G7 Heads of State
© Leon Neal/Getty ImagesLãnh đạo các nước khối G7
Sự ngây thơ hay mập mờ của G7

Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada đã bế mạc với tuyên bố chung dài 8 trang, trong đó dành phần đáng kể nói về Nga. Đáng chú ý, thông qua tuyên bố này, các nước phương Tây tiếp tục buộc tội Nga liên quan tới vụ việc được cho là đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal tại Salisbury, Anh.

Nếu những cáo buộc trước đây từng vô căn cứ thì lời buộc tội lần này trong tuyên bố chung của G7 càng nực cười hơn và có phần "trẻ con" nếu xét về vị thế của các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.Trong phần nói về quan hệ với Nga, lãnh đạo các nước G7 kêu gọi Moscow chấm dứt cái gọi là "hành vi gây bất ổn", "gây ảnh hưởng tới các hệ thống dân chủ" và việc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tuyên bố chung của G7 cũng đồng thời lên án "vụ tấn công sử dụng chất độc thần kinh cấp độ quân sự ở Salisbury, Anh", bày tỏ sự ủng hộ đối với "đánh giá của Anh rằng nhiều khả năng Nga phải chịu trách nhiệm đối với vụ tấn công" với lý do "không có cách giải thích hợp lý nào khác".

Bên cạnh đó, tuyên bố chung của G7 nhất trí sẽ tiếp tục "can dự với Nga để giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực và thách thức toàn cầu", những nơi và G7 có lợi ích.

Trái với vị thế của các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới, G7 đã chứng tỏ "sự bất chấp" đến "ngây ngô" của mình khi tiếp tục buộc tội Nga một cách vô căn cứ khi sử dụng những từ như "nhiều khả năng" hay nêu ra lý do là "không có cách giải thích hợp lý nào khác".

Nếu cứ mỗi khi "không có cách giải thích hợp lý nào khác" là có thể kết luận một vấn đề thì thế giới đâu cần những bằng chứng, cũng đâu cần những thực nghiệm khoa học...

Cho đến nay chưa thể khẳng định hay bác bỏ sự liên quan của Nga đối với vụ việc ở Salisbury nhưng lời buộc tội của G7 không thể thuyết phục được bất kỳ ai cho dù có thể thông cảm đây là cái cách mà các đồng minh phương Tây thể hiện sự ủng hộ công khai đối với nhau, nhất là trước một nước Anh đang "chơi vơi" đi tìm lại vị thế cường quốc của mình.

Cũng tương tự là những cáo buộc Nga "gây mất ổn định" và ảnh hưởng tới "các hệ thống dân chủ". Nếu xét tới các cuộc tấn công xâm lược ở Iraq, Afghanistan, Libya hay mới đây là hành động tấn công một nước có chủ quyền như Syria, Nga mới là nước có quyền lên tiếng như vậy.

Tại sao G7 lại "dám" yêu cầu Nga ngừng ủng hộ một Tổng thống được bầu như ông Assad? Phải chăng vì nhà lãnh đạo Syria không muốn làm theo những gì phương Tây muốn?

Còn những cáo buộc Tổng thống Assad sử dụng vũ lực, thậm chí vũ khí hóa học chống lại dân thường cho tới nay đã phần nào lộ rõ là âm mưu của phương Tây thông qua việc rót tiền, giật dây các tổ chức mạo danh "nhân đạo". Bằng chứng không thể chối cãi là những chứng cứ giả tạo được tổ chức "Mũ bảo hiểm trắng" dàn dựng trong vụ việc ở Douma, Syria nhằm làm cái cớ cho Mỹ, Anh và Pháp tấn công Syria ngày 14/4.

Cay cú vì bị Nga khước từ?

Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada, lãnh đạo nhiều nước của nhóm, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố muốn Nga trở lại nhóm G8. Ông Trump thậm chí còn cho rằng việc Nga trở lại làm thành viên G7 sẽ là "một vật báu".

Phản ứng lại, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga không đặt ưu tiên tham gia G7 mà chú trọng tới các cơ chế khác ngoài nhóm này.

Năm 1998, Nga là thành viên thứ 8 trong G7 và biến nhóm này thành G8. Tuy nhiên, đến năm 2014, quy chế thành viên của Moscow đã bị đình chỉ sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Phải chăng vì "cay cú" không mời được Nga trở lại nhóm mà G7 quyết tâm đến cùng hòng tiếp tục cô lập, hạ uy tín của Moscow? Tuy nhiên, đây cũng có thể là đòn tấn công của G6 (các nước còn lại trong G7 trừ Mỹ) chống lại những tuyên bố "thân mật" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Nga.

Trên thực tế, ngay sau các phát biểu của lãnh đạo Mỹ và Italy tỏ ý mời Nga trở lại G8, Đức và Canada đã tuyên bố bác bỏ khả năng này.

Sự lục đục nội bộ của G7 đã lên đến đỉnh điểm khi chính các nhà lãnh đạo trong nhóm chỉ trích lẫn nhau sau khi bế mạc hội nghị. Thủ tướng nước chủ nhà Canada Justin Trudeau thì khẳng định sự kiện do Canada đăng cai đã thành công và nhân đây công kích Tổng thống Mỹ về các vấn đề thuế quan, NAFTA.

Ông Trudeau thậm chí đã gọi việc Mỹ áp thuế nhôm thép nhập khẩu từ Canada là "sự xúc phạm", đồng thời tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả tương ứng từ ngày 1/7.

Nghiêm trọng hơn, Tổng thống Mỹ Trump trên đường bay tới Singapore sáng 10/6 tuyên bố chỉ đạo cho các đại diện Mỹ tại Canada không công nhận tuyên bố chung của G7, đồng thời chỉ trích rất nặng lời ông Trudeau khi cho rằng nhà lãnh đạo Canada đã tuyên bố sai trái.

Trước những mâu thuẫn nội bộ của G7, ngay cả giới phân tích phương Tây cũng phải đặt ra câu hỏi về vai trò của nhóm này và các nước phương Tây cùng với đồng minh Nhật Bản thực sự muốn gì?

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì tuyên bố thẳng thừng nhóm G7 nay đã không có khả năng đơn độc giải quyết nhiều vấn đề của thế giới, trong khi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mới là hình mẫu cho một thể chế quản lý toàn cầu công bằng.

Ông Lavrov đánh giá, G20 áp dụng nguyên tắc bình đẳng trong việc thảo luận các thỏa thuận đồng thuận giữa các thành viên của G7 và các thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). G20 hướng tới tìm kiếm cân bằng lợi ích chứ không ra lệnh và đưa ra yêu sách.

Nhóm G7 được thành lập vào những năm 1970 bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Italy, Canada, Pháp và Nhật Bản. Còn G20 ra đời trong thập kỷ 1990, bao gồm các nước G7, thêm Australia, Argentina, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nam Phi và Liên minh châu Âu.