Vietnam traffic toll point
Ngày 26/5, thông tin từ Bộ GTVT cho biết, các cơ quan chức năng của bộ sẽ tiếp thu ý kiến của người dân trong việc sửa tên gọi các trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cho phù hợp, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin.

Bộ GTVT cũng vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giải thích về việc vì sao chuyển đổi quản lý dịch vụ đường bộ tại các dự án BOT từ cơ chế quản lý phí sang cơ chế quản lý giá.

Theo đó, giai đoạn trước 1/1/2017, dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được quản lý theo cơ chế phí ban hành theo Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 và Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Từ 1/1/2017 đến nay, phí sử dụng đường bộ là một trong 17 loại phí được chuyển thành giá sản phẩm, dịch vụ, được thực hiện quản lý theo cơ chế giá, phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Giá, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại các Thông tư 35/2016/TT-BGTVT và Thông tư 49/2016/TT-BGTVT có nêu, trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông.

Thông tin trên các báo cho biết Bộ GTVT thừa nhận, việc các nhà đầu tư sử dụng tên gọi "trạm thu giá" đã tạo ra những ý kiến bất bình trong dư luận và cần được sửa đổi. Bộ GTVT sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án xem xét tìm tên gọi nhằm đảm bảo chuẩn mực của tiếng Việt và phù hợp với bản chất nguồn thu.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, ôn sẽ cung cấp thông tin liên quan đến BOT và nội dung liên quan đến việc đổi tên "trạm thu phí" thành "trạm thu giá" BOT cũng nằm trong phần trả lời này.

Như vậy, từ phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đến những thông tin Bộ GTVT đưa ra đều cho thấy, dường như Bộ đang nhìn nhận vấn đề của BOT - trạm thu giá hay trạm thu phí chỉ đơn thuần là về câu chữ và cái mà lãnh đạo Bộ hứa sẽ làm là giải thích cho rõ thế nào là thu giá, thế nào là thu phí. Trong khi đó, bản chất của vấn đề không nằm ở từ ngữ, tên gọi mà nằm ở chỗ: thu tiền dựa trên cơ sở nào, có hợp lý hay không. Không thể hợp lý khi người tham gia giao thông không sử dụng dịch vụ (con đường do doanh nghiệp tự đầu tư 100%) mà vẫn phải nộp tiền vì họ dựng BOT thu tiền ngay trên đường quốc lộ.

Bên cạnh đó, khi câu chuyện đổi tên "trạm thu phí" thành "trạm thu giá" gây xôn xao, nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi tên như vậy là vì giá cao hơn phí, giá là do doanh nghiệp định ra, còn phí là do Bộ Tài chính quy định; giá thì mỗi nơi mỗi khác nhưng phí thì thống nhất toàn quốc.

Cũng có ý kiến bày tỏ, "trạm thu phí" được đổi thành "trạm thu giá" nhằm lách luật, bởi phí đường bộ thì ai cũng phải đóng, bây giờ nếu lập trạm BOT thu tiền mà gọi là phí thì sẽ bị chỉ trích: phí chồng phí.

Thế nhưng, đó cũng chưa phải là những điểm người dân thắc mắc. Dân không hề thắc mắc về chủ trương làm BOT, điều người dân cần chỉ là minh bạch, đàng hoàng: BOT do doanh nghiệp làm và thu phí phải là một con đường mới, không phải là độc đạo, duy nhất. Còn đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ thì dân đã nộp phí giao thông đường bộ rồi, không được cho doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo qua loa rồi dựng trạm BOT để thu phí với bất cứ lý do nào.

Còn như hiện nay, nhiều trạm thu phí - thu giá được đặt ở các vị trí "yết hầu" trên các con đường độc đạo, làm đường một nơi đặt trạm thu tiền một nẻo, thì dù có là "trạm thu phí" hay "trạm thu giá" cũng chỉ là cuộc khẩu chiến ngôn từ mà thôi, không phải là bản chất của vấn đề.