nazi nato map europe comparison
Đức Quốc xã đe dọa Liên Xô năm 1941 (trái); NATO đe dọa Nga năm 2016 (phải)
Bài viết được đăng tải trên trang National Interest, thể hiện quan điểm của tác giả Ted Galen Carpenter, một nhà nghiên cứu về quốc phòng và chính sách đối ngoại tại Viện nghiên cứu Cato, Mỹ.

Lời đề nghị đầy khiêu khích của Na Uy

Mỹ và các đồng minh NATO vẫn tiếp tục tìm cách chống lại Nga. Động thái có tính chất khiêu khích gần đây nhất là việc Na Uy đề nghị Mỹ tăng gấp đôi số quân đồn trú tại nước này, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới với Nga hơn trước.

Chỉ có 330 quân nhân Mỹ hiện đang "luân phiên" đồn trú tại Na Uy. Con số này không lớn, nhưng nếu Mỹ đáp ứng đề xuất của Oslo, thì lực lượng binh lính Mỹ tại nước này sẽ tăng lên 700 người và tập trung tại vùng cực Bắc của Na Uy, nơi chỉ cách biên giới Nga khoảng 420km.

Hiện tại quân Mỹ đang đồn trú tại khu vực miền Trung Na Uy, cách biên giới Nga khá xa.

Trên lý thuyết, việc quân Mỹ được điều động luân phiên tới Na Uy tuân thủ đúng theo cam kết của Oslo và Moskva năm 1949, khi nước này gia nhập NATO. Trong đó, Oslo đã cam kết sẽ không cho Mỹ đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Na Uy.

Ngoại trưởng Na Uy Eriksen Soriede cũng đã tái khẳng định rằng đề xuất trên của Oslo đối với Mỹ vẫn tuân thủ đúng cam kết năm 1949, tức là Mỹ vẫn sẽ không đặt căn cứ chính thức trên lãnh thổ Na Uy dù số lượng quân đồn trú tăng lên. Hình thức điều chuyển luân phiên đồng nghĩa với việc lực lượng của Mỹ chỉ hiện diện tạm thời (trên lý thuyết) tại Na Uy.

Tuy nhiên lời giải thích của Ngoại trưởng Soriede dường như không hề thuyết phục được Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức điện Kremlin.

Ngoài lời giải thích trên, các quan chức Na Uy cũng khẳng định rằng đề xuất triển khai quân ở cực Bắc nước này không hề nhắm đến Nga. Đối với Moskva, lời khẳng định ấy còn không đáng tin hơn cả lời giải thích về hình thức điều quân luân phiên.

Đề xuất của Oslo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi 9 quốc gia ở sườn Đông NATO, trong đó bao gồm Ba Lan, các nước Baltic, và Romania kêu gọi Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực này.

Bên cạnh đề xuất gia tăng số binh lính Mỹ đồn trú tại Na Uy, một cuộc tập trận lớn của NATO với tên gọi Trident Juncture 18 (Liên kết Đinh ba 2018) đã được lên kế hoạch tiến hành vào tháng 10 tới. Trong đó, 35.000 quân lính, 70 tàu chiến, và 130 chiến đấu cơ từ các nước NATO sẽ tham gia tập trận tại các địa điểm chính là miền Trung và miền Bắc Na Uy.

Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Soriede vẫn một mực khẳng định rằng bà không thấy có vấn đề gì nghiêm trọng khiến Nga phản ứng trước đề xuất tăng số lính Mỹ đóng quân tại Na Uy.

"Ngăn Liên Xô, giữ đồng minh Mỹ, và đánh bại Đức"

Cách cư xử không trung thực đó là "truyền thống" lâu năm của NATO đối với Nga. Trong Chiến tranh Lạnh, các quan chức phương Tây cũng thường xuyên khẳng định rằng các hành động của liên minh NATO không hề nhằm trực tiếp vào Nga.

Tuy nhiên, họ cũng đôi lần thừa nhận rằng NATO là một cơ chế quân sự được tạo ra để kiềm chế sức mạnh của Xô viết. Nhưng tất nhiên đó không phải là mục đích duy nhất của NATO.

Tổng Thư ký đầu tiên của NATO, ông Hastings Ismay, đã tuyên bố NATO được thiết lập để "ngăn Liên Xô, giữ đồng minh Mỹ, và đánh bại Đức". Có vẻ điều đầu tiên cũng chính là mục tiêu quan trọng nhất đối với NATO, kể cả trong quá khứ hay hiện tại.

Mục tiêu ngăn chặn Liên Xô khá hợp lý trong bối cảnh trước đây, khi các nước dân chủ châu Âu muốn tránh xa quỹ đạo chính trị của Moskva. NATO, một phần quan trọng trong chiến lược này, cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Nga không còn theo mô hình xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo các nước phương Tây vẫn tiếp tục thực thi chính sách cũ với Nga. Thậm chí họ còn tăng cường chính sách ngăn chặn Nga bằng cách kết nạp thêm các thành viên mới ở Đông Âu, và gia tăng hiện diện quân sự gần biên giới Nga.

Những hành động kể trên đã vi phạm cam kết của cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker và cựu Ngoại trưởng Đông Đức Hans-Dietrich Genscher khi hai miền nước Đức thống nhất, đó là NATO sẽ không vượt quá biên giới Đông Đức.

Dù NATO vi phạm cam kết và tiếp tục Đông tiến, nhưng các quan chức và học giả phương Tây đều một mực khẳng định rằng việc NATO mở rộng địa bàn không hề nhằm vào Nga.

Thậm chí một số ý kiến còn lập luận rằng Nga sẽ được hưởng lợi từ động thái này, khi những ranh giới chia cắt trong Chiến tranh Lạnh được xóa bỏ, hơn nữa nó còn giúp tăng cường ổn định về kinh tế và chính trị tại Đông Âu.

Hành động của NATO đi ngược lại với lời nói

Lãnh đạo các nước NATO liên tục khẳng định rằng họ không có ý định khiêu khích Nga, cũng như không muốn gây xung đột về lợi ích với Nga. Tuy nhiên những hành động của NATO lại đi ngược với lời nói. Việc NATO can thiệp vào Bosnia và Kosovo và làm suy yếu Serbia, một trong những đồng minh lâu năm của Nga, không phải là hành động thiện chí.

Ngoài ra, việc liên minh NATO (chủ yếu là Mỹ) triển khai quân đội và vũ khí tại các nước cực Đông cũng có thể coi là hành động gây hấn, nhất là sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi năm 2014.

Vậy mà lãnh đạo và dư luận các nước phương Tây lại hành động như thể Nga đang làm quá lên, như thể những phản ứng được cho là tiêu cực của Nga trước các động thái của NATO là không cần thiết.

Gần đây NATO đã liên tục tiến hành các động thái mà Nga cho là "khiêu khích" và "đe dọa", như các cuộc tập trận quy mô lớn tại Ba Lan và các nước thành viên NATO, hay tập trận hải quân trên Biển Đen, gần căn cứ hải quân quan trọng của Nga tại Sevastopol.

Trước những động thái ấy, Moskva không hề nhận được sự ủng hộ hay đồng tình khi lên tiếng phản đối hành động của NATO.

Lãnh đạo Mỹ và các quốc gia NATO cần thể hiện thái độ thực tế hơn. Bất cứ quốc gia nào, nếu ở trong hoàn cảnh của Nga, cũng sẽ coi các hành động của NATO là thiếu thiện chí, và thậm chí là đe dọa, nếu điều đó xảy ra gần biên giới nước họ.

Việc tiếp tục các hành động này trong khi phủ nhận mục đích thực sự có thể dẫn tới những tính toán sai lầm và một cuộc đối đầu khủng khiếp giữa NATO và Nga. Do đó, việc đầu tiên chính quyền ông Trump cần làm ngay nếu muốn cải thiện quan hệ với Moskva, đó là từ chối đề xuất gia tăng số lượng quân Mỹ của Na Uy.