F-35 Lightning fighter jet
F-35
Tờ Times dẫn lời quan chức giấu tên ở Bộ Quốc phòng Anh phát biểu hôm 7/6 cho biết, phi đội 4 tiêm kích tàng hình F-35B Mỹ bàn giao cho Anh bị chậm trễ do bị hoãn bay một ngày vì gặp thời tiết không thuận lợi.

Vị quan chức này tức giận cho biết: "Thật thảm hại và quá xấu hổ. Tôi không hiểu tại sao thời tiết có thể là rào cản với loại tiêm kích được thiết kế để có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết như F-35B".

Theo kế hoạch, bốn chiếc F-35B xuất phát từ Mỹ, vượt qua Đại Tây Dương và đáp xuống căn cứ không quân Marham, phía đông nước Anh, vào hôm 5/6. Nhưng chúng phải nằm tại bang Nam Carolina, Mỹ do điều kiện thời tiết xấu, khiến thời điểm bàn giao bị chậm lại.

Một nguồn tin quân sự khác dẫn lời một quan chức Anh cho rằng, vấn đề nằm ở việc F-35B và những phiên bản còn lại của nó đều chỉ được thiết kế với một động cơ, khiến nó khó có thể hạ cánh an toàn nếu gặp sự cố khi bay xuyên qua Đại Tây Dương.

Vị quan chức này cho biết: "Đó là vấn đề thường trực với tiêm kích một động cơ. Bạn có thể mua một chiếc Typhoon hai động cơ với giá chỉ bằng một nửa F-35, giúp nó bay qua đại dương một cách an toàn hơn nhiều".

Được biết, sự cố với F-35B khiến người Anh nổi giận chưa thấm vào đâu so với kỷ lục trong chuyến bay của phi đội 10 chiếc F-35B từ Mỹ đến Nhật Bản hồi năm 2017. Trong chuyến bay này, Thủy quân lục chiến (TQLC) Mỹ phải mất quãng thời gian 7 ngày và cần tới 250 lần tiếp dầu trên không để những chiếc F-35B đến được đích.

Theo Aviation Week, phi đội gồm 10 chiếc F-35B xuất phát từ căn cứ ở Yuma, bang Arizona hôm 18/1 bay đến căn cứ ở Iwakuni, Nhật Bản vào ngày 25/1.

Ngoài việc phải mất cả tuần để F-35B bay từ Mỹ sang Nhật, trong chuyến bay đầu tiên vượt Thái Bình Dương của 10 chiếc F-35B, Không lực Mỹ đảm trách việc tiếp dầu cho số máy bay này với thái độ rất thận trọng khi cho máy bay tiếp dầu tiếp nhiên liệu cho số máy bay này tổng cộng 250 lần.

Và việc liên tiếp phải nhận nhiên liệu khiến phi công Mỹ phải phàn nàn. Trung tướng Jon Davis, tư lệnh không quân của TQLC gay gắt nói rằng F-35B có thân dài hơn F/A-18 với thùng dầu phụ, vì sao phải tiếp nhiên liệu trên không thường xuyên, và ông không muốn thế: "Chúng tôi phải tiếp dầu nhiều lần hơn chúng tôi muốn".

Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Không lực Mỹ, Đại tá Chris Karns lý giải, máy bay chiến đấu ngốn rất nhiều nhiên liệu, và F-35B cũng không ngoại lệ. Đại tá Karns cho biết trong thời gian phi đội F-35B bay từ Mỹ sang Nhật, cùng với 10 chiếc F-35B là 9 chiếc máy bay tiếp dầu bay cùng. Những máy bay này đã bơm tổng cộng gần 350 tấn xăng cho số F-35B.

Trong khi đó, Tướng Scott Pleus của Không lực Mỹ lại có cách giải thích khác khi cho rằng máy bay F-35B của TQLC cần phải được tiếp dầu liên tục để bay đến Iwakuni.

Mỹ đã thiết lập cơ chế tiếp dầu vượt đại dương tính đến các kịch bản xấu nhất, nếu một máy bay tiếp dầu không thể thực hiện tiếp dầu trên không vì ảnh hưởng của thời tiết hay trục trặc kỹ thuật, thì cả nhóm máy bay vẫn đủ nhiên liệu để hạ cánh an toàn, Tướng Scott Pleus lý giải.