s-300
© Sputnik/ Dmitry KorobeinikovS-300
Sau vụ tấn công bất ngờ của Mỹ và các đồng minh hồi cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố cân nhắc kế hoạch chuyển hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300 cho Syria. Tuyên bố từ phía Nga đã khiến các nhà phân tích Israel không khỏi lo ngại.

Cụ thể, tờ Jerusalem Post cảnh báo "năng lực không quân ưu việt" của Israel đang đứng trước nguy cơ đối đầu với một trong những vũ khí hiện đại nhất của Nga nếu như Moscow quyết định bán cho Syria thêm các hệ thống phòng không hiện đại.

Cũng theo Jerusalem Post, tính mạng của các phi công Israel sẽ gặp nguy hiểm một khi Damascus nắm trong tay các loại tên lửa hoạt động hiệu quả. Theo thiết kế, hệ thống tên lửa S-300 của Nga có khả năng phòng thủ trước sự tấn công của các loại chiến đấu cơ cũng như tên lửa hành trình. S-300 cũng là một trong những hệ thống tên lửa tối tân nhất mà Nga đã sản xuất.

Trong khi đó, chia sẻ trên kênh I24 news, nhà phân tích Ron Ben-Yishai nhấn mạnh, Israel "cần phải thận trọng và sớm đưa ra những biện pháp ngăn chặn".

Bởi trước đó, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, Trung tướng Sergei Rudskoy cho hay, Nga sẽ cân nhắc việc bán các hệ thống S-300 cho Damascus. Tuyên bố của ông Rudskoy được đưa ra sau khi Mỹ cùng Anh và Pháp bất ngờ phóng 103 tên lửa hành trình về phía Syria hôm 14/4.

Điều đáng nói, trước đây, Nga từng hủy kế hoạch bán S-300 cho Syria do "đề nghị từ một số đối tác phương Tây". Nhưng theo Tướng Rudskoy, những diễn biến gần đây ở Syria khiến Nga tái cân nhắc đề xuất mua S-300 từ Damascus cũng như từ những quốc gia khác.

Cũng theo Jerusalem Post, Nga có thể chuyển giao các phiên bản nâng cấp của S-300 để tăng hiệu quả hoạt động hệ thống phòng không Syria vốn đã lỗi thời với những loại vũ khí được sản xuất từ thời Liên Xô cũ.

Hiện tại, hệ thống phòng không hiện đại nhất của Nga mà Damascus đang nắm trong tay là hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir S-1. Hệ thống này có khả năng bắn hạ các máy bay không người lái và tên lửa rơi vào vùng không phận Syria.

Lịch sử các vụ tấn công của Israel vào Syria

Kể từ năm 2013, Israel đã xác nhận tấn công khoảng 100 mục tiêu ở Syria. Trong khi nhiều vụ không kích khác được cho do quân đội Israel tiến hành nhằm vào Syria nhưng sau đó, quan chức Israel đã lên tiếng phủ nhận trách nhiệm.

Một số mục tiêu tấn công của Israel nhằm vào Syria nằm trên cao nguyên Golan. Cộng đồng quốc tế đã công nhận 2/3 diện tích cao nguyên Golan nằm dưới sự kiểm soát của Syria nhưng lại bị Israel tiến hành sáp nhập vào thập niên 80. Cho tới nay, cao nguyên Golan vẫn là khu vực tranh chấp căng thẳng giữa Syria và Israel.

Trong đó, khu vực phía đông cao nguyên Golan đang nằm trong sự kiểm soát của Syria đã trở thành mục tiêu chiếm đóng của các tổ chức khủng bố như Mặt trận al-Nusra, Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS cũng như nhiều nhóm phiến quân khác ở Syria.

Theo Israel, quân đội nước này đã tấn công nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Syria được cho là nơi các tay súng Hezbollah cất giấu vũ khí.

Hồi năm 2017, Israel đã ném bom vào một sân bay quân sự gần thủ đô Damascus. Chia sẻ với Sputnik, một quan chức Syria khẳng định, hành động của Israel là nhằm "khuyến khích và ủng hộ các tay súng khủng bố".

Mới đây, vào ngày 10/2, đáp trả trước cáo buộc một máy bay không người lái của Iran xâm nhập vào lãnh thổ Israel trái phép, quân đội Israel đã cho không kích nhằm vào nhiều vị trí ở Syria. Tuy nhiên, quân đội Syria đã bắn rơi một chiến đấu cơ của Israel trong vụ giao tranh này.

Theo nhiều nguồn tin, sau vụ việc này, quân đội Israel tiếp tục thực hiện một vụ không kích khác vào Syria và được cho đã cướp đi sinh mạng của từ 6 - 10 quân nhân cũng như làm thiệt hại 12 khu vực ở Syria.

Đối thủ của Israel đã có S-300

Vào năm 2016, Nga đã chuyển hệ thống tên lửa S-300 cho Iran, quốc gia được xem là "kỳ phùng địch thủ" của Israel ở Trung Đông nhưng lại là đồng minh thân thiết của Syria.

Bản thỏa thuận mua bán các hệ thống phòng không S-300 trị giá 800 triệu USD giữa Moscow -Tehran được ký kết hồi năm 2007. Tuy nhiên, thương vụ này đã buộc phải trì hoãn do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt với Iran vào giữa năm 2010.

Vào tháng 4/2015, Nga nối lại các cuộc thảo luận với Iran về thỏa thuận chuyển giao S-300 sau khi cộng đồng quốc tế đạt được một thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử với Tehran.

Cũng trong năm 2016, Đại sứ đặc biệt của Tổng thống Nga tại Afghanistan cho biết, Tehran rất quan tâm tới hệ thống phòng không S-400 hiện đại của Nga, nhưng hai nước hiện chưa thảo luận về chủ đề này.

S-400 là hệ thống phòng không thế hệ mới của Nga. Hệ thống này mang theo 3 loại tên lửa khác nhau, có thể phá hủy các mục tiêu trên không ở tầm ngắn cho tới tầm xa.