Petrol station Vietnam
Nhiều người dân lựa chọn xăng khoáng Ron 95
Sau đề xuất sớm triển khai bán xăng sinh học E5 RON 95 và ngừng bán xăng Ron 95 do Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) gửi đến Bộ Công thương, dư luận đã lập tức có những phản biện trái chiều.

Đa số người dân và doanh nghiệp cho rằng đề xuất nêu trên là không hợp lý và đi ngược lại tinh thần của nền kinh tế thị trường. Phóng viên Báo CATP đã có cuộc khảo sát, ghi nhận khách quan về vụ việc này...

Ý tưởng "trên bàn giấy"!

Chiều 3-5, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bộ này sẽ xem xét kỹ đề xuất pha cồn vào xăng RON 95 để tạo xăng sinh học, sau đó tập hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Thứ trưởng Hải, với thực tế hiện nay, cả nước chỉ có duy nhất một nhà cung cấp cồn E100 là Công ty TNHH Tùng Lâm. "Nếu chuyển đổi xăng RON 95 thành xăng sinh học, thì cũng phải đảm bảo nguồn cồn E100 cung cấp cho quá trình phối trộn" - ông Hải lưu ý và không quên nhắc rằng nếu thay thế E5 RON 95, thì cũng cần phải đảm bảo giá xăng có cạnh tranh so với xăng khoáng RON 95.

Theo lời của thứ trưởng thì Bộ Công thương thì hiện bộ này rất mong muốn làm tốt khâu sản xuất ethanol để tạo công ăn việc làm, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, bộ cũng chú trọng việc đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các loại xăng dầu, không làm tăng giá xăng sinh học.

Và để mọi việc được đi đúng quy trình, Bộ Công thương đang tập hợp báo cáo Thủ tướng trên tinh thần đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ người tiêu dùng, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường. "Nếu áp dụng bán tất cả bán xăng sinh học sẽ không ảnh hưởng đến những vấn đề trên thì không có vấn đề gì" - ông Hải khẳng định.

Nhưng vì sao Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lại có những lo ngại về sự cạnh tranh trong việc bán loại xăng mới này trên thị trường đến vậy? Chẳng là trước đó, tại một cuộc họp về xăng E5, đại diện Saigon Petro đã đặt ra vấn đề nên sớm triển khai bán xăng sinh học E5 RON 95 và chỉ kinh doanh 2 loại xăng sinh học là E5 hiện tại và E5 RON 95. Ý kiến này lập tức gây ra những phản ứng trái chiều từ dư luận và kể cả là các doanh nghiệp đang bán lẻ xăng dầu hiện nay.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1.429.905 m3. Trong đó xăng E5 đạt khoảng 593.609 m3, chiếm tỷ trọng khoảng 42%; xăng RON 95 đạt khoảng 836.296 m3, chiếm tỷ trọng khoảng 58%.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc bán xăng E5. Theo đó, tỷ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khi sử dụng xăng E5, bởi dư luận trong xã hội còn có nhiều ý kiến trái chiều.

Chính từ lý do này, Bộ Công thương sau bước đầu nắm bắt ý kiến của người dân và doanh nghiệp, đã cho thấy sự thận trọng cao độ sau đề xuất của Saigon Petro bằng khẳng định sẽ "đảm bảo tính cạnh tranh thị trường" đối với các loại xăng sinh học. Và như vậy, việc có dừng hay không dừng việc bán xăng Ron 95 (theo đề xuất của Saigon Petro), rõ ràng vẫn chỉ là một "ý tưởng" còn đang "nằm trên bàn giấy"! "Đây mới chỉ là đề xuất" - Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh lại nội dung này.

Đi ngược kinh tế thị trường?

Nguyên nhân nào khiến người dân không đồng tình với đề xuất bỏ bán xăng Ron 95 (xăng khoáng)? Theo khảo sát của chúng tôi, đề xuất trên vấp phải sự phản ứng bởi nhiều lý do, mà yếu tố đầu tiên phải kể đến đó là người tiêu dùng nghi ngại chất lượng của xăng sinh học pha cồn không được đảm bảo. Như vậy, có thể nôm na hiểu rằng xăng sinh học vẫn chưa gầy dựng đủ niềm tin với người tiêu dùng!

"Nếu bỏ xăng Ron 95 thì tôi nghĩ phải bỏ luôn kinh doanh xe tay ga và xe số động cơ Fi (phun xăng điện tử) đi. 90% dân số Việt Nam đi xe máy, những dòng xe tay ga và xe số Fi đều phải đổ Ron 95" - anh Nguyễn Tuấn Cường, một độc giả chia sẻ quan điểm trên một trang mạng khi nói về đề xuất bỏ xăng Ron 95.

Một bạn đọc khác tên Trần Anh Tuấn cũng cho biết anh này đã từng đổ xăng E5 cho xe máy có hệ thống phun xăng điện tử, và kết quả là "không bị chết máy giữa đường thì cũng bị hụt ga". "Tôi đi xe Sirius Fi, ngày trước hay đổ xăng Ron 95 giá rẻ, đi êm máy lắm. Từ ngày có xăng E5 sinh học, tôi dùng thử khoảng 1 tháng thi thấy hay bị chết máy, sáng ra đề khó nổ. Biết bao xe bị hư, đem vào hãng bảo trì mới té ngửa ra động cơ có vấn đề là do xăng sinh học không phù hợp. Thôi thì đành phải bấm bụng dùng Ron 95, đắt hơn một chút nhưng yên tâm" - anh Tuấn nói.

Tương tự, nhiều chủ cây xăng trả lời phỏng vấn của Báo CATP cũng thừa nhận xăng E5 hiện bán rất ế và hầu như người dân "không thèm ngó ngàng đến", mặc dù giá thành rẻ hơn đôi chút và thân thiện với môi trường.


Nhận xét: Luận điểm xăng E5 "thân thiện với môi trường" là hoàn toàn sai lầm. Xăng sinh học không phải được sản xuất từ sản phẩm sinh học phế thải mà là từ ngô, khoai, sắn thành phẩm. Nghĩa là phải dành ra đất nông nghiệp, nước tưới để trồng nên chúng. Việt Nam vốn là quốc gia đất chật người đông, đất nông nghiệp luôn suy giảm, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gia tăng, đốt ngô, khoai, sắn cho ô tô, xe máy là việc làm gây hại trong tương lai lâu dài.

Xăng E5 cũng không hề rẻ hơn xăng khoáng. Giá thành hiện nay của nó rẻ hơn là do được bù lỗ. Tóm lại, đề xuất bỏ hẳn xăng khoáng Ron 95 là một dạng áp đặt duy ý chí và lợi bất cập hại.


"Cái gì cũng có nguyên do của nó và tôi nghĩ người dân có cơ sở để chọn Ron 95. Khi bạn mua xăng, đường nhiên điều bạn muốn là nó phải giúp động cơ của bạn chạy tốt. Tính hiệu quả vẫn là trên hết" - một chủ cây xăng nhận xét.

Chính từ những đánh giá chưa tích cực về xăng sinh học này nên đa số người dân khi được hỏi có chấp nhận đề xuất ngừng bán xăng khoáng hay không, đã bày tỏ sự phản đối.

"Đề xuất nào cũng phải đặt lợi ích của người dân lên đầu, phải tôn trọng nền kinh tế thị trường chứ không phải đi ngược lại như thế. Người dân có quyền được lựa chọn sản phẩm mình thích theo đúng quy định pháp luật chứ không phải là cưỡng ép, bắt buộc chúng tôi phải lựa chọn 1, 2 mặt hàng đã định sẵn. Nếu xăng E5 thực sự tốt và rẻ thì cứ để thị trường tự quyết định, tại sao phải bỏ xăng khoáng để ép buộc sử dụng xăng pha cồn?" - chị Lương Thanh Tâm (ngụ Q.Thủ Đức), đặt vấn đề.

Cũng có một số ý kiến cho rằng sử dụng xăng E5 thì sẽ có lợi cho ngành nông sản như khoai mì, sắn ở trong nước và hạn chế việc nhập xăng dầu từ nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, với loại xăng này, lượng cồn chỉ chiếm 5%, 95% còn lại vẫn là xăng khoáng và phụ thuộc vào nhập khẩu.

Đề xuất do đâu?

Không phải không có nguyên do để Saigon Petro gửi lên một đề xuất gây tranh cãi như vậy! Theo thông tin chúng tôi nắm được từ một chuyên gia trong ngành xăng dầu thì trước đây, khi xăng Ron 92 thịnh hành, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có nhiều đầu mối để lựa chọn thu mua xăng dầu, chủ động đầu vào để kinh doanh. Do vậy, khi "khai tử" xăng Ron 92 và đề xuất thêm Ron 95 nữa để chuyển qua bán độc quyền xăng sinh học thì chỉ có vài "ông lớn" đầu tư trạm phối trộn xăng sinh học. Điều này có nghĩa đầu vào của họ không được tự do thoải mái như trước, và cũng đồng nghĩa với việc sự tự do trong nền kinh tế thị trường sẽ bị mất đi (?).

Trao đổi với phóng viên Báo CATP, một lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cho biết, sở này từng nhận được một số văn bản của các công ty kinh doanh xăng dầu, đề nghị tạm ngưng kinh doanh xăng E5, vì sản lượng bán ra rất thấp, mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng.

Còn về phía Saigon Petro, đơn vị này cũng thừa nhận việc duy trì bán xăng sinh học thời gian qua không mang lại lợi nhuận cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, việc sử dụng quỹ bình ổn để tạo chênh lệch giữa xăng E5 và Ron 95 là không phù hợp, và không công bằng đối với các đơn vị đầu mối tiêu thụ xăng E5.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, khi bán ra 1 lít xăng E5, công ty đầu mối phải trích ra trong quỹ bình ổn 857 đồng/lít để bù đắp một phần lỗ do chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng E5.

Như vậy, đối với các đầu mối tiêu thụ mạnh mặt hàng xăng E5, quỹ bình ổn của công ty đầu mối đó sẽ giảm đáng kể, trong khi các đơn vị đầu mối không có xăng E5 thì quỹ bình ổn vẫn được đảm bảo. Điều này sẽ không khuyến khích các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng E5 và đi ngược với chủ trương của Chính phủ, là phát triển mặt hàng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường.

"Nhằm mục đích vừa tạo sự công bằng cho đơn vị kinh doan xăng E5, vừa để đẩy mạnh xăng E5 ra thị trường. Không nên dùng quỹ bình ổn để tạo khoảng cách giá mà nên dùng chênh lệch về thuế bảo vệ môi trường để tạo khoảng cách giữa xăng E5 và xăng A95", một đại diện Saigon Petro nói.

Người dân hiện vẫn chưa tin dùng xăng sinh học, dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh loại xăng này than lỗ, đó là một thực tế mà ai cũng thấy và cần phải có phương án dài hơi để khắc phục. Nhưng liệu rằng câu chuyện nêu trên có phải là nguyên nhân chính để Saigon Petro làm nên đề xuất khiến người dân phản đối?

Khuyến khích sử dụng các khí đốt sinh học để góp phần bảo vệ môi trường là một việc làm luôn được người dân đồng thuận, nhưng lợi dụng vào chủ trương đó để tạo ra đề xuất đi ngược lại tinh thần tự do buôn bán, thu mua của nền kinh tế thị trường, chắc chắn là điều không thể được chấp nhận.