Russian Destroyer ship Smetlivy
Tàu khu trục Smetlivy
Hạm đội Hắc Hải của Hải quân Nga đã triển khai thêm hai tàu chiến được trang bị tên lửa dẫn đường đến chi viện lực lượng tại căn cứ thành phố Tartus, Syria.

Trang tin AMN dẫn các nguồn tin cho biết hai tàu chiến Nga được xác định là hộ tống hạm 868 Pytilvyy (lớp Krivak) và tàu khu trục 870 Smetlivyy (lớp Kashin).

Tàu 868 Pytilvyy được trang bị các loại tên lửa diệt hạm và săn ngầm, trong khi chiếc 870 Smetlivyy có khả năng tấn công những mục tiêu trên không, biển và đất liền. Cả hai tàu này đã di chuyển từ Biển Đen đến phía đông Địa Trung Hải và dự kiến đến vùng biển Syria trong vòng một tuần.

Trong khi đó, trang WaelalRussi thân chính phủ Syria ngày 21/4 cho biết các thủy thủ trên một tàu hải quân Nga tại quân cảng Tartus ở Syria đã dùng thiết bị tạo màn khói khi hoạt động tại cảng. Đây được cho là cách để Nga che mắt các loại vệ tinh, máy bay do thám khi nước này chuyển giao tổ hợp tên lửa phòng không S-300 cho Syria.

Một vận tải cơ chiến lược An-124 của Nga hôm 20/4 cũng hạ cánh xuống sân bay quân sự Hmeymim, tây nam Syria. Loại máy bay này từng được quân đội Nga sử dụng để triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 đến Syria vào cuối năm 2015 và đầu năm 2018. Do đó, một số nguồn tin địa phương cho rằng nhiều khả năng hệ thống tên lửa S-300 được vận chuyển đến Latakia theo đường hàng không.

Mặc dù vậy, hiện chưa có bằng chứng hay xác nhận nào về việc S-300 đã thực sự được đưa đến Syria.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước đó khẳng định nước này không còn chịu rào cản trong việc cung cấp tên lửa phòng không S-300 cho Syria, nhất là sau cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Damascus rạng sáng ngày 14/4.

Hôm 14/4, tướng Sergei Rudskoi, người đứng đầu Cục tác chiến chính của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, cho biết Nga đang cân nhắc cung cấp hệ thống phòng thủ S-300 cho Syria và một số quốc gia khác. Cách đây vài năm, Nga từng từ chối chuyển tổ hợp này qua Syria vì "yêu cầu có tính cấp thiết từ các đối tác phương Tây". Tuy nhiên, sau vụ không khích của Mỹ và đồng minh, ông Rudskoi nói rằng Nga có thể quay lại xem xét vấn đề này.

Động thái trên của Nga diễn ra trong lúc nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Harry S. Truman đến Địa Trung Hải vào ngày 21/4, một tuần sau khi phương Tây tấn công vào các cơ sở bị nghi sản xuất vũ khí hóa học ở Syria.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman bao gồm tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Normandy, cùng các tàu khu trục USS Arleigh Burke, USS Bulkeley, USS Forrest ShermanUSS Farragut.

Hải quân Mỹ cho biết 2 tàu khu trục USS Jason DunhamUSS The Sullivans cũng sẽ gia nhập nhóm tác chiến.