gaza protest march of return
© European Press Association
Hành động đạo đức giả?

Ngày 16/5 vừa qua, hai ngày sau khi sát hai hơn 100 người biểu tình Palestine, quân đội Israel (IDF) đã điều 2 xe tải chở đầy thuốc men tới Gaza. Hoạt động cứu trợ này đã bị phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza từ chối (Hamas vốn chỉ nhận đồ tiếp tế của Chính quyền Palestine (PA) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)).

Cũng trong ngày hôm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman tuyên bố chỉ trích các thủ lĩnh Hamas và lớn tiếng rằng IDF "đã hành động theo các tiêu chuẩn đạo lý mà chúng ta không thể thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới này".

Giới phân tích Trung Đông đã chỉ ra chiến thuật của Israel và gọi đây là sự ngang ngược. Trang Middle East Monitor cho rằng Tel-Aviv đã "cho ăn đạn trước và cứu giúp sau", mưu toan "chơi quân bài nhân đạo" sau khi khiến hàng nghìn người Palestine bị thương, nhiều người trong đó mang thương tật suốt đời.

Ngoài ra, đã có ít nhất 111 người Palestine, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đã bị các binh sĩ Israel sát hại chỉ trong vài tuần vừa qua.

Theo Middle East Monitor, cả hai tuyên bố nói trên đều là những lời lẽ dối trá trắng trợn mà không nhận được sự ủng hộ nào của cộng đồng quốc tế. Sự dối trá của ông Lieberman nhằm phục vụ cho việc "quảng bá" hình ảnh giả tạo về thái độ sẵn sàng làm việc thiện của Israel khi gửi hàng cứu trợ nhân đạo cho khu vực của người Palestine.

Israel còn lên tiếng cáo buộc Hamas sử dụng dân thường làm "lá chắn sống". Tuy nhiên, ông Lieberman lại không hề đả động rằng cuộc khủng hoảng y tế ở Gaza là hậu quả của việc vùng đất này bị phong tỏa suốt 12 năm qua. Ngành y tế ở Gaza đã đứng trên bờ vực sụp đổ từ nhiều tháng nay.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao suốt những năm qua Israel không cứu giúp gì mà bây giờ mới gửi hàng cứu trợ? Hai chiếc xe tải chở thuốc men, dụng cụ y tế chỉ có thể được xem như là một mưu toan nhằm làm chuyển hướng sự chú ý từ vụ "thảm sát" người Palastine của IDF.

Trang Middle East Monitor thậm chí đã gọi việc IDF gửi đồ cứu trợ tới Gaza sau khi sát hại hơn 100 người Palestine có động cơ "hèn hạ". Đây được coi là cách "rẻ mạt nhất" của Israel nhằm ngăn cản cuộc đấu tranh chống thực dân của người Palestine.

Việc Hamas từ chối nhận hàng cứu trợ của IDF là một lập trường mang tính nguyên tắc. Chấp nhận hàng viện trợ của IDF không khác gì "bật đèn xanh" cho lính bắn tỉa Israel. Hamas đã cho phép các xe chở hàng cứu trợ của các tổ chức khác vào Gaza.

Tội ác bị phớt lờ

Ngày 15/5 đánh dấu kỉ niệm 70 năm cái mà người Palestine gọi là Nakba, hay "thảm họa" trong giai đoạn hầu hết người Arab Palestine đã phải bỏ trốn hoặc bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình khi nhà nước Israel ra đời vào năm 1948.

Xấp xỉ 70% trong số 2 triệu dân Palestine ở Gaza là người tị nạn đến từ các vùng đất mà hiện là của Israel.

Từ ngày 30/3 vừa qua, hàng chục nghìn người Palestine đã tham gia các cuộc tuần hành và biểu tình phản đối Israel tại khu vực biên giới giữa Dải Gaza và Israel. Người tham gia biểu tình đòi quyền được trở về những thị trấn, làng mạc mà gia đình họ buộc phải rời đi hoặc bị xua đuổi khi thành lập Nhà nước Israel năm 1948.

Năm 2005, Israel đã rút toàn bộ quân đội khỏi Dải Gaza, song đến nay nước này vẫn kiểm soát chặt chẽ vùng đất và biên giới trên biển ở khu vực này.

Mặc dù có các vụ ném đá và tìm cách vượt qua hàng rào biên giới, nhưng đại đa số người biểu tình hết sức hòa bình, phần lớn những người bị lực lượng vũ trang Israel giết hại đều không được vũ trang, trong đó có trẻ em và một số nhà báo.

Đỉnh điểm các vụ đụng độ vừa qua là ngày 14/5 khi Mỹ chính thức chuyển Đại sứ quán tại Israel đến Jerusalem. Hơn 60 người Palestine, trong đó có cả trẻ em, đã bị lực lượng Israel vũ trang đầy đủ bắn chết.

Trong nhiều năm, tiến trình hòa bình do Mỹ dẫn dắt đã tập trung sức lực vào khoảng 40% khu Bờ Tây mà PA hoạt động ở đó, trong khi về cơ bản lờ đi Dải Gaza và Đông Jerusalem.

Một trong những lý do Dải Gaza không được chú ý vì khu vực này do Hamas kiểm soát. Tổ chức này chính thức bị coi là tổ chức khủng bố nước ngoài. Trong khi đó, Đông Jerusalem không được coi trọng là vì tính nhạy cảm của nó đối với Israel.

Từ năm 2007, cùng với 3 cuộc chiến tranh lớn, tình trạng phong tỏa do Israel áp đặt đã tàn phá nền kinh tế và cơ sở hạ tầng dân sự của Gaza. Tỷ lệ thất nghiệp ở Gaza đứng ở mức đáng kinh ngạc 43%.

Khoảng 39% trong số 2 triệu người Palestine ở Gaza sống trong cảnh nghèo đói với 80% trong số đó sống dựa vào viện trợ lương thực quốc tế.

Trong lúc đó, 97% nguồn cung cấp nước của Gaza bị ô nhiễm do chất thải và nước biển. Theo Liên hợp quốc, sự thiếu hụt nước sạch và nhiên liệu, còn hơn cả các dịch vụ giáo dục và y tế thiếu thỏa đáng, trên thực tế đã khiến Dải Gaza trở nên không thể cư trú được.

Tình trạng cô lập Đông Jerusalem đã trở nên ít rõ ràng hơn nhưng vẫn mang tính hệ thống. Như với vấn đề người tị nạn, số phận của Jerusalem, trong đó có số phận của khu vực phía Đông thành phố mà Israel chiếm đóng từ năm 1967, đã bị trì hoãn bởi Hiệp định Oslo.

Bị Israel từ chối các dịch vụ và cắt đứt khỏi Chính quyền Palestine, Đông Jerusalem và khoảng 300.000 người Palestine ở đó sống trong tình trạng bị lãng quên về xã hội và chính trị.

Ngoài việc bị cô lập bên ngoài khỏi Bờ Tây và bị chia rẽ bên trong bởi các khu định cư của Israel và bức tường chia cắt, người dân Palestine của thành phố đã phải chịu sự đối xử khác biệt và bất công trong gần như mọi mặt của cuộc sống, bao gồm thuế, chỗ ở, giáo dục, nước, dịch vụ y tế và quyền cư trú.

Mặc dù người Palestine chiếm khoảng 38% dân số thành phố, nhưng người Palestine ở Jerusalem chỉ nhận được 12% ngân sách thành phố. Khoảng 75% người Palestine sống ở Jerusalem sống dưới mức nghèo khổ.

Các chính sách như vậy đã gia tăng vào năm 2000 sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Trại David và sự bùng nổ của phong trào Intifada lần thứ hai.

Hơn 14.000 người Palestine sống ở Jerusalem có quyền định cư đã bị Israel thu hồi kể từ năm 1967, hơn một nửa trường hợp đã xảy ra sau năm 2001.