Nuland at Maidan 2014
© AP Photo/ Andrew Kravchenko, PoolTrợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland "úy lạo" lực lượng cực đoan cánh hữu sau khi bạo loạn Maidan
Vụ xả súng vào người biểu tình ở Maidan không phải do lực lượng Chính phủ Ukraine thực hiện mà do phe đối lập được phương Tây hậu thuẫn tiến hành.

Báo Deutsche Wirtschafts Nachrichten của Đức ngày 2/1 dẫn kết quả một cuộc nghiên cứu của Đại học Tổng hợp Ottawa (Canada) cho biết thông tin trên. Dựa trên hàng nghìn bằng chứng, từ các video, ảnh, hình ảnh từ truyền hình trực tiếp, tin tức truyền thông và mạng xã hội..., Đại học Tổng hợp Ottawa đã đưa ra một kết luận trái ngược với các thông tin được các chính phủ và truyền thông phương Tây cũng như nhiều học giả thừa nhận lâu nay.

Theo Đại học Tổng hợp Ottawa, vụ thảm sát vốn dẫn tới việc hạ bệ chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovych và làm tình trạng Chiến tranh lạnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đối với Nga quay trở lại không phải do ông Yanukovych chỉ đạo thực hiện mà vụ xả súng ở Maidan nhằm vào khoảng 50 người biểu tình ngày 20/2/2014 này thuộc trách nhiệm của lực lượng đối lập được phương Tây ủng hộ. Vụ thảm sát chính là bước ngoặt mang tính quyết định trong chính sách Ukraine và cuộc xung đột giữa Nga với phương Tây.

Theo kết luận của cuộc nghiên cứu, bằng bạo lực, nhóm của bà Yulia Timoshenko và các lực lượng cực đoan cánh hữu đã thực sự đạt được mục tiêu của mình, đó là hạ bệ chính phủ của ông Yanukovych và mở đường cho một chính sách chống Nga. Một trong số các kết luận nghiên cứu được đưa ra là đảng Liên minh toàn Ukraine "Tổ quốc" của bà Timoshenko rõ ràng giữ vai trò hàng đầu trong vụ chính biến này.

Kể từ năm 2008, đảng Liên minh toàn Ukraine "Tổ quốc" đã trở thành một đảng "chị em" với đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và cả hai đảng là liên minh của Đảng Nhân dân châu Âu (EPP). Ngoài ra, Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung của Đức cũng nhúng tay mạnh mẽ vào vụ chính biến ở Ukraine. Từ năm 1994, quỹ này đã có những hoạt động tích cực ở Ukraine và đã thực hiện trên 500 dự án ở nước này.

Kết luận nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù Chính phủ Ukraine sau đó đã điều tra và xác định các thành viên của lực lượng đặc nhiệm Berkut chịu trách nhiệm gây ra vụ thảm sát, song không đưa ra được bằng chứng để chứng minh cho kết luận đó.

Thông tin tờ báo Đức đưa ra đã minh oan cho Nga. Từ tháng 1/2015, báo cáo của Hội đồng châu Âu cũng kết luận, chính quyền Ukraine không thể xác minh được sự dính líu của Nga trong phong trào biểu tình Maidan.

Đến tháng 10/2015, Tổng Công tố Ukraine Viktor Shokin cũng đã phải lên tiếng thừa nhận rằng cơ quan này không tìm được bất cứ thông tin nào về sự dính líu của Nga đến thảm kịch đối với người biểu tình Ukraine trong sự kiện Maidan năm 2014.

Trong buổi trả lời phỏng vấn tờ Sự kiện của Nga hồi tháng 10/2015, ông Shokin đã thừa nhận: "Hiện tôi không có thông tin nào về dấu vết của Nga trong vụ hàng trăm người bị bắn ở Maidan. Từ những tang chứng mà chúng tôi có được thì không thể đưa ra kết luận Nga có liên quan. Điều đó không phải là do chúng tôi không thể hoặc không muốn chứng minh mà đơn giản là chúng tôi không có cơ sở để nói về điều đó".

Theo ông Shokin, chính cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) Valetine Nalivaichenko là người nêu ra ý kiến về việc Nga có liên quan đến Maidan 2014. Khi đó, ông Nalivaichenko cho biết có một quan chức Nga nào đó đã có mặt ở Kiev trong mùa đông 2014 và ra lệnh cho bính lính bắn vào người biểu tình. Tuy nhiên ông Nalivaichenko lại không đưa ra được bằng chứng nào.

Tháng 2/2015, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã tuyên bố rằng, theo báo cáo của một số binh sỹ thuộc lực lượng "alpha" của SBU thì Vladislav Surkov- Trợ lý của Tổng thống Nga, dường như là người chỉ huy các đội nhóm bắn tỉa ở sự kiện Maidan 2014.

Đến tháng 4/2015, Giám đốc SBU Nalivaichenko tuyên bố rằng ông Surkov dường như đã có mặt tại Kiev trong sự kiện Maidan 2014. Tuy nhiên, sau đó ông Shokin lại không nhận được bất cứ lời khẳng định nào cho thấy ông Surkov đã ở Kiev trong tháng 2/2014.