Kim Jong-un
© Ed Jones/AFP/Getty Images
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCN) hôm 22/5 đăng tải một bài bình luận thể hiện rõ ràng quan điểm của Bình Nhưỡng đối với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều.

KCNA nêu rõ, bằng việc quyết định tổ chức một cuộc đối thoại với Mỹ, ông Kim "đang bảo vệ hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực".

"Ông ấy đã đưa ra một quyết định chiến lược để chấm dứt lịch sử không có tiếng tăm gì trong quan hệ Triều Tiên-Mỹ và đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đã tới thăm Triều Tiên" - hãng thông tấn Triều Tiên viết.

KCNA ca ngợi nỗ lực tạo dựng hòa bình của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chứ không phải do sức ép từ bên ngoài để đưa ra ý tưởng và chấp thuận một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều.

Tờ báo nhắc lại những nỗ lực đi ngược với sự thiện chí của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là những quan điểm cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên cởi mở cho một cuộc gặp thượng đỉnh bởi sức ép từ cả chính sách ngoại giao và kinh tế của Mỹ.

"Có một số lập luận cho rằng sự cải thiện tình hình trên bán đảo Triều Tiên là 'kết quả của thuật ngoại giao không khoan nhượng' của Mỹ và 'kết quả của sức ép được duy trì liên tục'.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới bầu không khí của đối thoại Mỹ- Triều Tiên và không giúp gì được cho sự tiến triển tình hình" - tờ báo nhấn mạnh.

Bài bình luận của KCNA đưa ra trong khi Mỹ cũng như các nước Nhật Bản đang tìm các phương án nhằm vừa gây sức ép vừa muốn đảm bảo Bình Nhưỡng cam kết thực hiện các tiến trình phi hạt nhân hóa theo ý chí của Washington.

Thay vì phủ nhận vai trò của những sức ép mà Washington đặt ra với Bình Nhưỡng, hãng thông tấn Triều Tiên đã gọi đây là những động thái làm ảnh hưởng nghiêm trọng cho chính cuộc thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên và vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo.

Với việc khẳng định vai trò tạo dựng hòa bình của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tờ báo này phần nào cho thấy những ý chí mạnh mẽ của Bình Nhưỡng trong việc dẫn đắt cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên và lý giải được các phản ứng của họ thời gian qua khi chứng kiến những cuộc tập trận chung của Mỹ - Hàn Quốc mang tên "Thần Sấm" và cuộc tập trận chung trên không với sự tham gia của Nhật Bản mang tên "Sét Xanh".

Triều Tiên đã thẳng thắn chỉ trích cả cuộc tập trận chung của lực lượng phòng vệ trên bộ và trên biển của Nhật Bản (SDF) đang tiến hành cuộc tập trận chung trong bối cảnh Chính phủ Nhật sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ cam kết về việc không phát động chiến tranh nhằm mục đích mở rộng hoạt động quân sự của họ ra nước ngoài.

Với tuyên bố thẳng thắn như vậy, Triều Tiên đang chơi bài ngửa với Mỹ: Bình Nhưỡng đã rất thiện chí hòa bình, từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un mở cửa với Hàn Quốc thông thông qua Thế vận hội Mùa Đông, tươi cười rạng rỡ cùng cầm tay nhà lãnh đạo Hàn Quốc bước qua biên giới, bày tỏ sự thống nhất cho cả hai miền, thậm chí đã bắt đầu khởi động những tiến trình phi hạt nhân hóa đầu tiên- đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri...

Dẫu việc đóng cửa bãi thử hạt nhân này mang đến nhiều tranh cãi bởi bãi thử này có thể đã hết niên hạn sử dụng hoặc có thể do Bình Nhưỡng đã thử nghiệm xong các chương trình hạt nhân của mình, nhưng Triều Tiên cũng đã thể hiện động thái tích cực khi mời các phóng viên báo đài quốc tế đến để đưa tin về sự kiện.

Trong khi đó, Mỹ cũng như Hàn, Nhật đều không thể hiện sự "có đi có lại" nào.

Mỹ đã tiến hành hàng loạt các động thái gây căng thẳng một cách rõ rệt khi liên tục tập trận chung với Hàn Quốc, Nhật Bản; đưa USS Milius, một trong những tàu khu trục tên lửa dẫn đường tiên tiến nhất tới Nhật Bản để đối phó với bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nào của Triều Tiên hoặc một nước bất kỳ ở Đông Á.

Tổng thống Mỹ cũng không quên một "cú bồi" khi đề cập tới Trung Quốc cũng phải gây sức ép với Triều Tiên.

Về phía Hàn Quốc, Bình Nhưỡng cáo buộc Seoul cho phép những người Triều Tiên đào tẩu rải truyền đơn qua biên giới, nhấn mạnh rằng lãnh đạo hai nước đã cam kết không thực hiện các hành vi thù địch. Triều Tiên khẳng định Hàn Quốc có trách nhiệm thực thi thỏa thuận và ngăn chặn những hành động này, dù đó là hành vi mang tính cá nhân.

"Nếu quan hệ hai miền trở nên xấu đi một lần nữa thì chính quyền Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm. Họ cần biết cái giá phải trả sẽ như thế nào", một bài xã luận khác trên KCNA khẳng định.

Sự đối lập về mặt thiện chí của Washington và Bình Nhưỡng khó giúp Triều Tiên tiếp tục tin tưởng mạnh mẽ vào thượng đỉnh Mỹ- Triều sắp tới.

Cho tới nay, Triều Tiên đã thực hiện một phần các cam kết và chứng kiến, bình luận, chỉ trích khi trông thấy những phản ứng đối lập của phía còn lại. Giới chức Triều Tiên cũng chưa từng đưa ra một điều kiện nào cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.

Bình Nhưỡng vẫn mở cánh cửa đối thoại nhưng họ vẫn chủ động và vẫn xem xét các thiện chí thực sự của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thượng đỉnh Mỹ- Triều ít có khả năng bị hủy bỏ nhưng nó sẽ phụ thuộc lớn vào thiện chí của Triều Tiên trước các động thái vừa dè chừng vừa uy hiếp của phía Mỹ.