comet catalina
Một số nhà thiên văn học vừa lên tiếng cảnh báo nguy cơ trái đất bị một sao Chổi đâm trúng đã tăng gấp nhiều lần so với dự báo cách đây 20 năm.

Đáng chú ý, theo họ, các sao Chổi ở xa này chưa từng bị theo dõi chặt chẽ dù hiểm họa từ chúng có thể lớn hơn cả thiên thạch gần trái đất.

Cách đây khoảng 2 thập kỷ, các nhà khoa học phát hiện hàng trăm sao Chổi khổng lồ, được gọi là "nhân mã", tồn tại trong hệ mặt trời. Chúng được cấu thành phần lớn từ đá và bụi, đường kính khoảng 50-100 km và hoạt động không ổn định.

Theo tính toán, cứ cách 40.000-100.000 năm sẽ có một "nhân mã" hướng về phía quả địa cầu của chúng ta và mỗi 30.000 năm sẽ có một "nhân mã" đi qua quỹ đạo của trái đất. Trong một công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Thiên văn học và Địa vật lý của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia Anh (RAS) mới đây, nhóm tác giả cho biết những sao Chổi khổng lồ nói trên khi đến gần mặt trời sẽ bị sức nóng phá hủy và vỡ thành nhiều mảnh nên tác động của chúng lên trái đất là điều khó tránh.

Thêm vào đó, khối lượng của một "nhân mã" lớn hơn tổng khối lượng của toàn bộ thiên thạch bay ngang trái đất được biết đến cho đến giờ. Ông Bill Napier, đồng tác giả công trình trên và hiện làm việc tại Trường ĐH Buckingham (Anh), cho hay trong vòng 3 thập kỷ qua, nhóm nghiên cứu đã dành nhiều công sức để theo dõi và phân tích nguy cơ xảy ra va chạm giữa trái đất và thiên thạch.

Qua thời gian, họ nhận thấy những sao Chổi ở xa thậm chí có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với trái đất nên kêu gọi giới khoa học giám sát chúng nhiều hơn thay vì chỉ tập trung vào thiên thạch.

"Một số thảm họa tuyệt chủng lớn nhất trong quá khứ, ví dụ như sự tuyệt chủng của loài khủng long 65 triệu năm trước, có thể liên quan đến giả thuyết trái đất va chạm với sao Chổi khổng lồ" - nhóm nghiên cứu cho biết. Theo báo Daily Mail, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang theo dõi khoảng 12.992 vật thể gần trái đất, trong đó có 1.607 vật thể bị xem là mối đe dọa tiềm tàng.