnh đạo thế giới của Mỹ. Tất nhiên, con số này có thể tăng nếu cuộc thăm dò được tiến hành sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Tại châu Mỹ, hình ảnh về khả năng lãnh đạo thế giới của Mỹ cũng chịu tác động mạnh mẽ. Chỉ có 24% ủng hộ Mỹ tới từ các nước trong châu lục này, thấp hơn nhiều so với mức 49% trong năm cuối làm việc của cựu Tổng thống Obama. Ở châu Âu, tình hình cũng không khả quan hơn khi chỉ có 25% ủng hộ về khả năng lãnh đạo thế giới của Mỹ, còn tỉ lệ này tại châu Á cũng tụt xuống còn 30%. Duy nhất tại châu Phi, tỷ lệ các nước ủng hộ khả năng lãnh đạo của Mỹ tăng lên mức 51%.

Việc tỉ lệ tín nhiệm từ các quốc gia về khả năng lãnh đạo thế giới của Mỹ giảm cũng tác động tới mức độ ảnh hưởng của Washington. Với 41% sự tán thành, Đức đã thay Mỹ để trở thành cường quốc được tín nhiệm nhất toàn cầu.

Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ từng dẫn trước Đức 7%. Kết quả hiện nay cho thấy sự ủng hộ dành cho các cường quốc trên thế giới dường như có chiều hướng trở lại như dưới thời cựu Tổng thống Bush, theo đó Đức đứng đầu, tiếp đó là Trung Quốc rồi Mỹ và Nga.